1. Home
  2. Internet thực sự là gì? Hiểu ngay trong 5 phút

Internet thực sự là gì? Hiểu ngay trong 5 phút

366 lượt xem

Ngày nay, mạng Internet có mặt ở khắp mọi nơi và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhưng liệu bạn có hiểu hết về hệ thống mạng này? Bài viết sau đây sẽ giới thiệu rõ hơn về lịch sử hình thành, nguyên tắc hoạt động và cách phân biệt với wifi. Điều này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về mạng Internet và biết cách sử dụng hiệu quả hơn.

1. Mạng Internet là gì?

Mạng Internet là hệ thống thông tin toàn cầu gồm nhiều mạng máy tính liên kết với nhau, truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hệ thống cho phép người dùng truy cập công cộng miễn phí.

Internet

Mạng Internet là hệ thống thông tin toàn cầu giúp kết nối các thiets bị ở khắp mọi nơi trên thế giới.

1.1. Lợi ích của mạng Internet

Là hệ thống mạng được phủ sóng toàn cầu, mạng Internet mang lại cho con người nhiều lợi ích như:

1 – Internet là kho tàng kiến thức khổng lồ lưu trữ tri thức của nhân loại: Số lượng kiến thức lưu trữ trên Internet là rất lớn. Khi cần thông tin, bạn không phải tìm kiếm trên sách vở mà có thể tìm kiếm ngay trên mạng Internet. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin cho bạn ngay lập tức. Hơn nữa, Internet còn có thể truyền tải thông tin tới nhiều người tìm kiếm cùng một lúc và tất cả đều miễn phí. Nhờ Internet, bạn có thể dễ dàng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để mở mang kiến thức và nâng cao trình độ bản thân.

2 – Internet là nơi thực hiện hoạt động kinh doanh, buôn bán tiện lợi: Mạng Internet là nơi kết nối người bán hàng với người mua hàng, doanh nghiệp với khách hàng. Đây là nơi người bán dùng để quảng cáo, giới thiệu, đăng bán sản phẩm, dịch vụ; người mua dùng mạng Internet để tìm kiếm, so sánh giá cá, đặt mua sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng. Nhờ đó, việc kinh doanh, buôn bán online diễn ra thuận lợi, dễ dàng. Hơn nữa, Internet còn giúp con người thực hiện việc thanh toán online như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn điện, nước… trở nên dễ dàng.

3 – Internet là thế giới ảo giải trí đa dạng: Khi sử dụng mạng Internet, người dùng có thể thực hiện nhiều hoạt động giải trí khác nhau như nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc truyện, đọc báo… Những hoạt động này giúp người dùng cảm thấy thoải mái, được thư giãn mà lại tốn ít sức lực, tiết kiệm thời gian và rất thuận tiện.

4 – Giúp kết nối mọi người: Người dùng có thể dễ dàng kết nối với người khác bằng cách nhắn tin, gọi điện, gọi video, gửi email… thông qua các ứng dụng mạng xã hội trên Internet. Không những thế, Internet còn giúp kết nối người dùng ở cách xa nhau trong giảng dạy, học tập, hội họp, làm việc nhóm, thảo luận… Nhờ đó, con người đến gần nhau hơn. Mọi công việc, học tập trở nên dễ dàng. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh Covid kéo dài, con người không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau thì việc này càng trở nên có ý nghĩa.

Internet kết nối mọi người ở khoảng cách xa

Mạng Internet kết nối mọi người ở khoảng cách xa lại gần nhau hơn thông qua các ứng dụng, trang mạng xã hội, phần mềm…

1.2. Tác động tiêu cực của Internet

Tuy có nhiều lợi ích nổi bật nhưng mạng Internet không phải là không có những tác động tiêu cực, đó là:

1 – Khiến con người lười vận động hơn: Các hình thức giải trí trên Internet rất phong phú. Vì thế, một số người đã dành quá nhiều thời gian để lướt web, chơi game, xem phim… và trở thành những “con nghiện” Internet. Việc sử dụng nhiều Internet, ít vận động đã gây ra một loại các bệnh về mắt, xương khớp và sức khỏe giảm sút, sức đề kháng của con người cũng kém hơn.

2 – Không kiểm soát được nội dung độc hại: Nhiều nội dung trên mạng Internet không được kiểm duyệt có thể đầu độc tâm hồn thế hệ trẻ gây ra những tư tưởng lệch lạc. Thậm chí, nếu sử dụng không đúng Internet còn là nơi tiếp tay cho nhiều tệ nạn xã hội như đánh bạc, lừa đảo, cho vay nặng lãi, tội phạm an ninh mạng…

Tác hại của Internet

Một số người trở thành “con nghiện” Internet và luôn cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.

2. Lịch sử hình thành và phát triển của mạng Internet

Mạng Internet ra đời từ những năm 1960 với tên gọi là ARPANET. Mạng bắt nguồn từ sự phát triển của chuyển mạch gói và nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ủy quyền thực hiện để cho phép chia sẻ thời gian của máy tính. Sự ra đời này đã đánh dấu một bước tiến dài trong lịch sử phát triển của nhân loại và là cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mạng Internet là hệ thống trao đổi thông tin do Paul Baran phát minh. Sau đó, ông kết hợp với Leonard Kleinrock và Donald Davies để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Lịch sử Internet

Tóm lược quá trình hình thành và phát triển của mạng Internet.

Dưới đây là những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của mạng Internet.

Thời gianSự kiện
Năm 1960Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tài trợ cho nghiên cứu về việc chia sẻ thời gian của máy tính. Paul Baran bắt đầu nghiên cứu về chuyển mạch gói, một trong những công nghệ Internet cơ bản.
Năm 1965Donald Davies nghiên cứu về chuyển mạch gói.
Năm 1967Chuyển mạch gói được tích hợp vào thiết kế đề xuất cho ARPANET.
Năm 1969Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển ARPA (Bộ Quốc Phòng Mỹ) tiếp tục phát triển ARPANET. Bốn địa điểm đầu tiên là Viện nghiên cứu Stanford, Đại học California – Los Angeles, Đại học California – Santa Barbara và Đại học Utah được kết nối bằng mạng liên khu vực (Wide Area Network – WAN). Lúc này, các máy tính được liên kết với nhau và có khả năng tự định đường truyền tin ngay sau khi một phần mạng đã được phá hủy.
Năm 1970ARPANET là xương sống kết nối các mạng lưới học thuật và quân sự khu vực. Các mạng chuyển mạch gói khác như mạng NPL, mạng Merit và CYCLADES được phát triển.
Cuối năm 1971Mười lăm trang web đã được kết nối với ARPANET.
Năm 1972Trong một cuộc hội nghị quốc tế về truyền thông máy tính, Bob Kahn đã trình diễn mạng ARPANET liên kết 40 máy thông qua các bộ xử lý giao tiếp giữa những trạm cuối Terminal Interface Processor-TIP. Nhằm đáp ứng nhu cầu thiết lập giao thức bắt tay (agreed-upon), nhóm Internet Working Group (INWG) do Vinton Cerf làm chủ tịch được thành lập. Ray Tomlinson phát minh ra Email để gửi thông điệp trên mạng.
Năm 1973Hợp tác quốc tế trên mạng ARPANET lần đầu tiên. Các kết nối đã được thực hiện với Mảng địa chấn Na Uy (NORSAR) thông qua một trạm vệ tinh ở Tanum, Thụy Điển và nhóm nghiên cứu của Peter Kirstein tại Đại học College London. Dự án ARPANET và các nhóm làm việc quốc tế kết hợp đã dẫn đến sự phát triển của các giao thức và tiêu chuẩn khác nhau, nhiều mạng riêng biệt có thể trở thành một mạng hoặc “một mạng các mạng”. Đại học Harvard, Bob Metcalfe đã hình thành ý tưởng về ethernet (một giao thức trong mạng cục bộ). Vinton Cerf và Bob Kahn đề xuất những vấn đề cơ bản của Internet. Đây chính là những nét chính của giao thức TCP/IP.
Năm 1974Thuật ngữ Internet được Vint Cerf và Bob Kahn nhắc đến lần đầu tiên như một cách viết tắt cho mạng nội bộ RFC 675 và các RFC. Các nhà cung cấp PTT thương mại đã quan tâm đến việc phát triển mạng dữ liệu công cộng X.25. BBN xây dựng giao thức ứng dụng Telnet cho phép sử dụng máy tính từ xa.
Năm 1976Phòng thí nghiệm của hãng AT&T phát minh ra dịch vụ truyền tệp cho mạng FTP.
Năm 1978Tom Truscott và Steve Bellovin thiết lập mạng USENET dành cho những người sử dụng Unix. Mạng USENET là một trong những mạng phát triển sớm nhất và thu hút nhiều người nhất.
Năm 1979ARPA thành lập ban kiểm soát cấu hình Internet.
Năm 1980Quyền truy cập vào ARPANET được mở rộng. Quỹ khoa học quốc gia (NSF) tài trợ ARPANET cho Mạng khoa học máy tính (CSNET) và tài trợ tư nhân cho các phần mở rộng thương mại khác. Điều này làm cho toàn thế giới đều tham gia phát triển các công nghệ mạng mới và sát nhập nhiều mạng.
Năm 1981Mạng CSNET (Computer Science NETwork) ra đời. Hệ thống này cung cấp những dịch vụ mạng cho các nhà khoa học ở trường đại học mà không cần truy cập vào mạng ARPANET.
Năm 1982DAC và ARPA dùng mạng ARPANET với các giao thức TCP và IP. Sau đó, bộ giao thức Internet (TCP/IP) đã được chuẩn hóa giúp phổ biến các mạng kết nối trên toàn thế giới.
Năm 1983Giao thức TCP/IP được coi là chuẩn trong ngành quân sự Mỹ. Tất cả các máy tính kết nối với ARPANET đều phải dùng chuẩn mới này.
Năm 1984ARPANET được chia làm hai thành phần là ARPANET (chuyên về nghiên cứu, phát triển và là mạng dân sự) và MILNET (tích hợp dữ liệu quốc phòng và là mạng phục vụ cho mục đích quân sự). Những ưu điểm của giao thức TCP/IP và các chính sách mở cửa của chính phủ đã thúc đẩy việc nghiên cứu và thương mại qua ARPANET. Đây cũng là tiền đề cho sự hình thành của siêu mạng trong tương lai. Hội đồng các hoạt động Internet ra đời. Sau đó, hội đồng này được đổi tên thành hội đồng kiến trúc Internet.
Năm 1985Tổ chức khoa học quốc gia Mỹ NSF thành lập NSFNET để liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau. Cơ quan quản lý viễn thông Mỹ mở cửa cho một số băng tần của mạng không dây để cho người dùng sử dụng mà không cần giấy phép của chính phủ. Nhờ đó, các nhà cung cấp thiết bị không dây dùng cho mạng LAN đã phát triển các sản phẩm độc quyền của mình. Tuy nhiên, sản phẩm của các công ty không tương thích với nhau, gây rắc rối cho người dùng. Điều này đòi hỏi phải xác lập một chuẩn không dây chung.
Năm 1986Truy cập mạng TCP/IP được mở rộng trở lại. Mạng NSFnet chính thức được thiết lập, kết nối năm trung tâm máy tính. Mạng Khoa học Quốc gia (NSFNet) cung cấp quyền truy cập vào các trang web siêu máy tính ở Hoa Kỳ cho các nhà nghiên cứu. Đây là năm có sự bùng nổ kết nối, đặc biệt là ở các trường đại học. Trong thời điểm này, NSF và ARPANET song song tồn tại theo cùng 1 giao thức, có kết nối với nhau.
Năm 1988NSFNet đã mở rộng thành các tổ chức nghiên cứu và học thuật ở Châu u, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Dù các giao thức mạng khác như UUCP đã tiếp cận toàn cầu trước thời điểm này, nhưng đây chính là sự khởi đầu của Internet với tư cách một mạng lưới liên lục địa.
Năm 1989Các nhà cung cấp dịch vụ Internet thương mại (ISP) xuất hiện tại Hoa Kỳ và Úc. MCI Mail và Compuserve đã thiết lập các kết nối với Internet, cung cấp email và các sản phẩm truy cập công cộng tới nửa triệu người dùng Internet.
Năm 1990PSInet đề xuất mạng Internet thay thế cho mục đích thương mại. Đây là một trong những mạng được thêm vào cốt lõi của Internet thương mại sau này.

– Liên kết T1 (1,5 Mbit/s) tốc độ cao đầu tiên giữa NSFNET và châu u đã được cài đặt giữa Đại học Cornell và CERN. Liên kết này cho phép khả năng liên lạc hơn nhiều so với khả năng của các vệ tinh.

– Dự án ARPANET chính thức ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mạng do NSF và ARPANET tạo ra đã được sử dụng vào mục đích dân dụng. Đây chính là tiền thân của mạng Internet ngày nay. Lúc này, một số hãng lớn bắt đầu tổ chức kinh doanh trên mạng.

– Đối tượng sử dụng Internet chủ yếu trong thời gian này là những nhà nghiên cứu. Dịch vụ phổ biến nhất là email và FTP và Internet là 1 phương tiện đại chúng. Ước tính lưu lượng truy cập trên Internet công cộng tăng 100% mỗi năm, mức tăng trưởng số lượng người dùng Internet hàng năm là từ 20 – 50 %.

– Tim Berners-Lee bắt đầu viết WorldWideWeb, trình duyệt web đầu tiên sau hai năm vận động hành lang ban quản lý CERN. Ông đã xây dựng tất cả các công cụ cần thiết cho một web hoạt động như giao thức truyền tải siêu văn bản (HTTP) 0.9, ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (HTML), trình duyệt web đầu tiên (cũng là trình soạn thảo HTML và có thể truy cập các nhóm tin Usenet và các tệp FTP), phần mềm máy chủ HTTP đầu tiên (sau này được gọi là CERN httpd), máy chủ web đầu tiên và các trang web đầu tiên mô tả chính dự án.

Năm 1991– World Wide Web (WWW) dựa trên ý tưởng về siêu văn bản của Ted Nelson đưa ra vào năm 1985 được Tim Berners Lee (thuộc Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu u) công bố. Phát minh này đã mở ra một kỷ nguyên về siêu văn bản, một cuộc cách mạng trên Internet. Từ đây, con người có thể truy cập và trao đổi thông tin dễ dàng, nhanh chóng hơn.

– Commercial Internet eXchange được thành lập, cho phép PSInet giao tiếp với các mạng thương mại khác CERFnet và Alternet.

– NSFnet backbone được nâng cấp đạt tốc độ 44736 Mbps. NSFnet truyền 1 tỉ tỉ byte/tháng và 10 tỷ gói tin/tháng.

Năm 1993Người ta ước tính Internet chỉ mang theo 1% thông tin truyền qua viễn thông hai chiều.
Năm 1994– NIST đề nghị thống nhất trong việc dùng giao thức TCP/IP. WWW được sử dụng nhiều thứ hai, chỉ sau FTP. Sau đó, WWW tiếp tục trở thành dịch vụ lưu thông lớn nhất với gói tin truyền và byte truyền nhiều hơn. Các hệ thống quay số trực tuyến truyền thống như CompuServe, AmericanOnline, Prodigy bắt đầu kết nối Internet.

– Liên minh tín dụng liên bang Stanford là tổ chức tài chính đầu tiên cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên Internet cho tất cả các thành viên của mình.

– Tập đoàn truyền thông Netscape cho ra đời phiên bản beta của trình duyệt Navigator 1.0. Phiên bản này còn cồng kềnh và chạy rất chậm.

Năm 1995– NSFNET chuyển sang chỉ chuyên về nghiên cứu.

– Internet đã được thương mại hóa hoàn toàn ở Mỹ. Sự liên kết của các mạng thương mại và doanh nghiệp đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi sang Internet hiện đại và sự tăng trưởng diễn ra theo cấp số nhân. Internet tiếp tục phát triển và trở thành mạng lớn nhất thế giới, được ưa chuộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra kỷ nguyên thương mại điện tử trên Internet.

Năm 1996– Ngân hàng hợp tác OP Financial Group trở thành ngân hàng trực tuyến thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Âu.

– Công ty Hotmail cho ra đời dịch vụ web mail. Sau 18 tháng, dịch vụ đã có 12 triệu người sử dụng. Vì thế, Microsoft đã mua lại web mail với giá 400 triệu USD.

– Triển lãm thế giới đầu tiên trên Internet Internet World Exposition ra đời.

Năm 1997– Netscape và Microsoft cho ra đời trình duyệt phiên bản 4.0 của riêng mình.

– Một tiểu ban đã tiến hành thương lượng hợp nhất các chuẩn và ban hành chuẩn chính thức IEEE 802.11

Năm 1999– Chuẩn không dây chung 802.11b được ban hành.

– Nokia, 3Com, Intersil, Symbol, Aironet và Lucent kết hợp với nhau ra đời liên minh tương thích ethernet không dây VECA. Sau đó một thời gian, thuật ngữ wifi chính thức ra đời và trở thành tên gọi thống nhất của công nghệ kết nối cục bộ không dây được chuẩn hóa.

Năm 2000– Chuẩn không dây chung 802.11a được ban hành.

– Người ta ước tính Internet mang theo 51% thông tin truyền qua viễn thông hai chiều.

Tháng 11/2006Internet được đưa vào danh sách Bảy kỳ quan mới của USA Today.
Năm 2007Người ta ước tính hơn 97% thông tin được điều khiển qua Internet.
Ngày 31/3/2011Tổng số người dùng Internet ước tính là 2,095 tỷ (30,2% dân số thế giới).

3. Internet hoạt động như thế nào?

Dù thiết kế có sự thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm nhưng nhìn chung mạng Internet gồm ba thành phần chính. Đó là các máy tính, các thiết bị mạng đóng vai trò kết nối các máy tính với nhau và phần mềm hỗ trợ kết nối giữa các máy.

Mạng Internet hoạt động theo cách thức sau: Khi bạn truy cập vào một trang web, thiết bị của bạn sẽ gửi yêu cầu qua các dây cáp (cáp quang, dây đồng điện thoại, cáp TV) tới máy chủ. Máy chủ là thiết bị lưu trữ các trang web và hoạt động giống như ổ cứng máy tính. Khi yêu cầu đến, máy chủ sẽ truyền thông tin để thiết lập ISP và chịu trách nhiệm định tuyến yêu cầu này, tìm một miền tương tự như yêu cầu tìm kiếm gọi là DNS. Sau đó, máy chủ truy xuất trang web, gửi dữ liệu được yêu cầu đến thiết bị của bạn một cách chính xác trong vài micro giây.

Lưu ý: Các loại kết nối không dây như wifi, 3G/4G/5G tuy không kết nối qua dây nhưng cũng dựa trên những loại cáp vật lý để truy cập Internet.

Mạng Internet

Mạng Internet hoạt động theo chu trình khép kín, kết quả trả về chỉ trong vòng vài micro giây.

4. Sự khác biệt giữa Internet và wifi

Hiện nay, có nhiều người bị nhầm lẫn, coi Internet và wifi là một và dùng hai thuật ngữ này để thay thế cho nhau. Thực tế, đây là hai thuật ngữ khác biệt. Sự khác biệt này được thể hiện rõ trong bảng so sánh dưới đây.

Tiêu chíInternetWifi
Khái niệmInternet là một mạng lưới các mạng sử dụng cáp/ đường dây điện thoại/ vệ tinh/ kết nối không dây để kết nối hàng triệu máy tính với nhau tạo thành một hệ thống liên kết, giúp chia sẻ thông tin dễ dàng.Wifi là công nghệ mạng không dây giúp laptop, điện thoại thông minh, các thiết bị khác có tích hợp wifi kết nối Internet dễ dàng.
Công nghệInternet là một mạng viễn thông giống như một hạ tầng mạng dùng bộ giao thức (TCP/IP) để kết nối các thiết bị trên toàn cầu, cho phép người dùng truy cập dữ liệu hoặc thông tin từ các máy tính khác.Wifi là công nghệ mạng không dây tiêu chuẩn sử dụng sóng vô tuyến để gửi và nhận tín hiệu từ các thiết bị ở gần. Đây là một phương tiện cung cấp khả năng truy cập Internet, là một giao thức mạng cho phép các thiết bị giao tiếp không dây.
Cách thức hoạt độngInternet sử dụng một loạt các quy tắc xác định trước do bộ TCP/IP điều chỉnh để truyền thông tin. Các giao thức này cung cấp một ngôn ngữ chung mà cả hai thiết bị có thể hiểu và sử dụng để truyền dữ liệu.Wifi sử dụng sóng tần số vô tuyến để gửi và nhận thông tin qua mạng giống như điện thoại thông minh. Phần quan trọng nhất của wifi là điểm truy cập. Điểm truy cập là một địa điểm thực tế mà mọi người có thể sử dụng wifi. Để có thể kết nối wifi, các thiết bị phải được trang bị bộ điều hợp mạng không dây.

Qua trên có thể thấy Internet là mạng liên kết của hàng triệu máy tính ở khắp mọi nơi bằng cáp hoặc đường dây điện thoại/ vệ tinh/ kết nối không dây. Tất cả các thiết bị trong hệ thống này đều giao thức với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung duy nhất là bộ giao thức liên mạng. Còn wifi chỉ là công nghệ mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến để giao tiếp với các thiết bị xung quanh trong một cái phạm vi nhất định. Đây là cách để laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc bất kỳ thiết bị nào có bộ điều hợp không dây tích hợp sẵn.

Không cần có wifi bạn cũng có thể kết nối các máy tính ở khắp mọi nơi thông qua World Wide Web hoặc web. Ngược lại, bạn có thể kết nối với wifi nhưng không kết nối được với Internet hoặc kết nối giữa các thiết bị với wifi và router (bộ định tuyến) mà không cần Internet. Ví dụ như không có Internet, máy in tích hợp wifi vẫn kết nối được với mạng wifi và in. Bởi vì wifi giống như một router truyền tín hiệu Internet đến thiết bị của bạn để máy tính, máy in giao tiếp với nhau thông qua mạng wifi mà không cần Internet.

Mối quan hệ giữa Internet và Wifi

Sơ đồ mối quan hệ giữa Internet và wifi.

Avatar