Vì sao tội phạm rửa tiền xuất hiện nhiều trong các đại án?
Rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, lớn nhất từ trước đến nay
Thời gian gần đây, cơ quan điều tra đã khởi tố rất nhiều vụ án, trong đó có nhiều người bị điều tra về tội “rửa tiền“, với số tiền đặc biệt lớn chưa từng có trong lịch sử tố tụng.
Đầu tiên phải kể đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giai đoạn 2. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, nhằm che giấu nguồn gốc và việc sử dụng bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được, để phân tán dòng tiền, Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm đã rút tiền mặt tại SCB và giao cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của bị can này…
Từ đó, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có hành vi rửa tiền đối với số tiền hơn 445.000 tỉ đồng có từ hành vi phạm tội “tham ô tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời bị cáo buộc “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” hơn 106.730 tỉ đồng. Trong đó, hơn 415.666 tỉ đồng từ nguồn tiền phạm tội “tham ô tài sản” của SCB và hơn 30.000 tỉ đồng từ nguồn tiền “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành trái phiếu của Công ty An Đông (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).
Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài làm gì?
Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo rút tiền mặt, chuyển nộp vào tài khoản đứng tên tổ chức, cá nhân, chuyển giữa các tài khoản, sử dụng thanh toán các khoản chi cho các mục đích khác nhau. Cụ thể như trả gốc, lãi trái phiếu; chi trả nợ các khoản vay tại SCB; chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của SCB; chi cho dự án đang triển khai dở dang (dự án Mũi Đèn Đỏ; dự án A6, H.Bình Chánh, TP.HCM); chuyển tiền ra nước ngoài…
Cũng liên quan đến vụ án, còn có chồng của Trương Mỹ Lan là Chu Lập Cơ với vai trò đồng phạm giúp sức cho vợ, cũng bị đề nghị truy tố về tội “rửa tiền” hơn 33 tỉ đồng. Số tiền này có từ hành vi phạm tội “tham ô tài sản” của SCB và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông…
Trong một vụ án khác, hôm 17.5 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân (51 tuổi), tuyên y án sơ thẩm 21 năm tù đối với bị cáo về các tội tham ô tài sản (16 năm tù) và rửa tiền (5 năm tù).
Theo tòa, bị cáo Quân lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bệnh viện nên thành lập, sử dụng 4 công ty “sân sau” liên quan đến thiết bị y tế. Bị cáo Quân thuê Nguyễn Văn Lợi (38 tuổi) quản lý, điều hành các công ty; chỉ đạo bị cáo Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường.
Đồng thời, cựu giám đốc còn chỉ đạo chi phối, gây sức ép các nhân viên dưới quyền tại bệnh viện phải “thông thầu” với Lợi. Mục đích để các công ty của bị cáo Quân thắng thầu gần như tuyệt đối các gói thầu của bệnh viện với 27/28 gói thầu. Tổng cộng, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng của Bệnh viện TP.Thủ Đức.
Để che giấu số tiền trên, bị cáo Quân chỉ đạo bị cáo Lợi chuyển cho mình và vợ là bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (52 tuổi) để mua bất động sản. Tổng số tiền bị cáo Lợi chuyển tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của bị cáo Diễm là hơn 67 tỉ đồng.
Xét xử sơ thẩm hồi cuối năm 2023, TAND TP.HCM đã phạt Nguyễn Văn Lợi 12 năm tù về tội tham ô tài sản, 3 năm tù về tội rửa tiền; Nguyễn Trần Ngọc Diễm 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền.
Vụ án thứ ba, xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Năm 2016 Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Bị cáo Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hơn 4.500 người.
Sau khi Luyện bị tạm giam, vợ Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba) sợ tài khoản bị phong tỏa nên tháng 9.2019 đã chỉ đạo Nguyễn Thái Lực (trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, em trai bị cáo Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng) rút 13 tỉ đồng đưa cho Mai.
Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa còn phạt Võ Thị Thanh Mai 30 năm tù, Nguyễn Thái Lực 27 năm tù, cùng về 2 tội “rửa tiền” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Huỳnh Thị Kim Thắng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “rửa tiền”…
Sau đó, Luyện và các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Năm 2023, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Tòa giảm cho bị cáo Mai từ 30 năm xuống còn 23 năm tù; giảm án cho Lực từ 27 năm xuống còn 21 năm tù.
Tội rửa tiền là gì ?
Theo khoản 1 điều 3 luật Phòng, chống rửa tiền, quy định: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. Nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục đích biến tiền có được từ những hoạt động bất hợp pháp thành tiền hợp pháp.
Tại điều 324 bộ luật Hình sự quy định về tội rửa tiền, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 – 5 năm:
Thứ nhất, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.
Thứ hai, sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.
Thứ ba, che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có, hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
Thứ tư, thực hiện một trong các hành vi quy định trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Theo đó, mức án cao nhất đối với tội rửa tiền là 15 năm tù. Cụ thể, người phạm tội về tiền, tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, thì bị phạt từ 10 – 15 năm tù. Riêng đối với người chuẩn bị phạm tội rửa tiền, thì bị phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 – 5 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND tối cao), người phạm tội rửa tiền từ 500 triệu trở lên cho tới hơn 445.000 tỉ đồng cũng chịu mức án cao nhất là 15 năm tù cho tội “rửa tiền”. “Việc rửa tiền gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của quốc gia nơi xảy ra hành vi và tác động đến nền kinh tế của các quốc gia có liên quan. Đồng thời gây nên nhiều hệ lụy đến nền kinh tế tài chính toàn cầu”, TS Kim Vinh nói. (còn tiếp)