Tuyển sinh lớp 6 trường chất lượng cao ngày càng căng thẳng
“Chọi” hàng chục bạn khác để vào lớp 6
Chị Trần Lê, có con gái vừa tốt nghiệp một trường tiểu học ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết năm nay con chị “thử sức” vào 3 trường THCS chất lượng cao khác nhau. Dù đã ôn luyện 2 năm nay ở các “lò luyện” đủ bộ 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh nhưng sau khi thi xong thì hy vọng đỗ của con chị vẫn “hết sức mong manh” vì tỷ lệ chọi khốc liệt. Nhiều gia đình đã đầu tư cho con luyện thi từ lớp 1, lớp 2 chứ không phải đến lớp 4 mới đi học thêm như con chị.
Đáng chú ý, theo chị Lê, việc Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm nay bất ngờ dừng tuyển sinh lớp 6 vào “phút chót” dẫn đến mức độ cạnh tranh vào các trường còn lại căng thẳng hơn cả về số lượng và chất lượng vì những học sinh đã ôn tập để thi vào lớp 6 trường “Ams” thường là những học sinh được chuẩn bị kỹ nhất, bài bản nhất.
“1 chọi 18”, “1 chọi 20”, “1 chọi 10”, “1 chọi 8″… là những cụm từ xuất hiện nhiều trong mùa tuyển sinh năm nay ở các trường THCS chất lượng cao.
Trên địa bàn Hà Nội có 7 trường tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để tuyển sinh lớp 6, gồm: THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi…
Đến thời điểm này, nhiều trường THCS đã tổ chức xong phần thi tuyển, phụ huynh và HS đang hồi hộp chờ kết quả. Tại Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), hơn 5.500 thí sinh đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực lớp 6 trong khi trường chỉ tuyển 270 học sinh. Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường là 1/20. Đây cũng là trường trên địa bàn Hà Nội có tỷ lệ chọi vào lớp 6 cao nhất; tiếp đến là Trường THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) có tỷ lệ chọi là 1/18. Các trường như THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân, một học sinh cũng phải cạnh tranh với khoảng 10 bạn khác để mong có một suất học tại trường.
Vì sao áp lực “trường chất lượng cao” ngày càng tăng?
Lý giải việc 1 “chọi” tới 20 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 trường mình, ông Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết năm nay, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam dừng tuyển sinh lớp 6 nên áp lực càng lớn hơn với các trường THCS đặc thù khác, trong đó có Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành. Ông Cường cũng khẳng định, trong bối cảnh số lượng đăng ký dự tuyển vượt quá xa chỉ tiêu tuyển sinh thì việc đánh giá năng lực là cách làm công bằng, minh bạch nhất để tuyển được những học sinh phù hợp.
Mới đây, việc tách trường THCS danh tiếng nhất nhì thành phố là Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình) nhận được sự quan tâm của dư luận. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, giải thích việc tách Trường THCS Giảng Võ thành 2 trường nhằm đảm bảo một trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng Trường THCS Giảng Võ 2 thành trường chất lượng cao. Đây là yêu cầu bắt buộc của ngành giáo dục Q.Ba Đình và TP.Hà Nội, nhằm giảm quy mô, tăng chất lượng giáo dục.
Như vậy, việc phát triển trường công lập chất lượng cao có vẻ như xu thế ngày càng phát triển ở Hà Nội chứ không chỉ dừng lại ở một số trường như lâu nay. Tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội cũng bàn về dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó vẫn giữ quy định cho phép Hà Nội có hệ thống trường công lập chất lượng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về mô hình này. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao. Dự thảo chỉ mới đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung, nhân cách học sinh, trung tâm của quá trình giáo dục, mục tiêu giáo dục.
Bà Nga chỉ ra rằng, thực tiễn Hà Nội những năm qua nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, có những trường số học sinh trên 60 em/lớp, nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường công lập để thực hiện giáo dục đại trà.
“Chính sách đặc thù khi đầu tư nhân rộng, xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai nếu không thận trọng có thể dẫn đến phân tầng giáo dục, trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện, dẫn đến sự bất bình đẳng và tạo nên áp lực cho người học và nhân dân”, bà Nga phân tích.
Cũng theo nữ đại biểu, việc cho phép phát triển hệ thống trường công chất lượng cao “sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển, nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng thực tế chất lượng đào tạo giữa các trường THCS trên địa bàn Hà Nội không quá cách xa nhau. Nhiều phụ huynh không thực sự biết rõ trường nào có chất lượng tốt và tốt ở điểm gì, có phù hợp với năng lực của con mình không… Họ chỉ nghe thông tin từ bạn bè, phụ huynh khác, thấy trường nào đông học sinh đăng ký thì cũng cố cho con dự thi dù cách xa cả chục cây số.
Do vậy, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn trường cho con phù hợp với nguyện vọng, khả năng học tập của các con và ưu tiên gần nhà.
160.000 học sinh vào lớp 6
Không chỉ căng thẳng ở các trường chất lượng cao, năm nay, Hà Nội dự báo số học sinh vào lớp 6 các trường công lập bình thường cũng tăng rất mạnh. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, có khoảng 160.000 học sinh tốt nghiệp tiểu học sẽ vào lớp 6 năm học mới, tăng khoảng 58.000 học sinh so với năm trước. Con số này bằng hoặc nhiều hơn số học sinh của cả cấp THCS ở một số tỉnh lẻ.