Từng bước hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định sẽ mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi. Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29.12.2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng khẳng định sẽ xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất.
NỀN TẢNG ĐÃ CÓ SẴN
Tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành hoạt động 16 năm qua. Cơ sở này đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam. Các dòng sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Năm 2023, nhà máy đạt công suất trung bình 111% (cao nhất từ trước đến nay), sản lượng ước đạt hơn 7,35 triệu tấn sản phẩm (vượt 31% kế hoạch), tổng doanh thu đạt gần 146.500 tỉ đồng (vượt 54% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước hơn 16.600 tỉ đồng (vượt 69% kế hoạch)…
Từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, Việt Nam đã chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, nhà máy đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động, với mức thu nhập cao, hầu hết là lực lượng lao động trình độ cao và lành nghề…
Ngày 5.5.2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư (sau điều chỉnh) là hơn 1,2 tỉ USD (hơn 31.200 tỉ đồng), nâng công suất từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Dự kiến sau khi nâng cấp, sản lượng xăng các loại của nhà máy này tăng từ 65.900 thùng lên 79.700 thùng, dầu diesel từ 53.200 thùng lên 59.200 thùng, nhiên liệu phản lực và dầu hỏa tăng từ 5.500 thùng lên 13.100 thùng và các khoản thu ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 1.361 tỉ đồng/năm.
Hiện khu vực Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất có 18 dự án liên quan đến lọc hóa dầu và năng lượng với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 122.500 tỉ đồng. Trong đó, 11 dự án đã đi vào hoạt động. Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng các dự án khí trong khu vực. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ nâng công suất chế biến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy; nâng cao hiệu quả đầu tư nhà máy, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt khu vực Trung bộ…
Hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án năng lượng tại Khu kinh tế Dung Quất, được xem là nền tảng, “trái tim” để xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất.
CẦN THIẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH DẦU KHÍ
Đầu năm 2023, khi đến thăm và làm việc với Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất phù hợp với Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần thiết cho việc phát triển ngành dầu khí và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Thủ tướng, thực tế cả nước đang dần hình thành 3 trung tâm lọc hóa dầu lớn tại miền Bắc (Thanh Hóa), miền Trung (Quảng Ngãi) và miền Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu). Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về các trung tâm lọc hóa dầu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Căn cứ Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ, ngày 19.12.2023, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc phê duyệt đề cương Đề án Trung tâm lọc hóa Dung Quất.
Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4.5.2024 cũng xác định sẽ phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản phẩm sản xuất dầu mỏ tinh chế tập trung tại Quảng Ngãi và các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên. Theo đó, đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất tập trung vào công nghiệp lọc, hóa dầu, hóa chất, công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép… Quy hoạch cũng xác định sẽ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đủ năng lực đào tạo các ngành nghề trọng điểm của vùng, trong đó có công nghiệp lọc hóa dầu.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát triển thế mạnh về công nghiệp với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim, chế tạo cơ khí và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi, quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất.
Tháng 1.2024, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã làm việc với ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ dầu khí và than, Bộ Công thương để bàn về Đề án Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất. Sau cuộc họp, các cơ quan, đơn vị và tỉnh Quảng Ngãi thống nhất khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thuộc đề cương Đề án Trung tâm lọc hóa Dung Quất với mục tiêu hoàn thành đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.
PHÁT TRIỂN ĐẢO LÝ SƠN THÀNH TRUNG TÂM DU LỊCH BIỂN – ĐẢO
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết theo quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, đảo Lý Sơn với 1.492 ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi hơn 1.039,8 ha và không gian phát triển mới) sẽ được phát triển thành đô thị. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại 4 và sẽ đạt tiêu chí đô thị loại 4 trong giai đoạn 2026 – 2035. Giai đoạn 2036 – 2045, hướng tới thành lập thành phố Lý Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang phát triển cảnh quan đô thị biển đảo tại H.Lý Sơn. Trong đó, đảo Lớn sẽ phát triển các khu đô thị dọc theo bờ biển phía nam, hướng tiếp cận trực tiếp xuống đường biển, phát triển các khu sinh thái biển, các hoạt động vui chơi cao cấp, đặc sắc. Đảo Bé sẽ phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch, định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, cũng như khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển để phục vụ du lịch.