TP.HCM phấn đấu trở thành đô thị toàn cầu
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết việc báo cáo lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung có vai trò quan trọng, là cơ sở để rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch khác, định hướng để chỉ đạo quản lý, điều hành quá trình phát triển TP.
“Việc lập quy hoạch đô thị là yếu tố then chốt để định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Quy hoạch lần này góp phần tạo tiền đề để TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, bà Lệ nhận định.
TP.HCM phấn đấu trở thành đô thị toàn cầu | CDKT
Cần khoảng 360 tỉ USD thực hiện 199 dự án
Báo cáo tại kỳ họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết quy hoạch này xác định đến năm 2030, TP.HCM sẽ là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Về phát triển các khu chức năng, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết khu kinh tế sẽ hình thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái, có quy mô khoảng 1.000 – 2.000 ha; khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp gồm 37 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 7 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 10.461 ha; 4 khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.331 ha và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.251 ha.
Ngoài ra, còn các khu chức năng khác gồm 14 khu du lịch; 3 khu nghiên cứu đào tạo; 8 khu thể dục thể thao; 11 khu văn hóa; 1 trung tâm tài chính quốc tế; các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi và khai thác hợp lý (khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ); khu vực lấn biển tại Cần Giờ và các khu quân sự, an ninh; khu vực có vai trò động lực gắn với các khu chức năng trên, bao gồm khu vực đô thị trung tâm; TP.Thủ Đức; khu vực phía nam (Q.7 và H.Nhà Bè); khu vực H.Cần Giờ; khu vực H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, H.Củ Chi.
Trong quy hoạch TP.HCM, dự kiến triển khai thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỉ USD.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu cũng đặt vấn đề cần quy định cụ thể một số chỉ tiêu và xác định rõ lĩnh vực chủ lực giúp TP.HCM tăng trưởng như giáo dục, y tế, phát triển quỹ đất…
Phấn đấu sau năm 2030 đưa tăng trưởng lên trên 2 con số
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận các ý kiến của đại biểu để cùng hoàn thiện hồ sơ quy hoạch TP trình Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét trước khi hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về hồ sơ quy hoạch, ông Mãi cho biết UBND TP.HCM đang chỉ đạo các đơn vị liên quan giải trình làm rõ 149 nội dung theo hồ sơ quy hoạch và 18 nội dung đánh giá môi trường chiến lược để hoàn thiện hồ sơ với tinh thần khẩn trương để kịp thời gian, nhưng cũng nỗ lực hết sức mình để có được bản quy hoạch tốt nhất có thể.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, cần làm sao để quy hoạch này có tính tích hợp cao nhất theo đúng yêu cầu, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác: quy hoạch quốc gia chuyên ngành, quy hoạch chiến lược quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch TP…
“Quy hoạch TP là quy hoạch định hướng chiến lược phát triển và sau đó sẽ được cụ thể một bước vào quy hoạch chung của TP.HCM và sẽ được cụ thể, chi tiết hơn trong các đề án, chương trình, dự án của TP sau này. Các ý kiến cụ thể của đại biểu liên quan đến các khu chức năng, tỷ lệ đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất của TP, vấn đề quy hoạch sử dụng đất, về xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch hay các vấn đề cụ thể khác sẽ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng theo đúng quy định của pháp luật và đúng thực tiễn của TP.HCM”, ông Mãi nhận định.
Về ý kiến quỹ đất phát triển các cơ sở tôn giáo, ông Mãi cho biết việc xây dựng cơ sở tôn giáo đến mức độ nào trong từng kế hoạch đều được thực hiện theo quy định.
Tương tự, các khu chức năng khác cũng sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để làm sao có được điều kiện phát triển tốt nhất.
Về phương án tăng trưởng và GDP bình quân đầu người, Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi xác định, trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, TP.HCM phấn đấu tăng trưởng 8,5 – 9%/năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TP.HCM, nhưng phải phấn đấu có kịch bản, kế hoạch, những giải pháp và có sự đầu tư để làm sao đạt được từ đây đến 2030; phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TP.HCM lên trên 2 con số (trên 10%).
“Như vậy, TP.HCM sẽ có kế hoạch rất cụ thể, trong đó xác định danh mục đầu tư trọng điểm, có giải pháp đột phá và bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đi kèm là sửa đổi các thể chế, cơ chế, chính sách để TP có thể huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư, phát triển. Khi tháo gỡ các điểm nghẽn thì có khả năng chúng ta đạt được tăng trưởng này”, lãnh đạo TP.HCM nói.
Tiếp đó, TP.HCM vẫn giữ 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu nhưng sẽ chọn những phân khúc tạo ra giá trị gia tăng lớn phù hợp với tình hình TP để phát triển. Các phân khúc còn lại sẽ phối hợp trong liên kết vùng để phát triển ở các khu vực khác.
Về phát triển đô thị và các vùng chức năng, TP.HCM sẽ rà soát kỹ lưỡng để đồng bộ quy hoạch này vào quy hoạch chung TP.HCM.
“Từ đây đến năm 2030, chúng ta sẽ giữ đơn vị hành chính và đô thị như hiện nay, đó là gồm đô thị trung tâm, TP.Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện. Trong đó, gia tăng nội lực của tất cả các đô thị – đơn vị hành chính này nhưng cũng cố gắng định hình rõ nét “thành phố trong thành phố” đối với Thủ Đức. Còn 5 huyện thì thực hiện đề án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đạt được các chuẩn đô thị. 5 huyện của TP.HCM có được lên quận, lên TP hay không vẫn cần tính toán lại, nhưng ít nhất các huyện phải đạt được chuẩn đô thị loại 3″, ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện gợi ý của Thủ tướng Chính phủ về mô hình “thành phố trong làng, làng trong thành phố”.
“Tôi nghĩ với tư duy này, trong từng khu đô thị phải có yếu tố sinh thái và rộng hơn ở bình diện TP.HCM, chúng ta là đô thị đặc biệt nhưng cũng có vùng đệm, vùng nông thôn, vùng đất dự trữ. Như thế tư duy “thành phố trong làng, làng trong thành phố” sẽ tiếp tục được nghiên cứu và được cụ thể hóa trong quy hoạch này cũng như quy hoạch chung TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi kết luận.
Thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự khu phố, ấp
Cũng tại kỳ họp lần này, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại TP.HCM.
Theo đó, mỗi khu phố, ấp thành lập 1 tổ bảo vệ an ninh trật tự. Số lượng thành viên tổ được bố trí theo quy mô nhân khẩu của từng khu phố, ấp. Khu phố, ấp có quy mô nhân khẩu đến 2.700 nhân khẩu được bố trí 3 thành viên gồm: 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 1 tổ viên. Khu phố, ấp có trên 2.700 – 3.600 nhân khẩu được bố trí thêm 1 tổ viên; và tăng thêm đủ 900 nhân khẩu thì bố trí thêm 1 tổ viên.
Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng với tổ trưởng là 6,5 triệu đồng; tổ phó 6,3 triệu đồng; tổ viên 6 triệu đồng.
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 100% số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng quy định và 100% tiền đóng bảo hiểm y tế hằng năm.