Tội phạm ngân hàng: Dư chấn Huỳnh Thị Huyền Như, hơn 10.000 tỉ chưa thể thi hành
Dù vụ án xảy ra đã một thời gian nhưng nhiều người vẫn nhớ dư chấn mang tên Huỳnh Thị Huyền Như, cựu phó phòng quản lý rủi ro của một ngân hàng thương mại cổ phần. Đây có thể gọi là vụ án về tội phạm tài chính – ngân hàng gây chấn động giai đoạn 2011 – 2018.
Từ khi bị bắt đến khi xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như được dư luận gọi với cái tên “siêu lừa”, “siêu giàu”, “siêu tội phạm tài chính” với số tiền lừa đảo khoảng 4.000 tỉ đồng.
Vay tín dụng đen để ‘lướt sóng’ nhà đất, cổ phiếu
Năm 2014, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như được dư luận đặc biệt chú ý, không chỉ số tiền chiếm đoạt được xếp vào loại “khủng” nhất tính đến thời điểm đó, hơn 4.000 tỉ đồng, mà vì Huyền Như còn rất trẻ, mới 36 tuổi.
Huỳnh Thị Huyền Như sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Tháng 9.2011, Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt tạm giam sau khi công an vào cuộc để điều tra vì nhiều đơn tố cáo Huyền Như vay mượn tiền nhưng không trả.
Tại thời điểm đó, Như đang là phó phòng quản lý rủi ro của một ngân hàng thương mại cổ phần, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán và bất động sản một thời gian dài. Đồng thời với công việc tại ngân hàng lớn, Như cũng là thành viên hội đồng quản trị của một công ty cổ phần chứng khoán.
Trước đó, Huỳnh Thị Huyền Như vẫn được nhiều người thần tượng vì còn trẻ nhưng là người phụ nữ giỏi giang, thành đạt và có trong tay tài sản tiền tỉ từ rất sớm. Những năm 2006 – 2007, Huyền Như lúc đó mới 28 – 29 tuổi, chỉ là nhân viên của ngân hàng nhưng đã nắm trong tay hàng trăm tỉ đồng từ việc đầu tư nhà đất, cổ phiếu.
Thấy việc kiếm tiền từ “lướt sóng” nhà đất, cổ phiếu mang đến lợi nhuận quá dễ dàng, Huyền Như mượn tiền của giới tín dụng đen với lãi suất từ 0,4 – 2%/ngày để kinh doanh, “lướt sóng” nhà đất, cổ phiếu…
Khoảng giữa năm 2008, đầu năm 2009, nhà đất, cổ phiếu lao dốc nhưng Huyền Như không đành cắt lỗ mà ráng “gồng” tiền lời, vay lãi của người này để trả cho người kia. Món nợ của Như lên đến 200 tỉ đồng trong khi nhà đất, cổ phiếu rớt giá thảm hại. Có món nếu bán chỉ còn chưa đến 50% nhưng cũng không ai mua.
Huyền Như thất hứa trả nợ tín dụng đen nhiều hơn, cũng đồng nghĩa với việc phải chịu mức lãi phạt do trễ hạn cao hơn (5 – 8%/ngày). Các trùm cho vay lãi cũng bắt đầu nhắn tin, điện thoại đe dọa để Như trả nợ.
Dùng lãi suất cao dụ dỗ khách hàng
Nợ nần chồng chất, Huỳnh Thị Huyền Như nảy sinh ý nghĩ lừa đảo tiền của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng. Như nhờ người giới thiệu khách hàng gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất cao hơn so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước, phần chênh lệch lãi suất được nhận bằng tiền mặt. Điều này đánh trúng tâm lý khách hàng.
Để khách hàng không nghi ngờ, Huyền Như dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, trên hết là nhờ người làm con dấu giả của một chi nhánh ngân hàng để đóng dấu trên hồ sơ gửi tiền. Và lợi dụng chức vụ của mình lúc đó, là quyền trưởng phòng giao dịch, Như làm giả nhiều lệnh chi, thoải mái lấy tiền từ tài khoản của khách hàng đem trả nợ tín dụng đen cho mình.
Đâm lao phải theo lao, cứ đến lúc đáo hạn hợp đồng, Như lại bày kế đưa khách hàng khác vào tròng, lấy tiền trả cho người trước và trả lãi chênh lệch cho chính khách hàng đó. Đến khi số tiền nợ lên đến con số khổng lồ, hơn 4.000 tỉ đồng, thủ đoạn gian dối của Như bị lật tẩy.
Tháng 9.2011, vụ án được khởi tố, Huỳnh Thị Huyền Như – lúc ấy chỉ mới 33 tuổi bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Từ năm 2015 – 2018, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được chia ra làm 2 giai đoạn để xét xử và mức án bị cáo phải thi hành là tù chung thân, buộc bị cáo cùng đồng phạm phải bồi thường cho người bị hại. Tuy nhiên, số tài sản mà cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên được của Huỳnh Thị Huyền Như bao gồm gần 40 tỉ đồng tiền mặt, ô tô và một số biệt thự, căn hộ cao cấp khác cũng chỉ khoảng 300 tỉ đồng, chẳng là gì so với số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt và ôm nợ vào thời điểm 2014. (Còn tiếp)
Hơn 10.000 tỉ đồng vụ Huỳnh Thị Huyền Như chưa thể thi hành
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng xảy ra, là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tại thời điểm khởi tố.
Nếu xét về số tiền thiệt hại, vụ án liên quan Huỳnh Thị Huyền Như tuy không bằng vụ án EPCO – Minh Phụng (đại án tín dụng, ngân hàng thập niên 1990), nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất từ trước đến nay về nhóm tội phạm tài chính – ngân hàng. Thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2003 đến thời điểm khởi tố – năm 2011. Tổng số tiền các bị can đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Đến nay, cơ quan thi hành án vẫn chưa thể thi hành án xong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như do tài sản thu hồi không có. Cụ thể, án tuyên thu hồi hơn 15.000 tỉ đồng nhưng cơ quan thi hành án mới chỉ thu hồi được hơn 400 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng có điều kiện thi hành án, số tiền chưa có điều kiện thi hành án là trên 10.000 tỉ đồng do không có tài sản để thi hành án.