Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
admin 6 ngày trước

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Sầu riêng có đi theo thanh long?

Trung Quốc hiện là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu hằng năm vượt qua 1,4 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nước này đã thử nghiệm trồng sầu riêng từ những năm 1950, nhưng đến năm 2019, việc trồng sầu riêng trên quy mô lớn mới thực sự được triển khai tại đảo Hải Nam.

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc- Ảnh 1.
Sầu riêng VN có lợi thế thu hoạch quanh năm

Công Hân

Theo các thông tin đã được công bố, hiện tại, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam đạt gần 2.700 ha, chủ yếu tập trung ở các khu vực phía nam như Tam Á, Bảo Bình, Lạc Đông và Lăng Thủy. Trong năm nay, ước tính có khoảng 270 ha cây sầu riêng sẽ cho thu hoạch, với sản lượng dự kiến từ 150 – 200 tấn. Mùa thu hoạch sầu riêng tại Hải Nam kéo dài từ tháng 6 – 8, với đỉnh điểm là vào tháng 7 tới.

Tăng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Việc Trung Quốc tự trồng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu nội địa đang làm dấy lên một số ý kiến cho rằng các nước xuất khẩu loại trái cây tỉ USD này có thể bị ảnh hưởng và sầu riêng có thể như thanh long trước đây, sụt giảm sản lượng nghiêm trọng khi Trung Quốc tự chủ được vào những năm trước. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: “Trái thanh long nếu so với sầu riêng thì khác biệt rất xa. Thanh long là loại cây ăn quả ngắn ngày, dễ thích nghi nhiều loại thổ nhưỡng, khí hậu. Nhưng Trung Quốc sản xuất được thanh long đại trà với diện tích lớn cũng phải mất đến 20 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm. Trong khi đó cây sầu riêng là loại cây nhiệt đới, khí hậu Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp. Hiện nay Trung Quốc mới chỉ trồng vài ngàn mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67 m2 – PV) ở đảo Hải Nam, đây là nơi thường xuyên xảy ra mưa bão, thời tiết không thuận lợi để trồng sầu riêng. Nếu so sánh với cây thanh long thì sầu riêng khó trồng hơn nhiều, không dễ để sản xuất lớn tại Trung Quốc”.

Ông Nguyễn Văn Mười, đại diện Hội Làm vườn VN (khu vực phía nam), cũng nhận định: “Mặc dù diện tích trồng và năng suất sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng, nhưng vẫn chưa đủ để ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất khẩu sầu riêng của các nước khác, bao gồm cả VN. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc mỗi năm xấp xỉ 1,5 triệu tấn, cả Thái Lan, VN, Malaysia… cũng không đủ đáp ứng. Vì vậy vụ thu hoạch năm nay của Trung Quốc dự kiến khoảng 250 tấn không thấm tháp vào đâu, đó là chưa kể đến chất lượng sầu riêng có đạt chuẩn hay không”.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, trong vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc đã thu hoạch vào năm 2023, sản lượng và chất lượng đều không như dự tính. Năm nay sản lượng thu hoạch dự kiến thu được 250 tấn, Hải Nam đang lên kế hoạch tổ chức diễn đàn, hội thảo về sản phẩm sầu riêng để quảng bá. Tuy nhiên với sản lượng hạn chế thì khó có thể gây ảnh hưởng đến các nước sản xuất sầu riêng truyền thống như Thái Lan hay VN.

Cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng

Theo ghi nhận của Thanh Niên, thị trường tiêu thụ sầu riêng trong nước lẫn xuất khẩu hiện nay của VN đang hết sức sôi động, giá sầu riêng ổn định tại các khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây nguyên. Tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, giá sầu Thái lựa đẹp và sầu Thái mua xô đang dao động lần lượt trong khoảng 84.000 – 87.000 đồng/kg và 64.000 – 67.000 đồng/kg. Song song đó, giá sầu Ri6 loại đẹp cũng ổn định trong khoảng 60.000 – 62.000 đồng/kg; sầu Ri6 mua xô đang có giá khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ sầu riêng trên thị trường nội địa hơn 100.000 đồng/kg. Đối với nhiều gia đình, sầu riêng vẫn là loại trái cây xa xỉ, nhiều hộ có thu nhập thấp chưa đủ khả năng để ăn sầu riêng thoải mái nên dư địa thị trường vẫn còn rất rộng lớn.

Khảo sát tâm lý người trồng tại VN cũng thấy khá lạc quan. Đang chuẩn bị xuống giống trồng cây sầu riêng tại H.Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Nguyễn Minh Thuận, 46 tuổi, cho biết: “Nhiều người trồng sầu riêng cho biết loại cây này rất khó trồng, ngay tại VN, tỷ lệ thành công cũng không phải là 100%. Vì vậy Trung Quốc là xứ lạnh, dù có trồng sầu riêng cũng không đáng ngại. Còn ở thị trường nội địa đầu ra rất lớn, không bán trái tươi thì có thể cấp đông ăn lạnh, có thể tách múi để nấu chè, hoặc xay bột để làm bánh… Bây giờ tôi mới bắt đầu trồng thôi nhưng vài năm nữa cũng không lo đầu ra”.

Hiệp hội Rau quả VN khẳng định sầu riêng VN thu hoạch quanh năm tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt. Sau vụ thu hoạch ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, sầu riêng tại Tây nguyên sẽ bước vào chính vụ từ tháng 8. Năm nay có thể sẽ tái diễn cảnh tranh mua nguyên liệu xuất khẩu như năm trước, giá sầu riêng có thể được đẩy lên gấp 2 – 3 lần so với giá hiện nay. Ông Đặng Phúc Nguyên cũng tỏ ra lạc quan: “VN có lợi thế vị trí địa lý, có thể thu hoạch sầu riêng quanh năm, vì vậy việc Trung Quốc tự nghiên cứu trồng sầu riêng chưa gây ra sự lo ngại đáng kể nào. Nếu họ sản xuất được thì với điều kiện khắc nghiệt tại đảo Hải Nam, chi phí giá thành chắc chắn sẽ cao hơn các nước khác. Ngay cả cường quốc sầu riêng số 1 hiện nay là Thái Lan cũng đang cảm thấy áp lực cạnh tranh với VN ngay tại thị trường Trung Quốc là rất lớn, nên họ đang có xu hướng chuyển dịch, mở rộng các thị trường khác để tiêu thụ”.

Trong một diễn biến mới, đại diện Hiệp hội Rau quả VN thông tin Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đang được các bên thúc đẩy và có thể sẽ được chính thức công bố trong thời gian tới. Hằng năm Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Nếu VN có thể xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này với thị phần khoảng 30% sẽ mang về kim ngạch khoảng 300 – 500 triệu USD, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến trong năm nay.

Nói về nguy cơ đối với sầu riêng VN hiện nay, các chuyên gia nông nghiệp đều nhìn nhận vấn đề sản xuất, đảm bảo chất lượng chính là điều cần phải quan tâm đầu tiên để giữ vững thị trường và tăng cường cạnh tranh. Còn đầu ra, chưa có gì đáng phải lo ngại.

Cuộc lên ngôi của trái sầu riêng đã kéo theo sự khởi sắc về giá bán của các loại nông sản khác như cà phê, hồ tiêu… Theo Cục Trồng trọt, lợi nhuận từ sầu riêng hiện nay vẫn là cao nhất trong các loại cây trồng, vì vậy khi người dân chuyển sang trồng sầu riêng, sản lượng cà phê, hồ tiêu cũng sẽ giảm lại, góp phần thúc đẩy giá bán tăng lên và người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.

2 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi