Thay đổi cách dạy và học từ đề thi
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Thay đổi cách dạy và học từ đề thi
admin 3 tháng trước

Thay đổi cách dạy và học từ đề thi

Năm nay, một trong những điểm nhấn của đề thi ở TP.HCM là trích dẫn thông tin từ báo chí, như đề ngữ văn, đề chuyên sử đều dùng ngữ liệu từ các bài viết từng đăng trên Báo Thanh Niên để học sinh (HS) bàn luận.

Thay đổi cách dạy và học từ đề thi- Ảnh 1.
Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn tất môn thi ngữ văn kỳ tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm học 2024-2025

NGỌC DƯƠNG

Hay trước đó, đề văn không chuyên của Trường Phổ thông Năng khiếu trích lời ca sĩ Đen Vâu trong một buổi phỏng vấn trên báo.

RÈN KỸ NĂNG THAY VÌ GHI NHỚ MÁY MÓC

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu đã bắt đầu từ 10 năm trước (năm 2014). Sau đó việc này dần trở thành một xu hướng đúng đắn ngày càng phổ biến, tạo sự chuẩn bị cần thiết cho việc kiểm tra đánh giá theo năng lực.

Khi chương trình ngữ văn 2018 ra đời, việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK trở thành yêu cầu quan trọng cần đảm bảo, thống nhất với định hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Theo đó, cách dạy học mới, đặc biệt là việc kiểm tra đánh giá, phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, phải hướng tới việc rèn kỹ năng cho HS.

Cục A06-Bộ Công an: ‘Cần niêm phong cáp điện thoại, vô hiệu hóa thiết bị thu phát sóng tại nơi in sao đề thi tốt nghiệp THPT”

Với kỹ năng đọc, bên cạnh việc giúp HS hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, giáo viên (GV) cần chú ý trang bị cho HS công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học; tránh đọc chép và yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Với kỹ năng viết, GV cần chú trọng yêu cầu HS hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản, tập trung vào yêu cầu hướng dẫn HS thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ngoài ra, xây dựng và tăng cường sử dụng các bài tập dạy viết gắn với các tình huống thực tiễn và giả định để HS nhận thức được mối quan hệ giữa yêu cầu học viết trong nhà trường với nhu cầu tạo lập các sản phẩm viết trong đời sống.

Như vậy, GV phải thay đổi cách dạy là yêu cầu tất yếu. “Với chương trình GDPT 2018, GV phải giúp HS có cách tiếp cận cách học mới với mục tiêu hàng đầu là vận dụng kiến thức chứ không phải là tái hiện kiến thức, nói gọn là học “cách” (kỹ năng, cách thức) chứ không phải học “cái” (nội dung)”, thạc sĩ Khôi nhấn mạnh.

Thay đổi cách dạy và học từ đề thi- Ảnh 2.
Thí sinh thi lớp 10 tại TP.HCM trao đổi với nhau sau giờ thi

NHẬT THỊNH

HÌNH THÀNH THÓI QUEN THEO DÕI THỜI SỰ

Ra đề thi theo cách mới không chỉ khiến HS thích thú, mà còn tạo thói quen theo dõi thời sự cho người trẻ.

Đào Đức Lâm, HS Trường THCS Trương Văn Ngư (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Em luôn đề cao việc tìm hiểu thời sự qua thông tin trên báo chí, vì học để thực hành trong đời sống chứ không phải học theo khuôn mẫu chỉ để được điểm cao, trong khi năng lực giải quyết vấn đề bằng không”.

“Bản thân cách dạy học, nhất là theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng yêu cầu chúng em phải thường xuyên theo dõi thời sự”, nam sinh thi vào lớp chuyên văn chia sẻ thêm.

N.P.H, HS Trường THCS Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM), cho rằng thông tin báo chí gắn liền với vấn đề xã hội và cung cấp tư liệu, dẫn chứng cho bài làm môn ngữ văn nên việc đọc báo thường xuyên đang được các em ngày càng chú trọng. T.G.B, HS Trường THCS Hưng Bình (TP.Thủ Đức), thì cho hay em còn theo dõi thông tin từ báo quốc tế. “Ngoài đọc báo, nhiều bạn khác cũng tham khảo thông tin từ các trang mạng xã hội”, B. nói.

N.H.G, HS Trường THCS Nguyễn Văn Bá (TP.Thủ Đức), cho biết đối với môn ngữ văn, ngoài ôn lý thuyết và cách làm các câu hỏi nghị luận, em còn đọc nhiều sách báo để học hỏi, trau chuốt từ ngữ, đồng thời để nâng cao nhận thức xã hội, từ đó có những dẫn chứng giúp “nâng tầm bài viết”.

MONG GIÁO VIÊN ÔN TẬP CHO HỌC SINH KỸ NĂNG TƯ DUY

Từ thực tế đề thi, HS có kỳ vọng gì vào việc dạy và ra đề trong tương lai?

G.B nói rằng em mong nhà trường sẽ tăng cường ôn tập cho HS kỹ năng tư duy và giảm bớt lượng lý thuyết cần nhớ, bởi đặc điểm của đề toán ở TP.HCM thiên về tư duy. “Tương tự với việc dạy thì việc ra đề cũng nên chú trọng vào tư duy. Phần đại số cũng chỉ nên có 1 câu khó như câu c hình học để cân bằng”, G.B nói.

Đức Lâm thì mong GV tạo ra các hoạt động, trò chơi tư duy trên lớp để các em biết cách ứng dụng toán vào thực tế, thay vì “cho giải nhiều đề và học vẹt cách làm”, từ đó dẫn đến tư duy máy móc, thuộc lòng chứ đôi khi không hiểu bài làm. “Với đề thi, em hy vọng không quá nghiêng về “đánh đố” đọc hiểu, bởi bản chất của toán là tư duy logic. Đề cũng có thể tạo điều kiện để chúng em sáng tạo cách giải theo ý riêng, thay vì rập khuôn một cách làm”, nam sinh chia sẻ.

Với đề ngữ văn, G.B mong Sở GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh, thay đổi để ngày càng “mở” hơn, thay vì gò bó trong một số tác phẩm như ở câu 3 về nghị luận văn học, G.B đề xuất và cho rằng việc dạy học trên lớp cũng nên chú trọng vào việc giảng cho HS hiểu hơn là ép các bạn chép những lời giảng của GV.

Ở góc nhìn khác, Đức Lâm hy vọng GV dạy văn sẽ vui tươi và thoải mái hơn trong cách dạy, thay vì yêu cầu HS học thuộc văn mẫu để khi các bạn làm bài, “thầy cô sẽ có thành tích”. “Đối với em, học văn là để HS tự sáng tạo, tự suy nghĩ theo chính kiến của mình”, Lâm nhận định.

Đề thi sắp tới cần thay đổi ra sao ?

Với chương trình GDPT 2018, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi cho rằng từ năm tới đề thi cũng cần có những điều chỉnh để phù hợp.

Trước hết vẫn cần kế thừa những yêu cầu đã được đặt ra như tập trung vào câu hỏi/bài tập về đọc hiểu và viết để đánh giá được năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ của HS thông qua 2 kỹ năng này. Ngữ liệu ngoài SGK, linh hoạt về hình thức câu hỏi/bài tập nhưng phải đảm bảo 3 mức nhận thức là nhận biết – thông hiểu – vận dụng. Chú ý sự hài hòa giữa việc yêu cầu huy động những hiểu biết về xã hội và văn học.

Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Khôi, đề thi nên được cấu trúc theo trục chủ đề tích hợp. Do vậy, cách ra đề của một số địa phương như TP.HCM, Phú Yên… rất đáng khích lệ và là những tham khảo giá trị để có thể thực hiện đề thi theo yêu cầu mới.

Thêm vào đó, nguồn trích dẫn ngữ liệu phải được chuẩn hóa. Việc lựa chọn ngữ liệu, thiết kế câu hỏi trong đề thi phải bám sát yêu cầu cần đạt được nêu trong chương trình ngữ văn gắn với từng lớp. Tiêu chí hàng đầu của việc lựa chọn ngữ liệu là phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất, năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Để đánh giá năng lực và phẩm chất của HS, xem kết quả học tập của HS có đáp ứng với chuẩn đầu ra của chương trình hay không, câu hỏi trong đề thi (các nhiệm vụ đọc/viết được nêu ra) buộc phải gắn với yêu cầu cần đạt.

Còn thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), cho rằng ngữ liệu đọc của chương trình 2018 đa dạng, phong phú hơn chương trình cũ. Tuy nhiên, khi sử dụng cần chú ý văn bản phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể môn ngữ văn 2018, phải mang hình thức, đặc điểm rõ ràng của đặc trưng thể loại được chọn.

Với dung lượng văn bản hợp lý (dài ngắn phù hợp) có nội dung hướng đến sự tác động tích cực, ý nghĩa, nhân văn, tạo tâm lý phấn khởi, đam mê khám phá văn bản của người đọc.

“Văn bản được chọn đảm bảo tính phân hóa (độ khó phải mang tính phân loại, không mang tính đánh đố, làm khó HS một cách đại trà). Cuối cùng là tính thời sự nhưng phải phù hợp với tâm lý, độ tuổi… của HS”, thạc sĩ Huy nói.

7 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Không có nội dung