Trong một căn phòng tối, một nhóm đàn ông tuổi chừng U30, U40 nhìn chằm chằm vào những cô gái ở căn phòng phía trước. Họ ngồi đối diện nhau nhưng cách một “tấm gương ma thuật”, để chỉ phía nam mới có thể nhìn thấy phía nữ. Ở căn phòng đang sáng đèn, có cô gái nghịch điện thoại, có cô đang đọc sách, làm việc, nhưng điểm chung là đều không biết có người đang nhìn mình.
Như thể quan sát “con mồi” trong bể cá cảnh trong suốt, các khách hàng nam đến trước tấm gương, chọn một cô gái anh ta cảm thấy ưng ý để trò chuyện. Đó là những gì diễn ra hàng ngày tại quán cafe mai mối Kirari, tọa lạc giữa khu phố sầm uất Ikebukuro, Tokyo, Nhật Bản.
Sự thật rợn người về chiếc gương một chiều
Được gọi là “deai kissa”, mô hình cafe hẹn hò này vốn không còn xa lạ ở Nhật Bản, đặc biệt là ở Shinjuku, Shibuya, Ueno… Nói với tạp chí Facta Online, một nhân viên phục vụ cho biết các cửa hàng như vậy đã xuất hiện từ năm 2004 và hiện có khoảng 40 cửa hàng đang hoạt động ở Tokyo.
Tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này đã bị phát hiện ở M.D Cafe (đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM) và gây phẫn nộ cho công chúng.
Điểm đặc biệt của mô hình cafe mai mối này nằm ở chiếc gương một chiều, kích thước lớn như những tấm kính trong phòng tập gym hay nhảy múa. Phụ nữ trong căn phòng sáng chỉ thấy bản thân đang soi gương, trong khi đàn ông có thể quan sát toàn bộ từ căn phòng tối đối diện.
Mô hình cafe hẹn hò gây tranh cãi ở Nhật Bản. Ảnh: Cafe Kirari. |
Trên thực tế, đây là “gương một chiều” (đôi khi còn được gọi là “gương 2 chiều” hoặc “gương gián điệp”) được sử dụng trong các phòng thẩm vấn. Một mặt nó là một tấm gương bình thường, nhưng mặt kia vẫn giữ độ trong suốt của kính.
Gương một chiều hoạt động dựa trên nguyên tắc cường độ ánh sáng. Nếu cường độ ánh sáng ở cả hai mặt tấm kính như nhau, gương sẽ trông giống như một tấm kính bình thường. Nhưng khi ánh sáng chỉ sáng ở một bên và tối hơn ở bên kia, tấm kính là mặt gương khi người ở phía sáng nhìn vào và trở nên trong suốt ở đầu còn lại.
Hiện tượng này giống với lúc bạn nhìn ra cửa sổ vào ban đêm. Dù người bên ngoài có thể nhìn thấy bạn, nhưng bạn chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình do sự chênh lệch ánh sáng.
Thông thường, gương truyền thống được tạo ra nhờ phương pháp tráng bạc. Cụ thể, đằng sau tấm kính trong suốt, một lớp phủ vật liệu phản chiếu (như bạc, thiếc hoặc niken) sẽ được phủ lên.
Sau khi thêm một lớp đồng để ngăn chặn quá trình oxy hóa kim loại, người thợ sẽ tiếp tục sơn một lớp sơn, vừa bảo vệ lớp phủ phản chiếu, vừa đảm bảo rằng tất cả ánh sáng được phản chiếu tới người đứng trước gương. Điều này có nghĩa là bạn không thể nhìn xuyên qua một tấm gương thông thường.
Cách chế tạo gương 2 chiều. Ảnh: HIW. |
Với gương một chiều, cách làm sẽ khác đôi chút ở phần lớp phủ phản chiếu. Để tạo ra loại gương này, một lớp kim loại mỏng – thường là nhôm – được dán lên mặt trước của tấm kính.
Lớp này mỏng đến mức chỉ có một nửa ánh sáng chiếu vào bề mặt bị phản xạ trở lại. Phần còn lại truyền sang phía bên kia, giống như một cửa sổ. Chỉ cần căn phòng ở phía bên kia tối, bạn sẽ có thể nhìn xuyên qua căn phòng sáng hơn.
Bí kíp phát hiện gương một chiều
Đó cũng là cách các phòng thẩm vấn tội phạm tận dụng gương một chiều cho công tác điều tra. Phòng thẩm vấn thường sẽ phải rất sáng, trong khi bên kia – phòng quan sát của cảnh sát – phải tối. Ánh sáng rực rỡ trong phòng thẩm vấn phản chiếu lại bề mặt gương. Nhờ đó, tất cả những gì tội phạm nhìn thấy chỉ là hình ảnh phản chiếu của chính mình.
Trong khi đó, phòng quan sát của cảnh sát luôn trong điều kiện tối tăm nên rất ít ánh sáng có thể truyền vào phòng thẩm vấn. Lượng ánh sáng từ phía tội phạm giúp cảnh sát quan sát nhất cử nhất động, như thể họ đang nhìn qua một cửa sổ bình thường
Ngoài dùng trong phòng thẩm vấn, gương một chiều còn được ứng dụng trong máy nhắc chữ, camera an ninh và tạo ra nhiều hiệu ứng sân khấu khác nhau.
Song, công dụng của chúng dần bị biến tướng, phục vụ cho mục đích xâm phạm quyền riêng tư, theo dõi, ghi hình trái phép của kẻ xấu ở khách sạn, toilet công cộng… “Gương ma thuật” của các quán cafe mai mối như M.D Cafe là một ví dụ điển hình.
Mục đích ban đầu của gương 2 chiều là để thẩm vấn tội phạm (bên trái), nhưng sau đó lại bị biến tướng thành xâm phạm quyền riêng tư (bên phải). Ảnh: Shutterstock, M.D Cafe. |
Nhưng bạn vẫn có cách để kiểm tra xem tấm kính đối diện có phải là gương một chiều hay không nhờ một số dấu hiệu dưới đây. Hãy thử đặt ngón tay lên mặt kính. Nếu có khoảng cách giữa ngón tay và hình ảnh phản chiếu, gương đó là thật. Nếu không có khoảng cách, hãy cẩn thận, bạn có thể đang bị theo dõi.
Lý do là gương bình thường có lớp phủ bạc ở mặt sau kính, trong khi gương một chiều được phủ ở mặt trước để có độ phản chiếu, nhưng ánh sáng vẫn xuyên qua giúp người ẩn nấp phía sau có thể quan sát bạn.
Nhưng đây vẫn chưa phải cách tối ưu. Trong một số trường hợp, kẻ xấu sẽ đặt thêm một tấm kính mỏng thứ 2 lên tấm gương ma thuật để tạo ảo giác rằng nó bình thường.
Khi đó, hãy thử gõ nhẹ vào gương để kiểm tra. Nếu tiếng gõ nghe rỗng, đó có thể là một tấm gương một chiều, không có tường ngăn với căn phòng phía bên kia. Nếu âm thanh dày, trầm đục hơn, đây có thể là một chiếc gương thật.
Một cách để kiểm tra gương một chiều là đặt ngón tay vào bề mặt kính. Ảnh: HIW. |
Một thủ thuật khác để nhận biết là dùng đèn pin hoặc laser. Trong căn phòng thiếu sáng, hãy chiếu đèn ở một góc 45 độ lên bề mặt gương. Nếu gương một chiều, ánh sáng sẽ không đi theo một đường thẳng, mà phản chiếu khác ở phía bên kia, làm lộ ra một căn phòng bí mật.
Phương pháp này hiệu quả nhờ gương hai chiều được thiết kế để ánh sáng truyền qua từ một phía, trong khi phản chiếu ở phía bên kia. Một nghiên cứu trên tạp chí Forensic Science International: Synergy đã chứng minh việc chiếu đèn con trỏ laser ở một góc cụ thể có thể phát hiện đến 92% gương một chiều.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.