Một cuộc chiến giữa các nhà cung ứng linh kiện Trung Quốc đang nổ ra, với tâm chấn là Đông Nam Á. Đây là nơi Đài Loan và các đối thủ khác từ lâu đã “chọn mặt gửi vàng” để giúp các gã khổng lồ như Google và Apple mở rộng sản xuất.
Google là một trong những tên tuổi lớn đầu tiên yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng nhà máy sản xuất bên ngoài Trung Quốc do căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.
Những đối tác Đài Loan lâu năm như Foxconn, Compal Electronics, Quanta Computer, Pegatron và Inventec là những trụ cột chính giúp Google – và nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ khác – nhanh chóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, giờ đây, một nguy cơ khác đã ập đến – các đối thủ Trung Quốc cũng đang đổ xô vào khu vực này.
Hết Đài Loan đến Trung Quốc ập vào thị trường Đông Nam Á
Theo Nikkei Asia, Google vừa yêu cầu đối tác Trung Quốc Goertek sản xuất đồng hồ Pixel tại Việt Nam. Một nguồn tin nội bộ cho biết trước đây, các đơn đặt hàng lắp ráp thiết bị chỉ dành riêng cho các công ty Đài Loan. Nhưng sắp tới, Goertek sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phiên bản đồng hồ mới nhất vào năm 2025. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ giành được đơn đặt hàng cho năm 2026.
“Việc hợp tác với Goertek để sản xuất hàng điện tử tiêu dùng thuần túy chỉ liên quan đến hiệu quả kinh doanh. Đối tác này có nhà máy bên ngoài Trung Quốc, chất lượng, dịch vụ tốt và giá cả cạnh tranh”, nguồn tin nhận định.
Trụ sở R&D của Goertek tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: CFP. |
Trong khi đó, BYD của Trung Quốc đang đấu thầu dự án sản xuất điện thoại Pixel ở Đông Nam Á, nhưng sẽ còn rất lâu Google mới đưa ra quyết định chính thức. Hiện, tất cả smartphone Pixel đều được sản xuất bởi các nhà cung cấp Đài Loan. BYD sản xuất iPad của Apple và sở hữu năng lực sản xuất khổng lồ ở Đông Nam Á.
Tham vọng của Goertek và BYD nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong chuỗi cung ứng công nghệ, Nikkei Asia nhận định.
Một giám đốc của nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng New Kinpo của Đài Loan, cho biết: “Tất nhiên là chúng tôi cũng cảm nhận được sức nóng ngày một tăng. Hiện tại, chúng tôi đang cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ như BYD, Goertek và Luxshare”.
Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đã nổi lên như một cường quốc sản xuất. Một phần nguyên nhân là nhờ vào căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Vị trí địa lý gần với Trung Quốc và chi phí lao động thấp hơn đáng kể khiến các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan trở thành lựa chọn hàng đầu để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các công ty cung ứng có thể dễ dàng vận chuyển linh kiện do Trung Quốc sản xuất đến các thị trường này để lắp ráp nội địa.
Trong bối cảnh đó, các đối tác Trung Quốc lại là những nhà cung ứng năng nổ nhất trong việc xây dựng nhà máy bên ngoài lãnh thổ quốc gia tỷ dân. Chẳng hạn, trong danh sách nhà cung cấp hàng đầu của Apple vừa được công bố, 37% trong số 35 nhà cung cấp của tập đoàn tại Việt Nam là các công ty Trung Quốc.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2023 | |||||||
Nhãn | Trung Quốc | Singapore | Nhật Bản | Hàn Quốc | Đài Loan | Khác | |
% | 25 | 19 | 18 | 12 | 8 | 18 |
TCL Technology, một trong những nhà sản xuất TV hàng đầu Trung Quốc, đã mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam vào tháng 2/2019. Viết trên trang web, hãng cho biết sự tăng trưởng có chiến lược của họ tại đây là nhằm đáp ứng “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
Trung Quốc muốn phá vỡ định kiến
Theo Nikkei Asia, căng thẳng chính trị không phải là yếu tố duy nhất đẩy các nhà cung cấp của Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài. Tổng giám đốc của Acter Ming-Kuen cho rằng suy thoái kinh tế của Trung Quốc cũng thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc tìm các cơ hội sản xuất quốc tế.
Acter là công ty Đài Loan chuyên xây dựng cơ sở sản xuất ở nhiều lĩnh vực điện tử, bao gồm màn hình và chip. Công ty tham gia vào thị trường Việt Nam năm 2009 và gần đây đã đầu tư vào Malaysia và Thái Lan.
“Vì tình hình suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, gần đây chúng tôi nhận thấy rất nhiều công ty nước này đang chạy đua sang Đông Nam Á để giành lấy thị trường và tìm kiếm động lực tăng trưởng bên ngoài thị trường nội địa. Nhiều công ty trong số đó cũng đang theo chân khách hàng”, Lai nói.
Những nhà cung cấp này không chỉ có lợi thế kinh tế. “Các công ty Trung Quốc không chỉ đưa ra mức giá thấp hơn để giành lấy các dự án đấu thầu. Ở các quốc gia Đông Nam Á, họ có quan hệ ngoại giao khá tốt với chính quyền địa phương. Điều đó giúp họ có được cơ hội kinh doanh”, Tổng giám đốc của Acter chia sẻ với Nikkei Asia.
Khu đất 62,5 triệu USD của Foxconn nằm trong khu công nghiệp Quang Châu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Jeff Lin, nhà phân tích công nghệ của Omdia, áp lực chính trị có thể sẽ làm gia tăng tình trạng cạnh tranh theo một cách khác.
Lin nói: “Trên bình diện quốc tế, chúng tôi nhận thấy và kỳ vọng các công ty hàng đầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ra nước ngoài. Xu hướng này đang ngày càng tăng bởi mục tiêu chiến lược là kiếm thêm ngoại tệ và mang những khoản thu nhập đó trở lại Trung Quốc”.
Trong khi đó, Vincent Chang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á và liên lục địa tại nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới Advantech, cho rằng các nhà cung cấp Trung Quốc đang dần thoát khỏi cái mác “nhân công chi phí thấp và chất lượng thấp”.
Ông nói: “Chất lượng sản xuất của họ đã được cải thiện đến một trình độ nhất định. Họ không còn là nhà cung cấp sản phẩm hạng 2 nữa. Nếu cứ giữ những định kiến lỗi thời như vậy về Trung Quốc, bạn sẽ lỗ nặng”.
Việt Nam, Thái Lan hưởng lợi
Đối với các nhà cung cấp không đến từ Trung Quốc, đây lại là cuộc chiến căng thẳng chưa từng có, từ công nhân, đất đai cho đến lượng đơn đặt hàng của khách hàng.
“Trước đây, sự cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc về cơ bản chỉ diễn ra ở lãnh thổ đại lục. Nhưng giờ đây chúng tôi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh nội địa gay gắt ở Đông Nam Á. Họ có túi tiền dồi dào và chất lượng cao. Lợi thế của chúng tôi là có kinh nghiệm hoạt động bên ngoài lãnh thổ sớm hơn họ”, Chang nói.
Thống kê đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2018-2022 | ||||||
Nhãn | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Việt Nam | tỷ USD | 15.5 | 16.2 | 15.8 | 15.66 | 17.9 |
Thái Lan | tỷ USD | 13.19 | 4.82 | -4.77 | 14.64 | 9.94 |
Tuy nhiên, nhiều nhà cung ứng đang gặp khó khi tận dụng năng lực sản xuất hiện có của họ ở nơi khác.
Giám đốc điều hành của một nhà cung cấp giải pháp nhiệt Đài Loan cho biết: “Với chúng tôi, đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi sẽ mất đơn hàng nếu không đầu tư vào chuỗi sản xuất ở nước ngoài. Nhưng đồng thời, không có đủ số lượng đơn đặt hàng để tối đa hóa công suất các nhà máy cũ ở Trung Quốc”.
Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, cho biết các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc đã tiến rất nhanh trong việc đầu tư mạnh tay vào Đông Nam Á trong 2 năm qua. Tổng khoản đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong đã vượt Singapore – nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu vào năm 2023.
Chen nói với Nikkei Asia: “Lấy Việt Nam làm ví dụ. Các công ty tư nhân hoặc nhà nước của Trung Quốc đang đa dạng hóa năng lực sản xuất một cách có hệ thống ở đó”. Ông nói thêm các nhà máy mới ở Đông Nam Á sẽ giúp ích cho các hãng cung ứng Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Sống ở Việt Nam nhiều năm, Brian Chen cho biết các nhà cung cấp Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng ở nước này. Thậm chí, nhiều hãng đã bắt đầu chuyển đến miền Trung Việt Nam do mật độ xây dựng ở phía Bắc, gần biên giới Trung Quốc ngày càng dày đặc.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.