Mọi khía cạnh của Apple Intelligence đều mang dấu ấn của Apple. Ảnh: Apple. |
Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng Apple cũng trình làng bộ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát của mình với thế giới, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC 2024). Mô tả về Apple Intelligence, Phó chủ tịch phần mềm Craig Federighi đã tóm tắt bằng một câu: “AI dành cho mọi người”.
Không giống với ChatGPT hay Google Gemini, các công cụ và tính năng Apple Intelligence được giới công nghệ khen ngợi vì đã đầu tư thời gian suy nghĩ về cách sử dụng AI nhằm cải thiện, thay vì hủy diệt thế giới.
Điều khiến Apple Intelligence khác biệt
Mọi khía cạnh của Apple Intelligence đều mang dấu ấn của Apple, từ việc tập trung vào quyền riêng tư của người dùng cho đến khả năng tích hợp liền mạch vào các thiết bị và hệ điều hành của tập đoàn.
Digital Trends cho rằng Apple đã kiên quyết đợi đến khi AI của họ sẵn sàng ra mắt, thay vì vội vã tung ra một sản phẩm nguy hiểm, chưa hoàn thiện để đạt lợi nhuận tối đa.
Đây là điểm làm nên sự khác biệt của Apple, bởi cuộc đua giành vương miện trong lĩnh vực AI ngày càng giống một con dốc dẫn xuống vực thẳm. Ai cũng khao khát “chiến thắng”, đến mức sẵn sàng tung ra những công cụ ngày càng mạnh mẽ và nguy hiểm, trong khi thiếu khâu giám sát, kiểm định kỹ lưỡng.
Tiêu biểu nhất là Google khi vội vã đưa Gemini AI ra thị trường, dẫn đến sai sót nghiêm trọng về kiến thức lịch sử, hay GPT-4o với tranh cãi về đánh cắp giọng nói Scarlett Johansson. Đó là còn chưa kể những rủi ro theo sau cơn sốt AI như tin giả, tình trạng mất việc làm, nội dung khiêu dâm để trả thù…
AI được tích hợp vào hầu hết ứng dụng có sẵn của Apple. Ảnh: Apple. |
Digital Trends cho rằng Táo khuyết đã làm điều mà ít hãng làm được. Apple Intelligence được tích hợp ngay trong các ứng dụng hiện có của tập đoàn – những ứng dụng bạn sử dụng hàng ngày và hiểu rõ cách sử dụng.
Cách làm này giúp người dùng “quen lại từ đầu” với iPhone và AI. Bạn đã biết cách viết email và chỉnh sửa ảnh trên điện thoại. Giờ đây, với Apple Intelligence, những quy trình này vẫn tồn tại, nhưng sẽ có thêm một số tính năng thú vị hơn để thử nghiệm.
Bên cạnh đó, vận dụng lối thiết kế tối giản từng làm nên tên tuổi của mình, Apple đã tích hợp các công cụ AI vào các app sẵn có một cách tự nhiên, mượt mà. Người dùng không cần học cách sử dụng, tải plugin hay trả tiền cho bất kỳ ứng dụng mới nào. Trên thực tế, bạn gần như không cần phải làm gì mà vẫn có AI ngay bên mình.
Cũng chính nhờ hạn chế các công cụ AI tổng quát chỉ hoạt động trong các ứng dụng và tính năng hệ điều hành sẵn có, Apple có thể ngăn chặn những nội dung nguy hiểm, bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn sản phẩm của các đối thủ khác.
Apple Intelligence đảm nhiệm vai trò xử lý phần lớn các câu lệnh AI trên thiết bị. Điều này nghĩa là không ai khác có thể can thiệp, dù là Apple hay nhà phát hành ứng dụng bên thứ 3.
Ngay cả khi thiết bị cần dùng hệ thống đám mây để xử lý các truy vấn và yêu cầu của người dùng, Apple vẫn đặt ra hàng loạt giới hạn nhất định. Hãng cam kết mình không có quyền truy cập vào dữ liệu của bạn, dù sở hữu các máy chủ điện toán đám mây.
Chậm mà chắc
Nhưng các chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngại khi Apple ít nhấn mạnh vào AI, khách với cách làm của hãng với các sản phẩm chủ lực trước đây.
Trong bài thuyết trình tại WWDC 2024, Táo khuyết chỉ nhắc đến “AI” 3 lần. Con số này rất thấp so với 120 lần AI được đề cập tại sự kiện Google I/O vào tháng trước. Theo Cnet, Apple không muốn người dùng xem các tính năng học máy sắp ra mắt của họ như một “buzzword” (thuật ngữ chuyên biệt), từng khiến cổ phiếu của Nvidia và Microsoft tăng vọt.
Thay vào đó, họ gọi AI của mình là “Apple Intelligence”. Một số tính năng Apple giới thiệu như chỉnh sửa hình ảnh, viết email… đều có sẵn trên các thiết bị Windows, Google và Samsung.
Nhưng Apple cũng đang mang đến những thay đổi của riêng mình cho AI tạo sinh, giới thiệu các tính năng không có trên Android như Genmoji. Câu hỏi đặt ra là tại sao Apple không liên tục nhắc đến “AI” giống như Google, Samsung hay Microsoft?
Apple ít nhắc về AI tại sự kiện WWDC 2024. Ảnh: Apple. |
Andy Tsay, giáo sư tại Trường Kinh doanh Leavey, nhận định: “Tôi nghĩ cách tiếp cận chậm rãi và thận trọng này khá thích hợp, bởi họ có đủ khả năng ‘khóa người dùng’ trong hệ sinh thái của mình”.
So với các đối thủ Big Tech, Apple có lượng khách hàng ổn định, ít có nhu cầu chuyển sang các sản phẩm hoặc nền tảng khác. Do đó, Apple không cần phải khoa trương về làn sóng AI. Thay vào đó, hãng có thể biến “Apple Intelligence” trở thành yếu tố cốt lõi cho các tính năng được người dùng yêu thích.
Cách tiếp cận này giúp tập đoàn vượt qua hàng loạt lo ngại về AI tổng quát. Chẳng hạn, việc giảm bớt khả năng tạo hình ảnh sẽ giúp Táo khuyết tránh liên quan đến các hành vi nhạy cảm, như tạo ảnh khỏa thân, nhạy cảm để trả thù bạn bè, người yêu cũ.
Tất nhiên, không ít người cho rằng Apple chỉ đang né tránh sự thật đau lòng – hãng đang phải vật lộn để đuổi kịp các đối thủ về AI.
“Quan điểm tiêu cực chỉ trích Apple phản ứng quá chậm trước xu hướng AI. Nhưng quan điểm tích cực lại cho rằng hãng đang dành thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và đảm bảo rằng AI của họ thực sự giải quyết vấn đề cho khách hàng và hoạt động hiệu quả”, GS. Andy Tsay kết luận.
Digital Trends nhận định cách tiếp cận AI của Táo khuyết giúp Apple Intelligence trở nên hữu dụng, dễ hiểu và an toàn hơn hẳn so với các sản phẩm tiền nhiệm. Hãng đã chứng mình rằng AI không đồng nghĩa với sự hủy diệt. Thay vào đó, nó có thể là các công cụ hữu ích hàng ngày như Genmoji vui nhộn.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn