Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu
admin 4 tuần trước

Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu

Cùng những tác giả như A.S.Byatt, Diana Wynne Jones hay Neil Gaiman, Susanna Clarke từ lâu được mệnh danh là một trong những nhà văn viết truyện huyễn tưởng hay nhất nước Anh. Điều bất ngờ là bà có được danh tiếng nói trên chỉ bằng cuốn sách đầu tay thành công vang dội. Trong các tác phẩm, thế giới phép thuật cùng tính hiện thực được bà đan cài hòa quyện, để trong không gian tràn ngập mơ mộng của phép thuật, của nhiệm màu ta vẫn thấy được nhiều tầng ý nghĩa sâu xa bên dưới.

Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu- Ảnh 1.
Nhà văn Susanna Clarke

The Guardian

Thế giới nhiệm màu

Piranesi xoay quanh nhân vật cùng tên, người sống ở xứ “Cõi nhà” với những sảnh đường, hành lang, cầu thang nối nhau cho đến vô tận. Ở đó có 15 người, gồm anh, Người kia – một nhà khoa học mong muốn tìm kiếm sức mạnh cổ xưa và 13 bộ xương. Piranesi nhận lãnh nhiệm vụ vẽ bản đồ sao cũng như ghi chép quy luật thủy triều để đổi lấy thức ăn, áo quần và những thứ cần thiết từ người còn lại. Vào một ngày nọ người thứ 16 xuất hiện, trong khi Người kia cảnh báo không được giao tiếp với người mới đến thì những bí ẩn cũng dần mở ra. Người đó là ai, Người kia là ai và sự thật nào đang còn ẩn giấu?

Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu- Ảnh 2.
Bìa sách Piranesi – Bí ẩn ngôi nhà vô tận

1980 Novel

Cũng như tác phẩm đầu tay, ở Piranesi, Susanna Clarke đã rất thành công đưa được người đọc vào xứ sở của trí tưởng tượng phong phú. Cõi nhà mà bà tạo ra trải rộng đến viễn du, ở đó có ba tầng nhà mà Thượng sảnh là xứ mây trắng còn Hạ sảnh là khu triều dâng. Tràn ngập giữa các hành lang là những pho tượng được đặt chen chúc có nhiều hình dáng, từ những con người bình thường nhất cho đến Thần Nông hay Quỷ đầu dê. Piranesi sinh sống ở đó với đủ loài chim và các sinh vật đến từ biển khơi. Cấu trúc như một đền thờ Hy Lạp vô tận, không gian kỳ thú của thế giới ấy thu hút độc giả ngay từ trang đầu.

Kiến trúc của không gian này gợi ta nhắc đến những tác phẩm mang tính vị lai của các nghệ sĩ như Giovanni Battista Piranesi hay M.C.Escher. Susanna Clarke không giấu giếm điều đó khi bà lấy tên danh họa nước Ý thế kỷ 18 để gán cho nhân vật của mình. Về mặt văn chương, dấu ấn của những tác phẩm như Ngôi nhà nghìn hành lang (Diana Wynne Jones) hay các truyện ngắn Ngôi nhà của Asterion, Thư viện Babel (J.L.Borges) hiện diện vô cùng rõ ràng. Nhưng nếu những tác phẩm ấy chỉ mang tính chất thử nghiệm hoặc là khai thác các ảo ảnh quang học, thì ở Piranesi, Clarke đã mang theo vào nhiều tầng ý nghĩa.

Ngoài ra cách bà mô tả về những pho tượng cũng cho ta thấy thế giới phép thuật phong phú. Trong khi tượng Thần Nông đứng trong tuyết trắng nói chuyện với một bé gái gợi ta nhắc đến Biên niên sử Narnia nổi tiếng của C.S.Lewis, thì người phụ nữ mang theo tổ ong lại là gợi ý về sự ảnh hưởng của Borges. Trong Thư viện Babel, nhà văn người Argentina đã tả về một thư viện được tạo nên từ vô vàn ngăn nhỏ có hình lục giác mà mỗi thành tố đều sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập… Cách bà cho nhân vật chính đối thoại với chúng hoặc sẽ trở thành cứu cánh cho việc sống sót ở phía sau cùng cũng cho ta thấy phép thuật nói riêng và trí tưởng tượng nói chung quan trọng thế nào đối với con người.

Nhiều tầng ý nghĩa

Ra mắt vào năm 2020 ngay đúng thời điểm Covid-19 hoành hành và metaverse cực kỳ phát triển, Piranesi có thể được nhìn dưới nhiều góc độ, từ một câu chuyện có dáng dấp cổ tích đơn thuần qua đó phản ánh xã hội hay một tác phẩm “đa vũ trụ” khác. Piranesi của Susanna Clarke chứa trong mình nhiều tầng ý nghĩa, mà khi đào sâu ta lại thấy được những hướng khác nhau. Chẳng hạn theo nghĩa nào đó, Piranesi như tòa công trình người ta muốn đến bởi sự chật chội cũng như giam cầm của thế giới này. Nó song song với thế giới hiện tại nhưng có điểm chung là cùng tiêu điều. Nó to lớn nhưng cô độc và là cuộc sống của “giãn cách xã hội”.

Sách hay: Tầng tầng thông điệp từ thế giới nhiệm màu- Ảnh 3.
Không gian vô tận trong nhiều tác phẩm như của M.C.Escher là nguồn cảm hứng cho Piranesi

Mutual Art

Thế nhưng nhìn nhận ở mặt huyền thoại, việc đi tìm nguồn tri thức vĩ đại hóa ra lại là một cách nhìn khác về việc giao tiếp với tự nhiên và quay về bản thể với những gì thân thuộc, bình dị nhất. Trong khi Người kia chỉ chăm chăm tìm nguồn tri thức lớn, thứ giúp hắn ta có thể tàng hình, bay cao như chim, di chuyển đồ vật hoặc bất tử, thì Piranesi lại nhận thấy được những vẻ đẹp riêng. Anh biết từng khu sảnh một, từng hành lang một tưởng như tương đồng thế nhưng hóa ra lại rất khác biệt…

Cuối cùng tri thức vĩ đại là khi ta biết trân trọng những điều giản đơn, hệt như anh nói: “Cõi nhà có giá trị lớn lao bởi nó chính là Cõi nhà. Thế là đủ khi là chính nó. Nó không phải là phương tiện để ta đạt tới mục đích nào cả […] Vẻ đẹp của Cõi nhà là vô hạn, lòng bao dung của nó thì vô biên”. Ngoài là tác phẩm của trí tưởng tượng và phản ánh hiện thực khác biệt, câu chuyện qua đó cũng góp phần tôn vinh, đề cao cái thiện. Đó là chiến thắng trước sự ích kỷ cũng như tiếm quyền, trước người chăm chăm chỉ tìm cách điều khiển con tạo vần xoay.

Việc Piranesi gắn chặt với các ghi chép, quan sát cũng đồng thời là một sự đại diện cho chính tác giả. Vì ở quá lâu trong thế giới đó, anh đã quên hết những gì ở thế giới thực và dần trở nên ốm yếu. Điều này cũng tương tự với Susanna Clarke, khi bà được chẩn đoán mắc chứng mệt mỏi mãn tính và đó cũng chính là lý do phải mất gần 2 thập niên thì cuốn sách này mới được ra mắt. Nhưng bằng sức mạnh và giá trị nhân văn, bên cạnh một thế giới tưởng tượng hấp dẫn, Piranesi cũng đã ca ngợi ý chí chiến đấu như bà phát biểu khi nhận giải Women’s Prize for Fiction 2021: “Việc đoạt giải khiến tôi cảm thấy thật sự phi thường. Và tôi hy vọng việc mình đứng đây đêm nay sẽ động viên những người phụ nữ khác đang mất khả năng lao động vì bệnh tật kéo dài”.

Susanna Clarke sinh năm 1959. Cuốn sách đầu tay Jonathan Strange & Mr Norrell của bà đã chiến thắng giải Hugo Award danh giá cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng hoặc huyễn tưởng hay nhất. Nó cũng được đề cử ở giải Booker và là tiểu thuyết hay nhất năm 2004 do tạp chí TIME bình chọn. Cuốn sách thứ hai Piranesi cũng được đề cử giải Costa Book, Hugo Award và đã chiến thắng giải Women’s Prize for Fiction 2021.

1 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi