Quốc hội làm nhân sự, thảo luận nội dung cải cách tiền lương
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Quốc hội làm nhân sự, thảo luận nội dung cải cách tiền lương
admin 1 tuần trước

Quốc hội làm nhân sự, thảo luận nội dung cải cách tiền lương

Sáng 25.6, Quốc hội đã thông qua chương trình kỳ họp 7 điều chỉnh từ ngày 25.6 cho tới khi bế mạc vào ngày 29.6 tới.

Theo chương trình mới, từ cuối giờ sáng nay, Quốc hội bắt đầu làm công tác nhân sự. Cụ thể, Quốc hội sẽ bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV.

Quốc hội làm nhân sự, thảo luận nội dung cải cách tiền lương- Ảnh 1.
Quốc hội làm công tác nhân sự và thảo luận về chương trình cải cách tiền lương vào cuối giờ sáng nay

GIA HÂN

Quy trình bỏ phiếu bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ được tiến hành trong chiều nay.

Ngày 21.6, tại hội nghị bất thường hôm 21.6, T.Ư Đảng đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Trước đó, hôm 19.6, Bộ Chính trị cũng đồng ý ông Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV TP.Hà Nội và báo cáo T.Ư Đảng để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ các chức vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị 2 ngày sau đó, T.Ư Đảng cũng đồng ý cho ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII.

Ông Đinh Tiến Dũng hiện là đại biểu Quốc hội khóa XV, do đó, việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thảo luận về điều chỉnh cải cách tiền lương từ 1.7

Cũng theo chương trình vừa được điều chỉnh, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nghị sự nội dung về cải cách tiền lương từ 1.7.

Theo đó, trong chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo thẩm tra các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội.

Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào cuối chiều nay và thảo luận tại hội trường vào chiều 26.6.

Trước đó, tại họp thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 20.6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ 1.7. Do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên 2 nội dung của cải cách tiền lương gồm bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Thay vào đó, Chính phủ đề xuất mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng; đồng thời giữ nguyên các phụ cấp hiện nay. Lương hưu cũng sẽ được tăng tương ứng.

Việc cải cách tiền lương từ 1.7 được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Do đó, việc điều chỉnh, theo thủ tục, phải được Quốc hội thảo luận và thông qua.

1 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi