Phụ huynh có nên tự dạy con làm quen chữ trước khi vào lớp 1?
Lo lắng tìm lớp tiền tiểu học
Trên “Hội phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 1”, một phụ huynh đặt vấn đề: “Mọi người nghĩ sao về việc cho con luyện chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1. Tôi thấy có ý kiến là không nên cho bé học chữ trước khi vào lớp 1”.
Bài đăng này thu hút nhiều bình luận của các phụ huynh. Đa số phụ huynh cho rằng trẻ mầm non cần tranh thủ dịp hè tập đọc, viết chữ để khi vào lớp 1 không bị bỡ ngỡ. “Vào lớp 1, bạn nào cũng biết chữ, riêng con mình chưa biết thiệt thòi lắm, mẹ nên cho đi học trước”, một phụ huynh bình luận.
Một số phụ huynh khác lại cho rằng ngành giáo dục không khuyến khích trẻ mầm non học tiền tiểu học, đồng thời cho rằng con sẽ dần dần biết viết, biết đọc khi vào lớp 1.
“Mình tự dạy cho con tập viết tập đọc, cũng chưa hẳn là sẽ chậm hơn các bạn đi học tiền tiểu học. Con gái lớn nhà mình trước khi vào lớp 1 không đi học hè. Vào lớp 1, con vẫn chưa thuộc bảng chữ cái, nhưng sang kỳ 2 con tiến bộ rõ rệt…”, phụ huynh Bông Sen bình luận.
Phụ huynh còn đưa ra lời khuyên cụ thể: “Tùy theo khả năng, mình nghĩ phụ huynh không cần ép, gây áp lực cho con trong việc học tiền tiểu học. Hãy cho con học từ từ. Mỗi tối dạy cho con viết 1 chữ rồi lại dạy cho con cộng trừ phạm vi 5-10”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, một số giáo viên tiểu học – cũng là phụ huynh có con vào lớp 1 – cho hay trẻ chỉ cần biết viết, biết đọc một ít sẽ tự tin hơn trong thời gian đầu vào lớp 1. Các giáo viên đồng thời khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng, tránh gây áp lực, buộc con đi học tiền tiểu học và phải đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1.
Phụ huynh nên dạy con làm quen với chữ như thế nào?
Không ít phụ huynh thắc mắc liệu rằng họ có thể tự dạy cho con trẻ làm quen mặt chữ, viết những nét cơ bản hay không. Chưa kể, đa số giáo viên, gia sư hoặc trung tâm dạy thêm sẽ tự biên soạn giáo trình dựa vào chương trình chính thống để trẻ tập làm quen với con chữ.
Các giáo viên tiểu học lưu ý phụ huynh có thể giúp trẻ làm quen chữ nhưng cần tham khảo đúng kỹ thuật viết để tránh trường hợp bé cầm bút sai, ngồi sai tư thế thì rất khó sửa sau này.
“Hiện nay, chương trình dạy chữ viết lớp 1 rất chú trọng viết đúng chuẩn (về độ cao, độ rộng và cả kỹ thuật nối nét). Hầu hết phụ huynh dạy theo kinh nghiệm dân gian, hiểu biết riêng của mình nên có thể dạy không đúng với chương trình. Do đó, phụ huynh cũng cần phải tìm hiểu, nắm kiến thức theo chương trình để dạy con”, cô Nguyễn Hoàng Duy Hiếu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM), lưu ý.
Phụ huynh cũng có thể tìm kiếm tài liệu trên mạng hoặc ở nhà sách. Tuy nhiên, với muôn vàn đầu sách dành cho bé 5 tuổi, phụ huynh cần phải cân nhắc xem quyển nào phù hợp cho con hoặc trao đổi với giáo viên lớp 1 để có lựa chọn tốt nhất.
Về thời gian, cô Hiếu khuyên phụ huynh dạy cho trẻ mỗi buổi khoảng 45 phút và tăng dần, nhưng tối đa 1 giờ 30 phút và phải kết hợp nghỉ ngơi 1, 2 lần cho thoải mái. Phụ huynh có thể cho con rèn những nhóm nét cơ bản như: nhóm nét cong, nhóm nét móc, nhóm nét khuyết.
Đồng thời, phụ huynh xen kẽ các hoạt động: đọc, viết, tô màu, tính nhanh… cho bé không mỏi và không cảm thấy nhàm chán. Đối với môn toán, phụ huynh có thể dạy chủ yếu những con số, phép tính đơn giản kết hợp tranh ảnh.
Cô Nguyễn Hoàng Duy Hiếu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM), gợi ý một quy trình đơn giản cho những phụ huynh tự kèm trẻ ở nhà:
- Tập đồ các nét cơ bản. Nét cơ bản rất quan trọng, đây là nền tảng để viết chữ từ các nét. (Giai đoạn này mất nhiều thời gian nhất).
- Tập tô chữ cái, kết hợp ghi nhớ cách đọc chữ đó.
- Sau khi tập tô thành thạo thì chuyển sang tập viết chữ cái đơn (không đồ nữa). Rồi tập viết chữ ghép.
- Toán: dạy tập đếm số, viết được số từ 0-10 rồi chuyển sang so sánh và cộng trừ.