Phao xốp lại trôi đầy trên vịnh Hạ Long
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong các ngày 11 – 12.6, dọc bờ vịnh Hạ Long, người dân và du khách thấy rõ những mảng phao xốp với số lượng lớn trôi dạt vào.
Đặc biệt là tại khu vực trung tâm TP.Hạ Long như: bãi tắm Hòn Gai, khu vực công viên hoa Hạ Long, biển Bãi Cháy. Tại đây, nhiều du khách phải bì bõm bơi lội bên những khối phao xốp hôi hám.
Chị Trần Lan Anh (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Bãi tắm Hòn Gai những ngày qua rất nhiều phao xốp trôi vào bờ, nhất là những cột gỗ, mảng tre vây xung quanh mặt biển. Ban quản lý bãi tắm khẩn trương thu dọn để đảm bảo an toàn cũng như mỹ quan nơi công cộng”.
Đại diện UBND TP.Hạ Long cho biết, tại địa phương vừa qua liên tục có mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường đã đẩy lượng lớn phao xốp từ các vùng xung quanh trôi dạt vào bờ vịnh Hạ Long. Lực lượng chức năng đang căng sức thu dọn, đặc biệt là tại các địa điểm tham quan. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm khối rác thải nhựa, phao xốp được thu dọn từ vịnh Hạ Long lên bờ.
Về nguồn phát sinh phao xốp, Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định, trên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không có vùng nuôi trồng thủy sản bằng pháo xốp. Ngoài ra, các nhà bè công vụ, chức năng đều chuyển sang vật liệu thân thiện với môi trường.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, khi các địa phương giáp vịnh Hạ Long như: TP.Cẩm Phả, H.Vân Đồn, TX.Quảng Yên tổ chức xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép dẫn tới một lượng phao xốp, bè tre… không được thu gom kịp thời đã trôi dạt tới các đảo đá trên vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, vịnh Hạ Long giáp với H.Cát Hải (Hải Phòng), một địa bàn kinh tế – xã hội năng động, tại đây thường xuyên có tình trạng rác thải theo thủy triều trôi dạt sang.
Không những vậy, vịnh Hạ Long kết nối với đại dương nên còn lượng rác từ biển vẫn thường xuyên theo dòng chảy kéo tới.
Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận ngư dân xả rác xuống biển trong quá trình sinh hoạt, đánh bắt thủy sản quanh vịnh Hạ Long cũng làm gia tăng nguồn rác tới kỳ quan này.
Không chỉ bị “bủa vây” dưới biển, mà trên bờ, nhiều cống nước thải sinh hoạt không qua xử lý cũng chĩa vào Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, phần nào gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.