Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí: Phân nhóm, linh hoạt để phát huy hiệu quả
Quy định này phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý tài sản công giữa các cấp, từng loại hình cơ quan, đơn vị, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo việc sử dụng tài sản công minh bạch, hiệu quả.
Tính từ tháng 1.2018 – 12.2023, Sở Tài chính phối hợp các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo 167 tổng hợp, tham mưu trình UBND TP.HCM phê duyệt phương án, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với 266 địa chỉ, tổng diện tích đất hơn 919.800 m2.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhìn nhận tình trạng lãng phí tài nguyên đất là chuyện không phải mới trong vài năm qua mà đã kéo dài hàng thập kỷ nay ở cả khu vực tư nhân và đất do nhà nước quản lý.
Đối với đất công, có 3 nhóm đối tượng sử dụng. Thứ nhất là đất công sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, nhất là văn phòng đại diện phía nam của các bộ, ngành hiện sử dụng. Thứ hai là các khu đất giao cho DN nhà nước thuê với giá rẻ, thậm chí DN có vốn nhà nước sử dụng không tính phí, thuế. Thứ ba, nhà đất giao cho các công ty phát triển nhà, công ty dịch vụ công ích quản lý hiện giờ bỏ trống không ai thuê hoặc thuê giá rẻ.
Một số thống kê cho thấy TP.HCM còn trên 3.000 địa chỉ nhà đất đang quản lý và cho thuê nhưng hiệu quả rất khó xác định. Sự lãng phí là không thể tránh khỏi vì mặt bằng cho thuê ngắn hạn nên ít ai thuê, dẫn đến bỏ không. Mặt khác, đơn giá thuê cố định dài hạn tương đương giá thị trường, khi DN gặp khó khăn muốn xin giảm giá thì việc điều chỉnh không hề dễ dàng.
Trái lại, khi thuê đất của người dân, nếu không còn nhu cầu hoặc giá cao thì DN dễ thỏa thuận trả mặt bằng hơn. “Chúng ta không có chính sách uyển chuyển giá thuê đất hay những chính sách tăng, giảm theo thị trường. Đó cũng là nguyên nhân khiến DN không mặn mà khi thuê đất của cơ quan nhà nước”, TS Thuận phân tích.
Để giảm thiểu tình trạng lãng phí đất công, chuyên gia này cho rằng TP.HCM nên có kế hoạch kiểm tra, đánh giá toàn diện tính chất, hiện trạng vị trí, đồng thời phân loại nhà đất để có hướng xử lý giao – thuê cho phù hợp. Cụ thể, đối với đất đã giao, cho thuê cần đánh giá lại quá trình sử dụng, sự cần thiết của những tổ chức đó có nên sử dụng tiếp vị trí đó hay không và minh bạch đơn giá cho thuê.
Đối với đất đã giao cho các văn phòng đại diện phía nam, TP.HCM nên dành quỹ đất lớn hay tòa nhà văn phòng để giao cho các cơ quan đại diện, đồng thời thu hồi những khu đất ở trung tâm và giao, cho thuê theo giá thị trường.
Đối với đất đã giao cho DN, trên cơ sở đánh giá tổng thể nên thu hồi những quỹ đất lớn ở các quận trung tâm để tạo quỹ đất xây dựng khu thương mại và các công trình công ích nhằm tăng dịch vụ xã hội gia tăng. Phần còn lại, nhà nước cần tính toán giá thuê cho hợp lý, sát giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách.