Ông Được ‘đen’ vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Ông Được ‘đen’ vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng
admin 1 tháng trước

Ông Được ‘đen’ vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng

“Cướp cơm” hà bá

Dọc cầu Long Biên có một lối nhỏ dẫn xuống xóm Phao (P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội), là nơi sinh sống, tá túc của hơn 40 hộ dân, đa phần đều có hoàn cảnh éo le. Tên xóm Phao cũng bắt nguồn từ chính đặc điểm của những ngôi nhà nơi đây, khi chúng được chắp vá từ thùng phuy, mảnh gỗ, nằm chênh vênh trên mặt sông Hồng.

Ông Được 'đen' vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng- Ảnh 1.
Ông Nguyễn Đăng Được, người dân đầu tiên của xóm ngụ cư ven sông Hồng

VÂN ANH

Theo những hộ dân sinh sống tại đây, ông Nguyễn Đăng Được (78 tuổi) là người đầu tiên “cắm dùi” ở xóm. Nhiều người hay gọi ông với cái tên thân mật là ông Được “đen” hay “người thủ lĩnh”, “người trưởng xóm” vì những đóng góp và sự giúp đỡ của ông với xóm nghèo.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Được cho biết, quê gốc của ông ở H.Bố Trạch (Quảng Bình). Sau thời gian lăn lộn kiếm sống nhiều nơi, ông dạt về thủ đô với 2 bàn tay trắng. Giấy tờ tùy thân bị mất trộm, không chốn nương thân, ông làm đủ nghề để kiếm sống rồi quyết định “định cư” ở bãi giữa sông Hồng, lấy vợ, sinh con. “Ngày vào thành phố kiếm ăn, tối về đây ngủ. Không điện đã đành, không nước thì ra sông tắm”, ông Được nói.

Thấm thoắt hơn nửa đời người gắn bó với xóm ngụ cư, vợ chồng ông đều đã có tuổi nên ở nhà mở quán nước, bán hàng ăn sáng cho dân quanh xóm. Ông bà nuôi đứa cháu nội đang học lớp 4 được 5 – 6 năm nay, kể từ khi bố mẹ cháu ly dị, bặt vô âm tín.

Câu chuyện dân xóm hay kể khi nhắc tới ông Được “đen” là chuyện về những lần ông vớt xác trên sông Hồng. Từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, ông Được coi sống chết là chuyện bình thường. Vì thế, việc nhìn thấy xác chết trôi sông và vớt lên không khiến ông sợ hãi.

Từ năm 1988 đến nay, số xác ông vớt không đếm xuể, mà bản thân ông cũng không tính đếm bởi quan điểm “có làm công đâu mà cần sổ sách”. Hầu hết các thi thể ông vớt lên đều không có giấy tờ tùy thân, được ông chôn cất ở mảnh đất dưới chân cầu Long Biên.

Ông Được 'đen' vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng- Ảnh 2.
Dãy nhà lụp xụp, nơi những đứa trẻ xóm Phao lớn lên

VÂN ANH

Gắn với công việc quả cảm này hàng chục năm, nhưng mỗi khi được hỏi đến, ông đều khẳng định: “Tôi chưa bao giờ coi đây là nghề, gọi là nghiệp thì đúng hơn. Nghề là được trả công để làm, còn tôi làm việc này hoàn toàn tự nguyện”.

Có trường hợp ông được người nhà nạn nhân nhờ đi tìm xác, ông lại bỏ việc nhà để giúp họ. Xong việc, họ gửi tiền hậu tạ, nhưng ông không lấy một đồng. “Thấy người ta chết trước mặt mình, tôi không cam tâm. Tôi làm bằng cái tâm và không đòi hỏi tiền nong”, ông Được nói, giọng cương quyết.

Thậm chí, nhiều người khi được cứu sống còn “mắng, chửi rửa” ông. “Lúc đó, họ quẫn trí rồi thì mình chấp họ làm gì. Tôi đưa họ lên bờ, khuyên nhủ mà vẫn không nghe thì tôi dọa dúi đầu xuống sông, ấy thế là họ sợ ngay, lại van xin được sống”, ông tiếp chuyện.

Chuyện khiến ông Được nhớ nhất là cuộc tìm kiếm cô gái trẻ “báo mộng” cách đây chục năm. Theo lời kể của ông Được, cô gái nhảy xuống sông để lại dép, giấy tờ tùy thân trên bờ. Nghe tiếng “ùm” rất to, ông nhảy xuống theo nhưng không cứu được. Tìm dọc theo nhánh sông, xuống tận dưới đoạn Ý Yên (Nam Định) để “đón” cô gái, ông cắm thuyền ở đó mấy ngày vẫn không thấy. Buổi trưa, ông nằm trên thuyền chợp mắt thì mơ thấy “con bé trôi qua thuyền”. Lúc tỉnh dậy, ông chèo thuyền ngược lên khoảng tầm 1 cây số và thấy thi thể cô gái mắc ở bụi cây.

Gieo chữ nơi xóm nghèo

Không chỉ cứu người, vớt xác, ông Được còn giúp đám trẻ xóm nghèo học chữ. Cả xóm Phao có tổng cộng 37 cháu đang ở độ tuổi đến trường mà không được đi học nên ông mở lớp dạy chữ cho tụi nhỏ. “Trình độ văn hóa của tôi cũng đến lớp 7, xưa đỗ tú tài nên biết được gì thì tôi dạy hết cho các cháu”, ông cho hay.

Ông Được 'đen' vớt xác, gieo chữ nơi bãi giữa sông Hồng- Ảnh 3.
Phòng học, thư viện sách, khu vui chơi trước khi di dời, tuy đơn sơ nhưng rất ngăn nắp

MINH PHƯƠNG

Tự bỏ tiền túi mở lớp, lập thư viện sách, khu vui chơi cho đám trẻ, nhưng mới đây, thư viện sách của ông lại bị tháo dỡ do chủ đất đòi, thế là ông phải chuyển tủ sách và khu vui chơi ra bãi đất trống khác. Tuy mọi thứ còn ngổn ngang, nhưng ông Được luôn tận tâm vun vén hết mức để con em xóm Phao có nơi học hành, nơi vui chơi lành mạnh.

Rồi đến khi đám nhỏ biết mặt chữ, ông Được lại muốn giúp các cháu “lên bờ” đến trường. Nhưng vì tình cảnh chung “không định danh” của bà con xóm Phao, vấn đề giấy tờ tùy thân của con em họ cũng rất nan giải.

Không đành lòng, ông tìm mọi cách để xóa “kiếp vô danh” cho đám nhỏ. Ông bỏ thời gian dẫn mẹ con từng cháu về quê, xin địa phương giấy xác nhận cư trú của mẹ để đủ điều kiện cho các cháu có giấy khai sinh. Có những “ca khó”, ông sẵn sàng cầu cạnh, kêu gọi khắp nơi để con em xóm Phao được đến lớp.

Cho rằng học vấn giúp con trẻ thay đổi cuộc đời, ông Được làm vậy chỉ mong các cháu được “thoát ly”, có tương lai tươi sáng hơn ông bà, bố mẹ chúng. “Nếu được học, chúng có thể thành công dân tốt, làm ông nọ bà kia. Nếu không được học, chúng có thể trở thành kẻ cướp, đời chẳng còn gì nữa rồi, bần cùng dễ dẫn người ta đến bờ vực tội lỗi”, ông Được nhìn nhận.

Cứ thế, bằng trách nhiệm và tình thương, ông cố gắng giúp đỡ, không bỏ sót cháu nào. Điều ông tự hào nhất là xóm Phao đã có một cháu nam đỗ Trường ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Còn lại, đa phần các cháu ở đây đều học qua cấp 2, tùy hoàn cảnh gia đình mà vài cháu phải dừng học.

“Giờ tôi già rồi, thời gian sống chỉ tính bằng ngày, không tính bằng năm được nữa. Điều tôi lo lắng nhất là tương lai đám trẻ”, ông lão nghèo nhưng giàu nhân cách day dứt.

1 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi