Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, ‘Chú thuật hồi chiến’
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, ‘Chú thuật hồi chiến’
admin 2 tuần trước

Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, ‘Chú thuật hồi chiến’

Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, 'Chú thuật hồi chiến'- Ảnh 1.
Huỳnh Lê Bảo Nhi, thí sinh duy nhất đạt 9,5 điểm ngữ văn, cũng là mức điểm cao nhất trong kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM năm 2024

NGỌC LONG

Lớn lên cùng sách

Huỳnh Lê Bảo Nhi là cựu học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), đạt 9,5 môn văn, 9,75 tiếng Anh và 7,25 toán. Em là người có điểm văn cao nhất TP.HCM trong số 98.400 thí sinh dự thi lớp 10 năm nay, và cũng cao hơn người đứng đầu môn văn năm 2023 với mức 0,25 điểm. “Lúc dò kết quả, em chỉ ngỡ mình đạt điểm cao, đến khi bạn bè của bố mẹ thông báo em mới biết đã đoạt ngôi đầu môn này”, Nhi hào hứng.

Gặp Nhi trong một quán nước trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) vào sáng nay, 20.6, chúng tôi lập tức ấn tượng bởi sự tự tin và nguồn năng lượng tích cực được em thể hiện trong từng câu chuyện của mình. Để “tiếp lửa” cho bản thân, nữ sinh còn mang theo mô hình Gojo Satoru, một nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện tranh Chú thuật hồi chiến, để đặt ngay cạnh bên.

“Em thường đọc sách ngôn tình, khoa học viễn tưởng và ‘đu’ nhiều bộ truyện tranh khác nhau như Hunter X Hunter. Đây không chỉ là cách để giải tỏa áp lực mà còn giúp em nâng cao khả năng hành văn, xây dựng lối viết riêng và có thêm câu chuyện, ý tưởng cho bài làm”, nữ sinh đặt nguyện vọng chuyên văn vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) cùng nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) bộc bạch.

Nhi kể, em bắt đầu mối lương duyên với văn chương từ năm lớp 4 thông qua những câu chuyện cổ tích trong sách. Khi lớn lên, được truyền cảm hứng từ những dấu ấn bứt phá trong thơ ca của Hàn Mặc Tử, em bắt đầu thói quen ngẫu hứng làm thơ về đa dạng chủ đề. Đến hè năm lớp 8 vào lớp 9, thấy trường mở lớp ôn thi chuyên văn, Nhi cũng đăng ký theo học với hy vọng sẽ trở thành cô học trò chuyên văn trong những năm THPT.

Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, 'Chú thuật hồi chiến'- Ảnh 2.
Bảo Nhi đọc sách ở góc học tập đầy màu sắc của em

NVCC

“Để học tốt môn văn, theo em đầu tiên mình phải tự tạo ra sự hứng thú, vui vẻ cho bản thân. Để làm được điều này, trước mỗi buổi học, chúng ta cần đọc trước bài và ghi chú lại các câu hỏi mà mình còn thắc mắc, như vì sao lại dùng từ ngữ này trong bối cảnh đó hay vì sao bài văn lại có sắc thái này, để khi nghe giảng có để hiểu rõ và hiểu sâu, từ đó tiếp thu bài nhanh hơn.

Bên cạnh đó, sau khi tiếp thu bài giảng trên lớp của thầy cô và có nền tảng về tác phẩm, chúng ta nên về nhà xem thêm các bài giảng trên mạng để mở rộng lối phân tích và cách triển khai. Bản thân em cũng tham khảo thêm các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để tăng phản xạ khi làm phần đọc hiểu và nên liên tục viết để dần dần cải thiện năng lực”, nữ sinh chia sẻ.

“Ở lớp ôn chuyên, em được học về lý luận văn học với các nội dung như chức năng văn học, đặc trưng văn học, thể loại… và cách áp dụng nó vào những tác phẩm khác nhau”, nữ sinh nói thêm. Nhi cũng cho biết, trước khi đạt điểm cao nhất môn văn ở kỳ thi lớp 10, em từng giành giải 3 học sinh giỏi cấp thành phố môn ngữ văn và giải khuyến khích hội thi Sách tiếp sức cuộc sống do Phòng GD-ĐT Q.3, TP.HCM tổ chức.

Mong trở thành bác sĩ

Làm thế nào để bài làm văn đạt 9,5 điểm? Nhi chia sẻ, quan trọng nhất là phải viết đúng ý và đúng phương pháp. Theo đó, các ý hay luận điểm trong bài phải bắt nguồn từ chính câu hỏi của đề bài sau khi đã phân tích yêu cầu kỹ càng. Tiếp đó, thí sinh phải đảm bảo có đủ các phần, như với nghị luận xã hội phải có mở bài, giải thích, bàn luận, phản đề, mở rộng và kết bài”, nữ sinh cho hay.

Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, 'Chú thuật hồi chiến'- Ảnh 3.
Bảo Nhi (bìa trái) nhận giấy khen trong lễ tổng kết của Trường THCS Hai Bà Trưng

NVCC

Ở phần nghị luận văn học, vì có nền tảng về lý luận văn học nên Nhi làm đề 2, quyết định có khá ít thí sinh lựa chọn. Trong khi đó, ở câu nghị luận xã hội về quan điểm “nghĩ về trái tim”, em bày tỏ sự đồng tình thông qua dẫn chứng về “người hùng” Đồng Văn Tuấn bất chấp nguy hiểm dùng búa tạ đập tường cứu người trong vụ cháy mới đây ở Hà Nội, “một hành động hoàn toàn làm theo con tim mách bảo”.

“Tuy nhiên, riêng phần nghị luận xã hội em đã không kịp làm phản đề về việc cũng cần có lý trí khi nghe theo quyết định từ con tim do đã lố thời gian. Em nghĩ đây chính là lý do khiến mình mất điểm”, Nhi tiếc nuối.

“Trước khi làm bài, em tự phân bổ sẽ hoàn thành phần đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học lần lượt trong 15, 45, 60 phút. Tổng cộng, em viết được 11 trang giấy, còn dư 5 phút để đọc lại toàn bộ và sửa một số lỗi chính tả. Song, không phải cứ viết dài là điểm cao mà phải ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm và tránh lan man, lặp ý”, Nhi nêu quan điểm.

Trong đề môn ngữ văn năm nay của TP.HCM, Nhi cũng đặc biệt ấn tượng với phần ngữ liệu trích từ Báo Thanh Niên, thay vì từ các tác phẩm văn học như mọi khi. “Câu chuyện về những người lính biển đảo trong bài rất phù hợp với học sinh chúng em vì không chỉ khơi gợi lòng yêu nước mà còn xuất phát từ thực tế và cho chúng em có cái nhìn khách quan hơn. Bởi, trường em cũng hay tổ chức các phong trào đóng góp cho biển đảo quê hương”, Nhi kể.

Nữ sinh đạt điểm văn cao nhất TP.HCM mê đọc ngôn tình, 'Chú thuật hồi chiến'- Ảnh 4.
Từ trái qua: Giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thụy Kim Nguyệt, Bảo Nhi, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng-Đỗ Thị Kim Phượng, chị Tạ Vũ Ngọc Lê-mẹ của Bảo Nhi

NVCC

Cô Nguyễn Thụy Kim Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy văn của Bảo Nhi ở Trường THCS Hai Bà Trưng trong 2 năm lớp 6 và lớp 9, cho biết cách viết của nữ sinh từ ngây ngô, dễ thương giờ đã hoàn toàn sâu sắc, trưởng thành. “Bạn luôn tìm tòi và đặt những câu hỏi mở rộng hơn so với phạm vi bài học. Tôi cũng luôn ‘ưu tiên’ dành câu hỏi khó cho bạn để Nhi có thể bày tỏ những gì mình đã tích lũy”, nữ giáo viên chia sẻ.

“Nhi cũng là một học sinh rất ngoan, giỏi, chăm chỉ và tiếp thu bài nhanh. Em cũng rất say mê, miệt mài đọc sách nên nhờ đó có sự hiểu biết về cuộc sống nhiều hơn các bạn đồng trang lứa. Đây cũng là lần đầu trường có thủ khoa môn ngữ văn”, cô Nguyệt nói, cho biết thêm Nhi cũng chịu khó tham gia các buổi ôn tập trước thi do trường tổ chức để hệ thống lại kiến thức trọng tâm và luyện một số đề tham khảo.

Chị Tạ Vũ Ngọc Lê, mẹ của Bảo Nhi, cho biết cả ba mẹ luôn tôn trọng mọi quyết định và cố gắng tạo điều kiện cho con theo đuổi các mục tiêu, sở thích, “không bó buộc con vào bất kỳ khuôn mẫu nào”. “Như việc đi học thêm, con hoàn toàn chủ động muốn đăng ký chứ không phải gia đình ép buộc. Hay mỗi lần con muốn mua sách, truyện, tôi cũng sẵn sàng chi tiền để con được sở hữu những gì mình thích”, chị Lê nhớ lại.

Chia sẻ về dự định tương lai, Nhi cho biết em muốn học y để trở thành bác sĩ, “vì mong có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh xót lòng đang diễn ra trong cuộc sống”. Tuy vậy, cô học trò cũng mong tiếp tục duy trì nhiệt huyết với văn chương. “Em muốn cứu người bằng chính đôi tay và cả con chữ của mình. Nó có thể là một hướng đi đối lập nhưng có chung mục tiêu”, nữ sinh bộc bạch.

7 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi