Nỗi lo từ việc trẻ em chạy xe máy điện
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Nỗi lo từ việc trẻ em chạy xe máy điện
admin 3 tháng trước

Nỗi lo từ việc trẻ em chạy xe máy điện

Với tôi, xe máy điện tuy thân thiện môi trường nhưng thiếu… thân thiện khi người điều khiển là trẻ nhỏ. Có lần tôi chạy xe máy đúng lề phải theo luật giao thông. Một xe máy điện từ sau âm thầm phi tới nhanh như gió, vèo qua mặt, cũng theo hướng tay phải. Tay lái hai xe chạm nhau. Người lái xe là một cậu nhóc chừng 12 – 13 tuổi lảo đảo nhưng rồi vượt lên được và chạy biến. Tôi loạng choạng, hơi lấn qua bên trái một chút thì gặp xe tải cùng chiều sượt qua. Thật hú hồn! Người qua đường chứng kiến cũng một phen hú vía.

Nỗi lo từ việc trẻ em chạy xe máy điện- Ảnh 1.
Nỗi lo từ việc trẻ em chạy xe máy điện- Ảnh 2.
Các em nhỏ chạy xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, có trường hợp chở 3, gây rủi ro cho mình và cho người khác

TRẦN CAO DUYÊN

Ở quê tôi hiện nay, xe máy điện lưu thông khá nhiều. Điều khiển xe thường là học sinh cấp THCS. Thậm chí, một ít phụ huynh có con học năm cuối bậc tiểu học cũng mua xe máy điện cho con “phi” ào ào.

“Bây giờ mà học sinh đi xe đạp trơn (không chạy bằng điện) tới trường là “chuyện lạ”. Nhiều phụ huynh coi việc mua xe máy điện cho con là một… tất yếu trong hành trình học tập, dù đoạn đường từ nhà tới trường không xa bao nhiêu”, một cô giáo nói.

Có phụ huynh chia sẻ về việc sắm xe máy điện rằng: “Con người ta đi được, con mình đi được. Có ai cấm cản gì đâu mà sợ. Bỏ ra mười mấy triệu mua chiếc xe cho bằng chúng bạn, mắc mớ gì không mua. Làm cha mẹ, thấy con gò lưng đạp xe, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ai mà không xót!”.

Phụ huynh nông thôn không mấy quan tâm tới sự khác biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện. Vì vậy, con nói mua xe đạp điện nhưng tới tiệm thì chỉ nhầm… xe máy điện. Chạy xe về nhà rồi, đổi trả phiền phức nên cha mẹ tặc lưỡi cho qua. Họ không biết xe máy điện có vận tốc gấp đôi xe đạp điện, tức là khoảng 50 km/giờ. Xe có vận tốc cỡ này mà giao cho học sinh cấp 2 điều khiển thì quả là… không thể nào không lo và không ngại.

Nhìn ở góc độ luật giao thông và an toàn giao thông được ban hành bởi Nghị định 100/2019 thì xe máy điện ở địa phương tôi đang tồn tại một số vấn đề cần bàn.

Phần lớn người điều khiển xe máy điện là học sinh chưa đủ 16 tuổi trở lên. Phụ huynh thường giao xe cho con em đi học, đi công việc lặt vặt. Vì chưa đủ tuổi nên luật không buộc các em phải học để có giấy phép lái xe. Tất nhiên, chưa học luật giao thông thì làm gì có kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông. Các em lại đang trong giai đoạn hiếu động, chạy xe tùy tiện, qua mặt không đúng cách, chở 2 chở 3, vừa đi vừa đùa cợt… Nhiều xe bỏ gương chiếu hậu, không dùng còi, cứ vèo vèo từ sau lướt tới với tốc độ cao khiến người đi trước giật mình. Trường hợp tôi kể ở trên, một học sinh đi xe máy suýt gây tai nạn là một ví dụ.

Các em và nhiều phụ huynh cũng không quan tâm tới quy định đi xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng cách. Quy định này không chỉ dành cho người lái mà cả cho người ngồi phía sau. Qua nhiều giờ quan sát, tôi thấy số đông học sinh cấp 2 ở địa phương đi xe máy điện để đầu trần. Nhiều trường hợp đi lấn làn, tiềm ẩn không biết bao nhiêu rủi ro.

Cũng theo luật giao thông, chủ xe máy điện phải đăng ký ở cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển kiểm soát như xe máy. Nhưng xe máy điện ở quê tôi hầu như không có biển số, tất nhiên chủ của nó cũng không có mảnh giấy lận lưng.

Khi thực tế cho thấy những quy định về điều khiển xe máy điện có điều bất cập thì cơ quan quản lý nên nhanh chóng sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, hễ cứ đủ 16 tuổi trở lên thì được phép chạy xe máy điện. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nên cho các em học, thi lấy bằng lái (vào thời gian thích hợp) để tự bảo vệ mình và cũng để tránh gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng, thậm chí là gây rủi ro cho người khác. 

4 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Không có nội dung