Nghệ sĩ Nguyễn Tiến xác lập kỷ lục Việt Nam
Để xác lập kỷ lục, Nguyễn Tiến đã trình diễn 12 loại hình gồm tranh cát động, tranh kim tuyến, tranh nước (dội sơn), tranh lửa, tranh bằng sơn nước, tranh ngược bằng màu nước, tranh điện, tranh bằng sơn xịt và vẽ tranh bằng dao. Trong đó, mỗi phần trình diễn trên sân khấu kéo dài từ 3 đến 7 phút tùy vào chất liệu.
Nguyễn Tiến sinh năm 1990 tại Nam Định. Từ nhỏ, anh đã đam mê với vẽ tranh. Đến khi là sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, anh tranh thủ phụ tiệm vẽ quảng cáo của gia đình, lập nhóm bạn vẽ tranh tường, vẽ trên thân xe, nón bảo hiểm… để kiếm thu nhập. Đến năm 2010, Nguyễn Tiến bắt đầu tìm thấy đam mê với tranh cát. Anh bắt đầu tìm tòi để sử dụng thêm nhiều chất liệu, nhiều cách vẽ khác nhau để đa dạng hóa các phần trình diễn của mình.
“Khi xem nghệ nhân trình diễn, tôi khá ấn tượng nên mày mò nghiên cứu để thực hiện tại Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là vì loại hình này quá mới nên không có ai để mình học. Hơn nữa, dụng cụ, cách thức biểu diễn là một bài toán khó. Tôi phải đầu tư kinh phí nhiều, vì cứ hỏng là phải bỏ. Không đến mức bán một căn nhà nhưng số tiền bỏ ra lúc đó với tôi thì làm bao nhiêu cũng không đủ”, anh chia sẻ.
Mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, Nguyễn Tiến được nhiều khán giả ví von như một “phù thủy”, say mê như đang sống trong thế giới của riêng mình. Anh quan niệm: “Một họa sĩ trình diễn hội họa cần có kỹ năng sáng tạo, tức là luôn luôn tìm tòi và thử nghiệm cái mới, cách tạo ra sự bất ngờ và biến ý nghĩ nhen nhóm thành hành động và sản phẩm thực tế, biết kết hợp cơ thể theo nhạc để tạo ra một màn trình diễn hấp dẫn”.
Họa sĩ thừa nhận dù không chạnh lòng nhưng bản thân cũng trăn trở khi loại hình biểu diễn này chưa phổ biến so với ca hát, nhảy múa. Song Nguyễn Tiến nói thêm: “Nhưng mỗi khi tôi đi biểu diễn, mọi người cũng thích thú vì sự mới lạ của nó. Đó là động lực để tôi phát triển mạnh hơn”. Họa sĩ bộc bạch khi anh gắn bó với công việc này, gia đình không ủng hộ vì nhìn thấy được sự cực khổ. Tuy nhiên, người thân cũng chẳng phản đối vì biết đây là niềm đam mê của anh.
Theo Nguyễn Tiến, kỷ lục là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường làm nghề. Đây là thành quả cho sự nỗ lực của nam họa sĩ, giúp anh có thêm động lực để chinh phục những cột mốc khác như kỷ lục châu Á hay kỷ lục thế giới. Nói về thu nhập của nghề, Nguyễn Tiến chia sẻ mọi thứ vẫn ổn. “Nói chung lời mời biểu diễn cũng nhiều, có những lúc gặp trường hợp bị trùng show nên tôi phải cân nhắc”, anh chia sẻ.