Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa
admin 2 ngày trước

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 1.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns và các sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Đẹp (54 tuổi) sống tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trước đây, giống như mọi người thu gom ve chai khác, mỗi ngày bà lại đẩy chiếc xe cồng kềnh đi theo những tuyến đường mà bà nghĩ rằng có thể nhặt được ve chai. Bà dãi dầu không ngại nắng mưa chỉ vì để kiếm thêm tiền cải thiện sinh kế cho gia đình nhỏ của mình.

Thu gom ve chai thời công nghệ

Mọi chuyện thay đổi khi bà tham gia mô hình thu gom ve chai trên ứng dụng VECA, tức Ve chai Công nghệ. “Lúc trước tôi phải đẩy xe mệt, giờ đây chỉ cần cầm điện thoại, thấy tin nhắn thông báo là chạy xe máy đến nhà người bán để mua ve chai, khỏe hơn nhiều so với ngày xưa”, bà Đẹp cho biết.

Bà Đẹp khoe thu gom kiểu này vừa đỡ mệt vừa được đủ loại ve chai, thu nhập theo đó tăng 5-6 lần so với lúc đẩy xe theo kiểu cũ và phó mặc cho may rủi. Bà còn mạnh dạn ước mơ thu nhập có thể tăng lên gấp 8-9 lần nếu VECA phát triển hơn nữa.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 2.
Bà Nguyễn Thị Đẹp (54 tuổi) tham gia VECA từ năm 2021

NGỌC DƯƠNG

Hoạt động như cơ chế ứng dụng đặt xe công nghệ, ứng dụng VECA do ông Bùi Thế Bảo sáng lập, kết nối người có nhu cầu bán phế liệu với người thu gom đến mua tận nơi. Ông Bùi Thế Bảo cho hay ý tưởng VECA đã nhen nhóm từ năm 2018, đến năm 2021 chính thức hoạt động và vận hành đến ngày nay.

Hiện ứng dụng Ve chai công nghệ nỗ lực “phủ sóng” 19 quận, kết nối người có nhu cầu bán phế liệu và người mua. Bên cạnh việc tạo thêm thu nhập cho những người sống bằng nghề thu mua ve chai, hướng tiếp cận này cũng cho phép người bán nâng cao ý thức về môi trường, tiến hành phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình, công ty, cơ sở kinh doanh.

Ông Bảo cho biết VECA đến nay đã ghi nhận hơn 43.000 lượt sử dụng, trong số này có nhiều người thật sự quan tâm đến môi trường và bên cạnh đó cũng có người tò mò muốn thử bán ve chai qua ứng dụng là như thế nào.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 3.
Ông Bùi Thế Bảo, nhà sáng lập VECA

NGỌC DƯƠNG

Từ năm 2023, VECA bắt đầu tiếp nhận sự hỗ trợ của USAID. Ngoài vấn đề tài chính, USAID còn hỗ trợ định hướng để VECA có thể phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới đối tác. Ông Bảo chia sẻ rằng với sự hỗ trợ từ USAID, VECA sẽ chuyển sự tập trung sang các đối tượng như công ty, siêu thị, trường học, tiến tới lắp đặt những thùng rác đã phân loại ở đây, cho phép người đến thu gom ve chai định kỳ.

Theo nhà sáng lập VECA, cách tiếp cận trên được cho khuyến khích các công ty, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc phân loại rác tại nguồn và từ đó tạo ra ảnh hưởng với tầm lan tỏa sâu rộng hơn.

Từ chối nước đóng chai

Những người lượm ve chai như bà Đẹp đã xuất hiện trong bộ sưu tập tranh tường “Giảm thiểu rác thải nhựa” do USAID tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Từ nay đến ngày 15.12, bộ sưu tập sẽ được triển lãm trên tường của tòa tổng lãnh sự Mỹ TP.HCM ở đường Lê Duẩn, Quận 1.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 4.
Đội ngũ VECA và Quyền Giám đốc USAID Bradley Bessire

NGỌC DƯƠNG

Hoạt động triển lãm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm giảm thiểu rác nhựa.

Tại buổi phỏng vấn đầu tiên của nhiệm kỳ thực hiện với Thanh Niên tại Đường hoa Lê Duẩn vào dịp Tết Quý Mão, bà Burns từ chối uống nước suối đóng chai dù quên mang theo chai nước cá nhân bất chấp cái nắng nóng như thiêu đốt trong những ngày cận kề năm mới.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 5.
Hình ảnh một phụ nữ thu lượm ve chai truyền thống

NGỌC DƯƠNG

Sau hơn 1 năm rưỡi, trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Thanh Niên nhân dịp khai trương triển lãm tranh tường, bà chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất là giảm bớt việc sử dụng đồ nhựa”.

Tổng lãnh sự Mỹ thú nhận từ lâu là người ủng hộ nỗ lực giảm rác nhựa tại nơi làm việc và ở nhà. “Một lần nguyên nhân của thói quen này là vì con của tôi. Tôi có hai con, năm nay đã 21 và 23 tuổi. Tôi muốn để lại một hành tinh tốt đẹp hơn cho con cháu, và đảm bảo rằng chúng không phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến hạt vi nhựa, vốn vô cùng có hại cho sức khỏe con người”, bà cho biết.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 6.
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, muốn bảo vệ môi trường vì tương lai thế hệ trẻ

NGỌC DƯƠNG

Vì thế, bà Burns luôn cố gắng dùng đồ nhựa ít nhất có thể. Bà luôn mang theo chai nước tái sử dụng. Nếu đến quán cà phê, bà mang theo ly cá nhân. Bà từ chối dùng chai nước nhựa, cố gắng không mua đồ đựng trong bao bì nhựa, mang theo túi cá nhân khi đi chợ mua thực phẩm và rau quả.

Bà vui mừng khi phát hiện xu hướng giảm dùng đồ nhựa đang diễn ra khắp Việt Nam. “Tôi thấy một số cửa hàng bán sản phẩm có thể tiếp nạp (refill), như dầu gội, xà bông”, bà cho biết.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 7.
Tăng cường tái chế chất thải nhựa y tế là một phần của nỗ lực giảm thiểu rác nhựa

NGỌC DƯƠNG

Bản thân bà cũng giáo dục con cái giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa. Hai con của bà lớn lên theo chân mẹ làm ngoại giao ở nhiều nơi, và cũng chứng kiến tình trạng ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến chất lượng sống ở từng địa phương như thế nào.

Về cam kết giảm thiểu rác nhựa của Mỹ và Việt Nam, bà tổng lãnh sự cho biết hai nước đang thi hành một số chính sách theo hướng này. Theo bà, Mỹ hiện có những chương trình cụ thể để bảo vệ các khu bảo tồn biển của mình khỏi tình trạng ô nhiễm rác nhựa. Việt Nam cũng có chương trình tương tự tại những nơi như Phú Quốc, Côn Đảo.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 8.
Thay thế sản phẩm nhựa bằng loại có lợi cho môi trường hơn

NGỌC DƯƠNG

Trước nhu cầu cần phải xúc tiến nỗ lực này hơn nữa, Mỹ thông qua USAID đang hỗ trợ Việt Nam giảm ô nhiễm rác nhựa. Tổng lãnh sự Burns nêu ví dụ về một nỗ lực nâng cao nhận thức các em nhỏ thông qua trò chơi trên điện thoại mang tên “Anh hùng Rùa xanh”, theo đó dạy các bé hiểu biết hơn tác hại của rác nhựa đối với môi trường sống xung quanh.

Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM vừa áp dụng những biện pháp giảm thiểu rác nhựa bên trong khuôn viên lãnh sự quán, vừa bắt tay với những đối tác ở cộng đồng để mang đến những hỗ trợ tốt nhất cho các nỗ lực ở từng địa phương, bao gồm Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 9.
Tái chế là khâu quan trọng nhưng vẫn còn gặp hạn chế ở Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Nhà ngoại giao Mỹ khen ngợi nhiều người trẻ tuổi ở TP.HCM, đặc biệt trong các trường đại học, đang chuyển sang dùng chai nước có thể sử dụng nhiều lần, thay vì chai nhựa dùng một lần rồi vứt.

“Thế nhưng, một thách thức khác đang hiện diện trong văn hóa uống cà phê. Rất nhiều nơi bán vẫn sử dụng ly nhựa, túi nhựa và ống hút nhựa. Tôi cho rằng giới trẻ có thể thay đổi thói quen này bằng cách mua cà phê ở những nơi không dùng đồ nhựa một lần. Nếu các bạn yêu cầu, ắt hẳn người bán sẽ tìm cách điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, theo bà Burns.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 10.
Nên sử dụng chai dùng nhiều lần thay vì ly, bọc, ống hút nhựa khi uống cà phê

NGỌC DƯƠNG

Sức mạnh của người trẻ tuổi

Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam, khẳng định nỗ lực giảm thiểu rác nhựa là ưu tiên của Mỹ và USAID, theo đó muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao nhận thức của người dân về một số loại nhựa mà họ sử dụng, dù đó là túi nhựa đựng ly hoặc ống hút nhựa.

“Bạn biết đấy, khi đến một cửa hàng, một người muốn mua một lon soda và điều đầu tiên người bán làm là lấy túi nhựa chứa lon nước. Thế nhưng liệu bạn có thực sự cần túi nhựa để mang lon nước khỏi cửa hàng hay không?”, ông Bessire nêu ví dụ để cho thấy người tiêu dùng nên suy nghĩ thay vì tự động chấp nhận túi nhựa trong trường hợp này.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 11.
Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam, với sản phẩm túi nhựa (do người khiếm thính thực hiện) và cặp nhựa làm từ nhựa tái chế

NGỌC DƯƠNG

Quyền Giám đốc USAID đánh giá cao Việt Nam thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tức trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu để quản lý bao bì sản phẩm của mình khi thải bỏ chúng ra môi trường. Đây được xem là chính sách đột phá hướng đến nền kinh tế Xanh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Bessire cho rằng Việt Nam có thể tin tưởng vào giới trẻ, một trong những nguồn hy vọng và truyền cảm hứng lớn nhất của xã hội. Giới trẻ là những người đưa ra các ý tưởng trong nỗ lực thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn, chẳng hạn như tạo thay đổi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, giải cứu những động vật bị đe dọa tuyệt chủng.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 12.
Quyền Giám đốc USAID Bradley Bessire ủng hộ nỗ lực của Việt Nam ứng phó rác nhựa, vấn đề toàn cầu

NGỌC DƯƠNG

Năm ngoái, USAID đã tài trợ Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức cuộc thi Dự án Tác động Xã hội Đông Nam Á 2023 (ASIP), mới mong muốn phát triển các kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án giữa các nhà lãnh đạo trẻ để giải quyết các vấn đề xã hội vượt qua biên giới trong khu vực. ASIP 2023 tập trung vào chủ đề “Hướng tới không chất thải”.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 13.
Tổng lãnh sự Burns đặc biệt quan tâm tình trạng ô nhiễm nhựa, cuộc khủng hoảng toàn cầu

NGỌC DƯƠNG

Khi tham gia ASIP 2023, nhóm của sinh viên Trương Lê Quỳnh Hoa, hiện chuẩn bị lên năm 4 ở Đại học Fulbright Việt Nam, đã có cơ hội được huấn luyện, tập huấn và tham quan những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tiến tới không rác thải tại Việt Nam. Đây là dịp Quỳnh Hoa và các bạn tiếp cận hiện trạng về rác ở Việt Nam và nhìn nhận rõ hơn quan điểm của cộng đồng sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung đối với vấn đề rác nhựa.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 14.
Nhóm sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam tham dự triển lãm tranh tường

NGỌC DƯƠNG

“Chúng tôi muốn tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quá trình đưa ra quyết định về tương lai, bảo vệ môi trường, bảo vệ giống loài, giữ cho đất nước này – mà đối với tôi là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất tôi từng đến – được sạch đẹp và an toàn cho người dân, cũng như vì công dân khắp hành tinh”, ông Bessire kết luận.

Mỹ-Việt chung tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa- Ảnh 15.
Thế hệ trẻ giờ đây quan tâm đến việc đóng góp cho nỗ lực giảm thiểu rác nhựa và bảo vệ môi trường ở Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Triển lãm tranh tường ‘Giảm thiểu rác thải nhựa’

Triển lãm ảnh chủ đề “Giảm thiểu rác thải nhựa” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Đây là một phần của nỗ lực rộng hơn của hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp và có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm cũng như tăng cường năng lực ứng phó của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bộ sưu tập bao gồm 10 bức tranh tường, cung cấp những hình ảnh ấn tượng làm nổi bật hiện trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và đề cập những biện pháp giảm thiểu rác nhựa. Thời gian triển lãm từ nay đến cuối năm.

2 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi