Mưa đá ở Nam bộ có bất thường?
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Mưa đá ở Nam bộ có bất thường?
admin 4 tháng trước

Mưa đá ở Nam bộ có bất thường?

Nhiều người dân Nam bộ lần đầu nhìn thấy mưa đá

Chiều tối 14.6, cơn mưa to trắng trời kèm theo mưa đá xảy ra ở nhiều quận trung tâm thành phố. Sau giây phút bất ngờ, nhiều người dân TP.HCM đã chia sẻ hình ảnh những viên nước đá đủ kích cỡ to bằng ngón tay, viên bi, hạt đậu… trên mạng xã hội. Mưa đá nhanh chóng trở thành chủ đề thu hút nhiều người tham gia bàn luận sôi nổi.

Anh Tuan Nguyen, một người dùng Facebook, cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mưa đá ngay tại trung tâm TP.HCM”. “Ở Q.7 cũng có nhé! Đá còn to hơn”, Do Phuong, một người bạn của anh Tuan Nguyen, vào góp chuyện kèm theo hình ảnh. Nhiều người khác cũng tham gia: “Ở Q.4 cũng có”. “Còn đây là đá Q.10”. “Thật bất ngờ. Lần đầu tiên thấy mưa đá”…

Mưa đá ở Nam bộ có bất thường?- Ảnh 1.
Mưa đá được ghi nhận tại địa chỉ 268 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM)

Tuấn Nguyễn

Không chỉ trên mạng xã hội, trong những buổi cà phê sáng cuối tuần, câu chuyện mưa đá xảy ra ngay tại TP.HCM cũng trở thành chủ đề nóng. Chị Nguyễn Minh An, một nhân viên văn phòng ở P.Võ Thị Sáu (Q.3), hào hứng kể: “Hôm đó đang làm việc ở công ty thì nghe dông gió mạnh kèm theo tiếng lộp độp bên cửa kính. Ngước nhìn lên thì thấy những viên đá to như viên đá bi loại hay dùng uống cà phê đập vào cửa kính. Cả văn phòng liền ngưng việc, kéo ra đứng nhìn vì là lần đầu tiên thấy. Xong lại chạy xuống đất để xem cho rõ vì không chắc có thật không. Đến khi xuống xem thì thấy những viên đá có viên to bằng ngón tay, đa số to bằng viên bi”.

Thấy mưa đá to như viên bi, người dân TP.HCM ngỡ ngàng: ‘Cha sinh mẹ đẻ giờ mới thấy’

Còn chị Trần Đức Dung (ở P.7, Q.11) thì tiếc rẻ: “Tôi thấy bạn bè trên Facebook chia sẻ hình ảnh mưa đá. Hiếu kỳ nên chạy xuống sân chung cư nhà mình xem thử nhưng chỉ thấy mưa trắng trời mà không có hạt mưa đá nào. Nhưng thật sự là cảm giác hôm đó hạt mưa to hơn bình thường”.

Một ngày sau đó, mưa đá cũng xuất hiện ở xã Đông Hiệp (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, hạt mưa đá có kích thước bằng đầu ngón tay. Nhiều người dân địa phương xác nhận lần đầu tiên thấy mưa đá tại địa phương. Ngoài ra, một số ngôi nhà bị tốc mái trong cơn mưa dông.

Trước đó, tại H.Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng xuất hiện dông lốc, mưa đá làm ảnh hưởng 40 căn nhà tại xã Bình Phục Nhứt. Chưa hết, theo các cơ quan chức năng địa phương, cơn mưa dông chiều 15.6 khiến 5 căn nhà dân bị tốc mái, chìm 4 ghe đánh cá và làm 1 người chết ở xã Hòn Tre (Kiên Hải, Kiên Giang).

Mưa đá ở Nam bộ có bất thường?- Ảnh 2.
Mưa đá tại H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ)

Bạn đọc cung cấp

Tháng 8 có khả năng xảy ra mưa to, dông lốc và mưa đá

Là người theo dõi sát các hiện tượng thời tiết Nam bộ trong hàng chục năm qua, Th.S Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ, giải thích: Trong những ngày trước khi xảy ra mưa đá, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy mưa giảm và nắng nóng khá gay gắt, nhiệt độ tăng, thêm vào đó độ ẩm trong không khí cao. Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành các đám mây đối lưu phát triển lên trên cao.

“Chiều hôm đó tôi làm việc ở nhà và quan sát nhiệt kế trong phòng khách là 36 độ C. Ngày hôm đó mây dông phát triển mạnh do ngoài Biển Đông có một nhiễu động nhỏ đi vào đất liền tạo thành một chuỗi ổ mây dông liên kết lại với nhau gây mưa dông lớn, trên diện rộng. Mưa đá, do các đám mây đối lưu tạo ra. “Chân mây” đối lưu cách mặt đất 500 – 700 m nhưng “đỉnh mây” có thể đạt độ cao lên tới 7 – 10 km. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm và cứ lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,7 độ C. Như vậy, ở độ cao 6 km đã đạt nhiệt độ âm, điều kiện để hơi nước ngưng kết lại thành những viên đá”, Th.S Lê Thị Xuân Lan phân tích.

Theo Th.S Lan, ở những khu vực miền núi, mưa đá xảy ra nhiều hơn vùng đồng bằng vì các sườn, dốc đồi núi là điều kiện bổ trợ cho các đám mây đối lưu dễ phát triển lên cao. Ở vùng đồng bằng, không có những yếu tố hỗ trợ đó nên mưa đá ít khi xảy ra hơn nhưng không phải là quá hiếm.

Khả năng tháng 7 sẽ ít xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường. Tuy nhiên, thường thì tháng 8 sẽ xảy ra một đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài từ 5 – 7 ngày và nó được gọi là “hạn bà chằn”. Sau đợt hạn này thường sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân cần chú ý để phòng tránh.

Th.S Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ)

“Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm khi còn công tác trong ngành khí tượng, ngay tại trụ sở Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1), mưa đá xuất hiện 2 ngày liên tiếp và tôi đã tận tay gom những viên đá đó cất vào tủ lạnh làm kỷ niệm. Đó chính là đợt mưa đá đặc biệt nhất từng xảy ra ở Nam bộ”, bà Lan kể và khuyến cáo thêm: “Người dân nên chú ý không sử dụng đá này vì vào giai đoạn đầu mùa không khí còn ô nhiễm và cả nước mưa cũng không hợp vệ sinh”.

Theo các chuyên gia, ở Nam bộ trung bình mỗi năm có từ 1 – 2 đợt mưa đá, diện hẹp. Trước đây, mạng xã hội chưa phát triển và chưa có điện thoại thông minh để chụp ảnh nhiều nên thông tin ít lan tỏa như ngày nay.

Trái với sự hào hứng của nhiều người, các chuyên gia cảnh báo mưa đá rất nguy hiểm vì có thể khiến người và gia súc bị thương, có thể gây thiệt hại hoa màu, làm thủng mái tôn… Chính vì vậy, khi phát hiện mưa đá, mọi người nên tìm chỗ an toàn để trú ẩn.

Vậy có thể dự báo sớm để phòng tránh mưa đá hay không? Th.S Lan cho biết: Thời gian từ lúc hình thành đến khi xảy ra một trận mưa đá thường chỉ từ 30 – 60 phút, lâu nhất cũng chỉ 120 phút. Ngày nay, chúng ta có thể phát hiện bằng hệ thống radar thời tiết. Tuy nhiên, việc đưa thông tin đó lên kênh nào để người dân khu vực bị ảnh hưởng tiếp cận được là điều không dễ dàng và không phải ai cũng sẵn sàng tiếp cận những thông tin đó. Ở một số nước phát triển như Mỹ hay Nhật Bản, có đủ điều kiện và phương tiện để theo dõi các đám mây đối lưu đó và gửi “cảnh báo cực ngắn” – Nowcasting qua tin nhắn điện thoại cho người dân quanh khu vực có nguy cơ cao. Ở VN, để làm được điều này là không đơn giản. Tuy nhiên, có thể lưu ý một số điểm cơ bản để phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ví dụ, ở miền Nam hiện tại đang là mùa mưa với thời tiết đặc trưng là sáng nắng chiều mưa. Nếu bất thường xuất hiện 5 – 7 ngày nắng nóng liên tục và gay gắt thì khả năng cao ngay sau đó sẽ xuất hiện thời tiết cực đoan như: mưa to, dông, lốc, sét, mưa đá, vòi rồng… Đợt mưa đá vừa qua là bằng chứng rõ nhất.

Th.S Lê Thị Xuân Lan dự báo thêm trong những ngày qua, gió mùa tây nam hoạt động mạnh trở lại nên mưa sẽ thường xuyên hơn và tiếp tục kéo dài trong suốt tháng 7. Khả năng tháng 7 sẽ ít xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường. Tuy nhiên, thường thì tháng 8 sẽ xảy ra một đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài từ 5 – 7 ngày và nó được gọi là “hạn bà chằn”. Sau đợt hạn này thường sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân cần chú ý để phòng tránh.

7 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Không có nội dung