Món ăn bài thuốc từ gạo nếp, hương vị đặc trưng Tết Đoan Ngọ
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Món ăn bài thuốc từ gạo nếp, hương vị đặc trưng Tết Đoan Ngọ
admin 3 tuần trước

Món ăn bài thuốc từ gạo nếp, hương vị đặc trưng Tết Đoan Ngọ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết gạo nếp là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo)… Gạo nếp thường được dùng nấu xôi, chè, làm bánh (bánh chưng, bánh ú…). Đặc biệt, gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến.

“Trong đông y, gạo nếp hay còn gọi là ngạnh mễ, nhu mễ có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế. Trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), gạo nếp thường được sử dụng làm cơm rượu, bánh ú tro. Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng những thực phẩm này còn có tác dụng chữa bệnh”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Món ăn bài thuốc từ gạo nếp

Cơm rượu nếp. Có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị. Cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, sau quá trình lên men ta được cơm rượu. Cơm rượu nếp được lên men nhờ khuẩn lactic, chuyển hóa tinh bột thành đường. Đây là món ăn đặc trưng Tết Đoan Ngọ, giàu chất dinh dưỡng như tinh bột, vitamin nhóm B, các chất chống oxy hóa anthrocyamin tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, quá trình lên men khi làm cơm rượu rất có lợi cho hệ tiêu hóa.

Món ăn bài thuốc từ gạo nếp, hương vị đặc trưng Tết Đoan Ngọ- Ảnh 1.
Cơm rượu nếp có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị

G.V

Bánh ú tro. Món bánh ú tro có màu sáng bóng, nếm thử sẽ cảm nhận được vị dẻo ngọt của bánh. Bánh ú tro luôn hấp dẫn mọi người, đặc biệt trong các dịp Tết Đoan Ngọ… Ăn bánh ú tro có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu.

Để làm món bánh này cần ngâm gạo nếp vo nhiều lần đến khi nước ngâm thật trong, đổ nước vào sâm sấp mặt nếp ngâm khoảng 4 tiếng, cho thêm 200 ml nước tro vào ngâm tiếp trong 20 tiếng. Lá tre đem rửa sạch rồi đem đi hấp trong 5 phút để nguội, lấy khăn sạch lau thật khô hai mặt lá để bánh để lâu hơn. Lá tre gấp lại thành hình cái phễu rồi múc từng muỗng nếp cho vào, nén lại. Kế đến, gấp kín miệng bánh, gấp bánh theo hình kim tự tháp, lấy dây gói bánh lại thật chặt.

Cuối cùng, xếp bánh vào nồi bánh, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, luộc bánh trong 5 tiếng thì bánh mới trong và dẻo được.

Món ăn bài thuốc từ gạo nếp, hương vị đặc trưng Tết Đoan Ngọ- Ảnh 2.
Bánh ú tro có màu đặc trưng nhờ quá trình ngâm nếp trong nước tro

LÊ CẦM

Nước gạo nếp rang. Gạo nếp 1 kg. Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường uống. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén…

Hồ bột gạo nếp, củ mài. Gạo nếp 500 g, củ mài 500 g. Gạo nếp ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém suy nhược hoặc do bệnh tiêu chảy lâu ngày ăn kém.

Chè gạo nếp, đậu đỏ. Gạo nếp 50 g, đậu đỏ 50 g, cám gạo 50 g, đường vừa ăn. Nấu thành chè ăn. Chữa bệnh tê phù.

Bác sĩ Vũ lưu ý, amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp nhưng lại rất khó tiêu, cho nên trẻ nhỏ, người già, người vừa khỏi ốm không nên ăn nhiều nếp. Ngoài ra, người bị bệnh đàm kết, phong, nhiệt, cũng nên hạn chế dùng. Gạo nếp cũng như các loại gạo ngũ cốc khác người bệnh tiểu đường không nên ăn một lúc quá nhiều.

1 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi