MG4 về Việt Nam liệu có đi vào vết xe đổ của ô tô Trung Quốc
Gia nhập thị trường Việt Nam đầu tháng 6.2024, ô tô thuần điện MG4 đang là chủ đề tạo nên nhiều tranh cãi, chủ yếu xoay quanh giá bán. Mẫu xe hiện đang thuộc sở hữu của công ty công nghiệp ô tô Thượng Hải (Trung Quốc) phân phối tại Việt Nam 2 phiên bản Deluxe và Luxury có giá bán đề xuất tương ứng 828 – 948 triệu đồng, đã bao gồm pin.
Mức giá bán MG4 EV ngang ngửa các mẫu SUV chạy xăng thuộc cỡ C như Mazda CX-5 (giá 749 – 979 triệu đồng) hay Hyundai Tucson (giá 769 – 919 triệu đồng). Trong khi đó, mẫu xe này định vị ở phân khúc hatchback hạng B, cạnh tranh với VinFast VF 6.
VinFast VF 6 có 2 phiên bản Base và Plus đi kèm mức giá niêm yết (không kèm pin) 675 – 765 triệu đồng và 765 – 855 triệu đồng nếu mua xe kèm pin.
Xét riêng giá bán, có thể nói MG4 đã lép vế hoàn toàn so với VinFast VF 6. Chưa kể, về trang bị, mẫu xe Trung Quốc gần như không có khả năng so sánh với xe Việt Nam. Điều quan trọng nhất, người dùng ô tô điện cần có hệ thống trạm sạc rộng khắp để có thể di chuyển thuận tiện, MG4 cũng không có.
MG Việt Nam cho rằng, hầu hết khách hàng sẽ sạc pin cho xe tại nhà. Đây là điểm bất lợi của MG4 EV khi cạnh tranh với VinFast VF 6, do VinFast hiện đang là hãng xe duy nhất sở hữu hệ thống trạm sạc độc quyền gần như phủ khắp toàn quốc. Trong khi đó, mạng lưới trạm sạc nhanh công cộng tại Việt Nam chưa phát triển.
Làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có “làm nên chuyện” tại Việt Nam?
Ngoài giá bán chưa hấp dẫn, yếu tố thương hiệu cũng là điểm bất lợi của MG4 EV khi cạnh tranh. Do những trải nghiệm chưa tốt trong quá khứ, số đông người dùng vẫn còn e ngại về chất lượng với những mẫu xe xuất xứ Trung Quốc. Giá cao nhưng MG4 chỉ sử dụng ghế nỉ chỉnh cơ, không có camera lùi và hệ thống an toàn ADAS, đây là điều rất bất hợp lý.
Chiến lược định giá cao đã khiến nhiều mẫu xe Trung Quốc đang gặp tình cảnh ế ẩm tại Việt Nam. Mới đây nhất là chiếc Haval H6, mẫu xe từng “tự tin” với danh hiệu xe bán chạy hàng đầu tại thị trường Trung Quốc trong nhiều năm nên định giá lên tới 1,1 tỉ đồng. Đến hiện tại, dù đã giảm giá gần 300 triệu đồng nhưng mẫu xe này vẫn bị người tiêu dùng Việt Nam ngó lơ và đang loay hoay tìm cách tiếp cận khách hàng với những mẫu xe sắp đưa về Việt Nam.
Có thể thấy, việc định giá cao ngay từ đầu đã tạo ấn tượng không mấy tốt đẹp với người dùng Việt Nam. Ngay cả khi hãng xe tích cực giảm giá mạnh lên tới hàng trăm triệu đồng cũng không có nhiều người quan tâm, bởi thời điểm chính thức tung ra thị trường là lúc dễ gây ấn tượng nhất. Trường hợp này không chỉ xảy ra với Haval H6 mà còn từng xảy ra với một loạt xe Trung Quốc khác như Wuling Hongguang Mini EV, Changan Uni-T, BAIC Q7 và các mẫu xe HS, RX-5 của chính MG.
Chật vật tìm đất sống, xe Trung Quốc vẫn quyết tâm thâm nhập thị trường Việt Nam
Sắp tới, làn sóng ô tô Trung Quốc sau MG4 còn có nhiều hãng xe danh tiếng khác như BYD, GAC, Jaecoo, Omoda… gia nhập thị trường Việt Nam. Những thất bại doanh số của nhiều “tiền bối” đi trước là tiền đề cho những hãng xe đến sau có thể rút kinh nghiệm để việc định giá xe phù hợp với người tiêu dùng, tránh đi vào vết xe đổ như mẫu ô tô điện Trung Quốc.