Nhân viên gìn giữ hòa bình. Ảnh minh họa: UN Photo. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.
Trước các thủ đoạn ngày càng phức tạp, người dùng cần thường xuyên cảnh giác, bảo vệ bản thân trên không gian mạng để tránh bị lừa chiếm đoạt tài sản.
Mất 1 tỷ đồng vì nghe kẻ giả danh “nhân viên gìn giữ hòa bình”
Theo Công an tỉnh Bình Phước, một người phụ nữ tại TP Đồng Xoài đã bị lừa 1 tỷ đồng vì nghe lời “nhân viên gìn giữ hòa bình” trên mạng xã hội.
Ngày 26/4, nạn nhân này đồng ý kết bạn với tài khoản Facebook tên “Yadni Bentos”, sau đó được đối tượng nhắn tin làm quen.
Trong quá trình trò chuyện, đối tượng tự nhận đang làm nhân viên chính phủ Mỹ, tham gia gìn giữ hòa bình ở Syria, bố ruột là người Việt Nam nhưng đã chết.
Kẻ lừa đảo nói rằng trước khi mất, bố để lại 600.000 USD và rất tin tưởng nạn nhân nên gửi tiền về Việt Nam để bà đầu tư. Vài ngày sau, đối tượng chụp ảnh hộp tiền và giấy xác nhận gửi hàng về Việt Nam.
Giả danh “nhân viên gìn giữ hoà bình” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT. |
Đến ngày 5/5, nạn nhân nhận cuộc gọi của người tự xưng nhân viên công ty giao hàng, nói rằng bà phải đóng phí thông hải quan 52 triệu đồng để nhận thùng hàng gửi từ nước ngoài. Nghe lời đối tượng, bà đã chuyển khoản số tiền trên.
Dù vậy, đối tượng tiếp tục gọi điện, nói phải đóng thuế hải quan 130 triệu đồng. Do sợ mất tiền trong thùng hàng nên ngày 7-8/5, người phụ nữ này liên tiếp làm theo yêu cầu của đối tượng, chuyển tổng cộng hơn 1 tỷ đồng để xin giấy xác nhận và bảo hiểm lô hàng.
Sau khi nhiều lần nhận cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, người phụ nữ cảm thấy nghi ngờ nên trình báo cơ quan công an.
Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước những đối tượng kết bạn làm quen trên mạng xã hội.
Khi có người liên hệ, cần xác minh danh tính của đối tượng bằng cách tìm hiểu, yêu cầu cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Không nên vội vàng làm theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.
Ngoài ra, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Không truy cập vào đường dẫn lạ, tải ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Nếu phát hiện bị lừa, hãy dừng gửi tiền và chặn tất cả liên lạc từ đối tượng. Liên hệ ngay ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo, yêu cầu dừng mọi giao dịch.
Ngoài ra, thu thập và lưu bằng chứng, làm đơn tố giác gửi cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo gia đình và bạn bè về thủ đoạn lừa đảo.
Fanpage giả mạo VTV Online, dấu hiệu lừa đảo
Theo phản ánh từ người dân, fanpage “Thư Viện Pháp Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến” đã sử dụng giao diện VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo.
Cụ thể, fanpage đăng tải hình ảnh với giao diện Báo điện tử VTV (VTV Online), có tiêu đề: “Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao A05. Công bố số hotline Đường dây nóng: 0948.304.750. Tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng”.
“Theo VTV Online . Ngày 5/1 BCA yêu cầu cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và các ngân hàng . Ngăn chặn dòng tiền của các đối tượng lừa đảo và xác minh hoàn lại số tiền bị chiếm đoạt trái phép . để hoàn lại cho người dân . Yêu cầu ai là nạn nhân bị các đối tượng trên . Xin liên hệ trực tiếp tới số Hotline đường dây nóng : 0948.304.750 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời” là nội dung bài báo.
Trước thông tin trên, Thời báo VTV khẳng định hình ảnh hoàn toàn giả mạo, không phải bài viết đăng trên VTV Online.
Sau khi điều tra, đã xác định đối tượng có hành vi lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức giả danh cán bộ Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05).
Xuất hiện fanpage có dấu hiệu giả mạo VTV Online, đăng tải thông tin sai sự thật và chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT. |
Khi liên hệ, đối tượng không cập nhật danh tính và chức vụ của nạn nhân, mà chỉ hỏi tình trạng nạn nhân đang gặp phải. Sau khi trình bày hình thức bị lừa, người này lập tức khẳng định phóng viên bị tổ chức lừa đảo qua không gian mạng chiếm đoạt tiền, yêu cầu chờ 10 phút để người của công ty luật gọi điện tư vấn, làm thủ tục lấy lại tiền.
Tiếp theo, một số điện thoại khác gọi đến. Người này tự giới thiệu là Duy Anh, công tác tại công ty Luật Trí Minh, trụ sở tòa nhà Vimedimex 246 đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM.
Đối tượng tiết lộ “bí mật” có thể lấy lại tiền bị lừa. Chỉ cần phóng viên cung cấp thông tin cá nhân, lịch sử chuyển tiền, chúng sẽ kiểm tra xem phóng viên có đúng là nạn nhân, đồng thời truy cập hệ thống “liên ngân hàng” để xác minh, nếu số tiền phóng viên chuyển đi khớp với số dư bị đóng băng thì sẽ mở băng, cho nhận tiền ngay lập tức.
Sau khi nhận tiền về tài khoản, phóng viên chỉ phải thanh toán 5% số tiền nhận được (hơn 6 triệu đồng), cam kết không mất phí nếu không nhận tiền.
Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước dịch vụ trôi nổi trên mạng xã hội. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ dịch vụ khi chưa xác minh danh tính và uy tín của đối tượng, tổ chức.
Ngoài ra, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.
Bị lừa đảo đầu tư gần 60 triệu USD
Mới đây, một người đàn ông 75 tuổi tại Mỹ đã bị lừa 60 triệu USD vì đầu tư vào công ty giả mạo. Đối tượng giả danh phụ nữ thành đạt, xây dựng mối quan hệ tình cảm với nạn nhân qua LinkedIn và dụ dỗ tham gia đầu tư dự án sinh lời.
Trên trang cá nhân, người phụ nữ đăng tải hình ảnh cuộc sống giàu có với nhiều thành tựu. Sau khi trò chuyện, đối tượng gợi ý sử dụng WhatsApp để trao đổi thông tin riêng tư.
Đối tượng dần xây dựng quan hệ tình cảm với nạn nhân, hàng ngày chủ động gửi tin nhắn. Bên cạnh nội dung công việc, kẻ lừa đảo cũng thường xuyên chia sẻ đời sống cá nhân nhằm chiếm dụng lòng tin, giúp dụ dỗ và thao túng dễ dàng hơn.
Hẹn hò qua mạng, người đàn ông tại Mỹ bị lừa đảo đầu tư gần 60 triệu USD. Ảnh: Cục ATTT. |
Người phụ nữ ngỏ lời muốn hợp tác với nạn nhân, đầu tư vào ứng dụng chứng khoán có tên là FX6, hứa hẹn thu lãi lớn trong tương lai. Do tin tưởng, người đàn ông không ngần ngại chuyển tiền vào ứng dụng.
Sau một thời gian, số tiền lãi hiển thị trên ứng dụng tăng nhanh, khiến ông tiếp tục đầu tư với hy vọng thu lãi lớn.
Đến khi rút tiền, nạn nhân thấy ứng dụng thông báo không cho rút vì nhiều lý do khác nhau. Ông cố gắng liên lạc hệ thống chăm sóc khách hàng nhưng không thành. Tài khoản của người phụ nữ trên LinkedIn và WhatsApp cũng bị xóa.
Cục ATTT khuyến cáo người dân không cả tin bất kỳ đối tượng lạ trên mạng xã hội. Không nhận lời mời kết bạn, nhắn tin với người sở hữu tài khoản cá nhân ảo. Không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa gặp mặt trực tiếp, chưa nắm bắt thông tin và danh tính.
Trong trường hợp bị lừa, người dân cần nhanh chóng lưu trữ đoạn hội thoại, trình báo lên cơ quan có thẩm quyền nhằm truy vết và ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
‘Hãy coi điện thoại và SIM như tiền trong tài khoản ngân hàng’Để phòng tránh lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng, người dùng cần coi điện thoại và SIM quan trọng như tiền trong tài khoản. |
Mất gần 15 tỷ vì cá cược trên mạngNghe lời đối tượng tự xưng kỹ sư phần mềm, người phụ nữ tại Quảng Ninh bị lừa số tiền lớn vì tham gia cá cược trên Internet. |
Tin kẻ mạo danh ‘Cục An ninh mạng’ lấy tiền bị lừa, mất 600 triệu đồngBị đối tượng giả danh người quen vay 6 triệu đồng, một phụ nữ tại Nghệ An sử dụng dịch vụ “lấy lại tiền lừa đảo” trên mạng, cuối cùng mất thêm 600 triệu. |