Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn
admin 1 tuần trước

Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn

Vẫn chờ thêm câu trả lời

Liên quan vụ “Có hay không việc ‘xé rào’ dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?“, ngày 26.6, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho biết, ông vừa nhận được văn thư số 4458/BNN-TT ngày 25.06.2024 của Bộ NN-PTNT về thông tin việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, GS Trân cho rằng văn bản của Bộ NN-PTNT thực hiện chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng trong công văn 3888/VPCP-CN ngày 05.06.2024 cho nên ông vẫn đang chờ một văn bản trả lời tiếp theo thỏa đáng hơn.

Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn- Ảnh 1.
Một khu vực lúa nằm cạnh công trình đường cao tốc đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang bị thiệt hại do nhiễm mặn

ĐÌNH TUYỂN

Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, GS Nguyễn Ngọc Trân đã có bài viết bày tỏ quan ngại về việc sử dụng đại trà cát biển thay thế cát sông làm đường cao tốc ở ĐBSCL có thể gây ra những tác động lớn đến môi trường. Ông nêu vụ việc cụ thể là nhiều diện tích lúa của nông dân ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy (Hậu Giang) nằm hai bên đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang san bơm cát san nền bị thiệt hại liền 2 vụ vì nhiễm mặn.

Trước phản ánh của GS Nguyễn Ngọc Trân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của GS Trân liên quan đến thiệt hại 2 vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho giáo sư trước ngày 20.6.

GS Nguyễn Ngọc Trân cho biết, nội dung phản hồi mới nhất của Bộ NN-PTNT trước hết nêu: báo cáo về việc ảnh hưởng mặn đến ruộng lúa của nông dân tại ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang trong phạm vi kế cận Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau (thuộc Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025).

Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn- Ảnh 2.
Nông dân ấp 9 bức xúc khi 2 vụ lúa liên tiếp bị thiệt hại vì nhiễm mặn dù trước khi có công trình cao tốc thi công, vùng đất này chưa từng bị nhiễm mặn

HX

Theo đó, lúa đông xuân 2023-2024 có diện tích bị nhiễm mặn là 2,32 ha của 9 hộ dân. Kết quả đo độ mặn cho thấy nồng độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5‰. Nguyên nhân gây ảnh hưởng là do nồng độ mặn của nước tại ruộng lúa vượt quá ngưỡng quy định. Tương tự, vụ hè thu 2024, một số diện tích bị chết 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng 20-50%. Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết là 6,6‰; tại lòng đường cao tốc là 1,8‰; tại kênh thủy lợi 0,4‰. Nguyên nhân là do nồng độ mặn của ruộng lúa vượt quá ngưỡng quy định.

Còn nhiều băn khoăn

Dù Bộ NN-PTNT khẳng định nguyên nhân lúa bị thiệt hại nhiễm mặn nhưng bộ chưa nói rõ, vì sao ruộng lúa của nông dân lại có nồng độ mặn vượt quá ngưỡng quy định. Điều này khiến người dân không khỏi băn khoăn khi trước đó, người dân và chính quyền xã Vị Thắng, H.Vị Thủy đều khẳng định đây là vùng lõi ngọt của địa phương, trước khi làm cao tốc chưa từng bị nhiễm mặn. Thêm vào đó, một số hình ảnh ghi nhận vào giữa tháng 5.2024 cho thấy cát san nền cao tốc đoạn gần các ruộng lúa của nông dân bị thiệt hại có lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể như nghêu, sò…

Lúa cạnh cao tốc đang san nền bị thiệt hại do nhiễm mặn- Ảnh 3.
Một số hình ảnh ghi nhận vào tháng 5.2024 cho thấy cát san nền tại đoạn cao tốc đi qua khu vực có lúa bị thiệt hại ở Hậu Giang có lẫn nhiều vỏ nghêu, sò

HX

Cũng theo công văn của Bộ NN-PTNT gửi GS Nguyễn Ngọc Trân, nhằm ngăn ngừa tác động của việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm đến sản xuất lúa, cây trồng nông nghiệp (nếu có), Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để đất, nước tại ruộng lúa, cây trồng khác tại các khu vực lân cận công trình. Trong đó, phải đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chuẩn cơ sở (về ngưỡng chịu mặn của một số cây trồng-PV) đã được Bộ NN-PTNT ban hành trước đó. Được biết, ngưỡng chịu mặn của riêng cây lúa là 1,28 ‰.

GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, văn thư của Bộ NN-PTNT là một văn bản đơn phương từ bộ này và chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản số 3888/VPCP-CN.

Cũng liên quan vụ việc trên, trước đó ngày 13.6, Bộ NN-PTNT từng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó nêu: “Đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc Nam đến lúa đông xuân 2023-2024 và hè thu 2024”. Nội dung này được truyền thông đưa tin nhưng ngay sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã bác bỏ thông tin báo chí dẫn từ báo cáo của Bộ NN-PTNT; đồng thời khẳng định dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau “chưa sử dụng một hạt cát biển nào”.

Thông báo của Bộ GTVT sau đó cũng khẳng định, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 nói chung và đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông từ An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

3 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi