Loạt giả thuyết chấn động về MH370, bao gồm rơi trong rừng sâu Campuchia
Vào tháng 3.2014, chuyến bay MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur chở 227 hành khách và 12 phi hành đoàn trên đường đến Bắc Kinh nhưng giữa chừng biến mất khỏi radar và không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Bí ẩn về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay và hành khách đã khiến nhiều người tò mò trong 10 năm kể từ khi nó biến mất và giờ đây, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh tuyên bố đã xác định được vị trí của chuyến bay trong rừng rậm Campuchia bằng cách sử dụng Google Maps. Ian Wilson, người cho biết phần còn lại của chiếc máy bay nằm rải rác trong rừng. Ông đã đo tầm nhìn trên Google Maps và tìm thấy kích thước phù hợp với chiếc máy bay mất tích.
Đây không phải là lần đầu tiên có người tuyên bố đã tìm thấy máy bay trong rừng rậm Campuchia. Vào năm 2019, cũng qua hình ảnh vệ tinh và cử một đội thám hiểm đến tọa độ đề xuất của mình để tìm mảnh vỡ cùng năm nhưng do vị trí phát hiện của ông ở quá xa nên nhóm nghiên cứu đã không thể tiếp cận được. Ian Wilson đang ở Campuchia và lên kế hoạch truy tìm những gì được cho là xác máy bay MH370.
Ngay cả khi những hình ảnh do Wilson chụp là chuyến bay MH370, thì cũng không thể giải thích được tại sao hoặc bằng cách nào máy bay lại rơi ở đó. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết đã xuất hiện trong nhiều năm qua về điều gì có thể đã xảy ra với chiếc máy bay bị mất tích. Dưới đây là một số giả thuyết được quan tâm nhất.
Lại rộ tin máy bay MH370 rơi trong rừng sâu, Campuchia nói gì?
Phi công tự sát/Giết người hàng loạt
Có lẽ đây là giả thuyết phổ biến nhất. Giả thuyết này cho rằng chiếc máy bay đã bị phi công, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cố tình đâm xuống như một phần của hành động giết người -tự sát hàng loạt đã được thực hiện. Một số bằng chứng và hoàn cảnh đã góp phần hình thành giả thuyết này.
Chẳng hạn, chuyến bay đã đi chệch hướng đáng kể so với lộ trình dự định từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu, máy bay đã thực hiện một số thay đổi lộ trình trước khi hết nhiên liệu. Zaharie cũng có một thiết bị mô phỏng chuyến bay tại nhà và dữ liệu lấy từ thiết bị mô phỏng cho thấy ông đã thực hành bay theo lộ trình gần giống với lộ trình mà MH370 đã thực hiện, kết thúc ở phía nam Ấn Độ Dương.
Bộ phát đáp của máy bay, liên lạc với kiểm soát không lưu, đã bị tắt thủ công. Hệ thống Báo cáo và địa chỉ liên lạc máy bay (ACARS) cũng đã bị vô hiệu hóa, điều này đòi hỏi kiến thức kỹ thuật và quyền xâm nhập vào buồng lái, do đó góp phần đưa ra nhìn nhận rằng các hành động này phù hợp với nỗ lực có chủ ý để tránh bị phát hiện.
Không có tín hiệu cấp cứu hay lời kêu cứu nào từ buồng lái hoặc hành khách, cho thấy phi hành đoàn và hành khách có thể đã mất khả năng nhận thức hoặc không biết về tình huống đang diễn ra.
Mặc dù lý thuyết phi công tự sát rất thuyết phục và được hỗ trợ bởi một số bằng chứng gián tiếp nhưng nó vẫn chưa được chứng minh. Chưa có động cơ rõ ràng nào được xác định và nếu không thu hồi được thêm bằng chứng, chẳng hạn như hộp đen của máy bay, nguyên nhân thực sự khiến MH370 mất tích vẫn còn là một bí ẩn.
Phá hoại/Tấn công mạng
Một số giả thuyết cho rằng ai đó đã can thiệp vào hệ thống của máy bay trước hoặc trong chuyến bay. Điều này có thể bao gồm việc vô hiệu hóa hệ thống liên lạc hoặc điều khiển hệ thống điện tử hàng không của máy bay để điều khiển nó đi chệch hướng mà không bị phát hiện. Ngay từ đầu cuộc điều tra, khả năng xảy ra một vụ cướp khủng bố đã được xem xét, đặc biệt là khi có sự hiện diện của hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp. Tuy nhiên, những cá nhân này sau đó được xác định là người Iran xin tị nạn và không có liên hệ khủng bố nào.
Một số giả thuyết cho rằng một hoặc nhiều hành khách lừa đảo có thể đã trấn áp phi hành đoàn và chiếm quyền kiểm soát máy bay. Kịch bản này đòi hỏi kiến thức đáng kể về hệ thống và hoạt động bay của Boeing 777. Một giả thuyết khác là khả năng chuyển hướng máy bay đến một địa điểm xa xôi vì mục đích chính trị hoặc quân sự. Tuy nhiên, không có bằng chứng đáng kể nào được tìm thấy để hỗ trợ giả thuyết này.
Máy bay hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống máy tính để điều hướng, liên lạc và vận hành. Các hệ thống này có thể dễ bị tấn công mạng và vì vậy một số người tin rằng bên ngoài có thể xâm nhập vào hệ thống của máy bay, qua mặt sự kiểm soát của phi công. Điều đó có thể được thực hiện thông qua các lỗ hổng trong hệ thống liên lạc hoặc công nghệ tích hợp khác trên tàu. Sau khi truy cập được,không tặc có thể thao túng hệ thống điều khiển và định vị của máy bay, khiến nó đi chệch hướng. Tuy nhiên, Boeing đã bác bỏ giả thuyết này, cho rằng hệ thống quá “mạnh” để có thể xâm nhập.
Bắn hạ
Giả thuyết còn cho rằng MH370 đã vô tình, thậm chí cố tình bị bắn rơi. Tuy nhiên, không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho tuyên bố rằng MH370 bị bắn hạ vì các mảnh vỡ được cho là của MH370 không có dấu hiệu bị nổ hoặc bị tên lửa tấn công.
Các mảnh vỡ được cho là của MH370 được phát hiện ở nhiều bờ biển dọc Ấn Độ Dương, trong đó có 32 mảnh do nhà điều tra nghiệp dư người Mỹ Blaine Gibson tìm thấy, phù hợp với đường bay phía nam mà dữ liệu vệ tinh gợi ý. Tình trạng và sự phân bố của các mảnh vỡ không hỗ trợ hay loại trừ dứt khoát bất kỳ giả thuyết nào trong số này nhưng phù hợp với việc rơi xuống đại dương có kiểm soát.
Trong những diễn biến mới nhất, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cam kết sẽ mở lại cuộc tìm kiếm MH370 nếu có đủ bằng chứng. Còn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anthony Loke cho biết Công ty Ocean Infinity có trụ sở tại Texas sẽ mở lại chiến dịch truy tìm ở Ấn Độ Dương theo kế hoạch “không tìm thấy, không mất phí”.