Lo ngại sự trỗi dậy của phe cực hữu ở châu Âu
Hãng AFP ngày 16.6 đưa tin hàng trăm ngàn người xuống đường khắp nước Pháp biểu tình phản đối sự trỗi dậy của phe cực hữu. Biểu tình diễn ra trước cuộc bầu cử quốc hội sớm trong nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của phe cực hữu, vốn cũng là điều gây lo ngại khắp châu Âu.
Biểu tình rầm rộ
Tại Paris, cảnh sát ước tính 75.000 người tham gia biểu tình phản đối cánh hữu, hưởng ứng lời kêu gọi từ các công đoàn, hiệp hội và liên minh chính trị cánh tả mới được thành lập.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Pháp cho rằng có đến 640.000 người tham gia 182 cuộc biểu tình trên cả nước, trong đó có 250.000 người biểu tình ở Paris. Từ vùng Bayonne ở phía tây nam đến Nice ở phía đông nam, từ Vannes ở phía tây đến Reims ở phía đông, những người biểu tình phản đối viễn cảnh chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử tại cơ quan lập pháp.
Cảnh sát đã bắt giữ 20 người, trong đó có 9 người ở Paris, trong khi 5 sĩ quan cảnh sát bị thương nhẹ khi đối phó các cuộc biểu tình. Căng thẳng xảy ra tại những vùng Rennes và Nantes ở miền tây nước Pháp, nơi vài chục nhà hoạt động cánh tả cứng rắn đã bị cảnh sát đẩy lùi bằng hơi cay. Tại Paris, cơ sở hạ tầng đường phố bị hư hại và 2 chi nhánh ngân hàng trở thành mục tiêu của những người biểu tình đội mũ trùm đầu. Cảnh sát thủ đô đã đáp trả bằng hơi cay sau khi bị người biểu tình ném chai lọ. Khoảng 21.000 thành viên lực lượng an ninh đã được triển khai trên khắp nước Pháp.
Pháp cân nhắc tương lai sau khi phe cực hữu chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu EU
Nguy cơ nhiều mặt
Tổng thống Macron cho rằng bầu cử sớm là cách duy nhất để đối phó với làn sóng cực hữu đang vươn lên giành ưu thế. Nhà lãnh đạo cho rằng đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu có lập trường “mơ hồ về Nga” và muốn Pháp rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không chỉ tại Pháp, phe cực hữu còn thâm nhập vào những lá phiếu của giới trẻ nhiều nước trong kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 6 – 9.6 vừa qua.
Theo Reuters dẫn lời giới quan sát, một thế hệ lớn lên trong bối cảnh khủng hoảng liên miên đang tìm kiếm những câu trả lời mới, cũng như bị tác động bởi các chính trị gia thông thạo TikTok và YouTube, dù trước đây họ thiên về cánh tả.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) ghi nhận xu hướng ở cả cấp độ quốc gia lẫn Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng ủng hộ các đảng theo chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa và trong một số trường hợp là các đảng hoài nghi châu Âu.
Ở Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và Croatia, phe cực hữu là một phần của liên minh cầm quyền. Ở Áo, đảng cực hữu đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 9. Ở Bồ Đào Nha và Slovakia, phe cực hữu giành tỷ lệ phiếu bầu gia tăng đáng kể trong các cuộc bầu cử quốc gia gần đây.
Điều nổi bật chung của nhiều đảng cực hữu là thái độ thù địch đối với vấn đề nhập cư, lợi dụng vấn đề tranh cãi này để khai thác sự bức xúc của một số người về các vấn đề y tế, sức khỏe và chi phí sống. Bên cạnh đó, nhiều đảng cực hữu phản đối Thỏa thuận Xanh của EU về khí hậu, năng lượng, vận tải và chính sách thuế hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Về vấn đề đối ngoại, họ xem nhẹ việc mở rộng EU nhằm đảm bảo an ninh của khối và láng giềng. Ngoài ra, các đảng cực hữu đều coi việc đảm bảo tốt hơn về chủ quyền quốc gia là điều phải đứng trước các quyết định chính sách kinh tế.
Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande quay lại chính trường
Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande (70 tuổi) ngày 15.6 (ảnh) tuyên bố sẽ tranh cử trong hàng ngũ Mặt trận Bình dân mới (NFP), liên minh cánh tả vừa thành lập trong đó có đảng Xã hội.
“Một quyết định đặc biệt cho một tình huống đặc biệt. Tôi không tìm kiếm bất cứ điều gì cho bản thân. Tôi chỉ muốn được phục vụ”, ông phát biểu với báo giới khi thông báo ý định trở lại chính trường. Ông cho biết mình đã được NFP ủng hộ, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng ta phải làm mọi thứ để đảm bảo rằng phe cực hữu không nắm quyền tại Pháp”.