Israel tạm dừng hoạt động quân sự phía nam Gaza
Quân đội Israel ngày 16.6 cho biết sẽ tiến hành những đợt tạm dừng chiến thuật hằng ngày đối với hoạt động quân sự dọc một tuyến đường chính phía nam Dải Gaza để cho phép thêm hàng viện trợ được chuyển vào.
Trong khi đó, chiến dịch tại thành phố Rafah sẽ tiếp diễn, nơi Israel nhằm vào những lữ đoàn còn lại của Hamas.
Israel tuyên bố tạm dừng giao tranh ở Gaza
Việc tạm dựng sẽ bắt đầu từ 5 giờ đến 16 giờ (GMT) hằng ngày cho đến khi có thông báo mới dọc theo con đường kết nối cửa khẩu Kerem Shalom và đường Salah al-Din, kéo dài lên phía bắc.
Bất chấp áp lực quốc tế ngày càng tăng về việc ngừng bắn, một thỏa thuận ngừng giao tranh dường như vẫn còn xa vời, sau hơn 8 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở vùng đất của người Palestine.
Lực lượng Hezbollah ở Li Băng đã mở mặt trận thứ 2 chống lại Israel. Giao tranh dọc biên giới Israel – Li Băng hiện đang có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Hàng chục ngàn người đã phải di dời ở cả 2 bên biên giới.
Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16.6 thông báo kéo dài thời gian tài trợ các khách sạn và nhà khách cho cư dân sơ tán khỏi các thị trấn biên giới phía nam Israel cho đến ngày 15.8.
Theo AFP, Liên Hiệp Quốc hoan nghênh quyết định của Israel về việc tạm ngừng giao tranh quanh tuyến đường chuyển hàng viện trợ phía nam Gaza, nhưng kêu gọi có thểm các biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong viện trợ nhân đạo.
“Chúng tôi hoan nghênh thông báo này. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến các biện pháp cụ thể hơn nữa của Israel nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài ngăn cản công tác nhân đạo có ý nghĩa ở Gaza”, theo phát ngôn viên Jens Laerke của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA).
Theo ông, Liên Hiệp Quốc và các đối tác nhân đạo sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đảm bảo hỗ trợ những người gặp khó khăn khắp Gaza, nơi nạn đói thảm khốc đang lan rộng.
Liên Hiệp Quốc: cả Hamas và Israel đều phạm tội ác chiến tranh
“Điều kiện sống của các gia đình bị ảnh hưởng và phải di tản ở Gaza rất tồi tệ. Họ cần thực phẩm, nước, vệ sinh, nơi ở và chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, trong đó nhiều người sống gần đống chất thải rắn, làm tăng nguy cơ sức khỏe”, ông lo ngại.
Ông Laerke nhấn mạnh thông điệp của Liên Hiệp Quốc rằng hoạt động nhân đạo ở Gaza phải được tạo điều kiện hoàn toàn, còn mọi trở ngại phải được dỡ bỏ.