HLV Kim Sang-sik đã có dấu ấn, nhưng đội tuyển Việt Nam cần nhiều hơn thế
Đã thấy tia sáng cuối đường hầm
Đội tuyển Việt Nam đã khép lại 2 trận đầu tiên dưới thời HLV Kim Sang-sik, với kết quả 1 thắng, 1 thua. Đây là thành tích tương đồng với người tiền nhiệm Philippe Troussier, khi ông thầy người Pháp cũng thắng Philippines và thua Iraq. Tuy nhiên, đó là nét giống nhau… duy nhất giữa hai nhà cầm quân.
HLV Troussier cùng đồng đội tuyển Việt Nam bắt đầu vòng loại World Cup 2026 trong bối cảnh có 8 tháng huấn luyện, đá 6 trận giao hữu, làm việc với cầu thủ từ cấp độ U.23 đến đội tuyển quốc gia.
Còn với ông Kim Sang-sik, quãng thời gian chuẩn bị cho trận ra mắt là 5 ngày. Các cầu thủ đang “cạn pin” với mật độ thi đấu rất dày ở V-League, còn tinh thần cũng hứng chịu đòn giáng mạnh với 7 trận thua liên tiếp.
Còn quá sớm để nói HLV Kim Sang-sik sẽ thành công hay thất bại. Tuy nhiên, trong điều kiện chuẩn bị ngắn ngủi và hạn chế hơn nhiều so với người tiền nhiệm, chiến lược gia người Hàn Quốc đã để lại dấu ấn.
Đó là lối chơi có đường nét, đặc biệt trong khâu tấn công và luân chuyển bóng. HLV Kim Sang-sik có những mảng miếng, bài vở chiến thuật rõ ràng, đặc biệt ở những tình huống chuyển cánh, tấn công biên hay phản công.
Đơn cử như trong trận thua 1-3 trước Iraq, đội tuyển Việt Nam đã có ít nhất 3 cơ hội trong hiệp 1, trong đó rõ ràng nhất là tình huống Văn Thanh thoát xuống đối mặt với thủ môn Jalal Hassan, nhưng cầu thủ sinh năm 1996 lại khống chế bóng vụng dẫn đến cơ hội trôi qua. Hay sau đó là pha bóng cả Hoàng Đức và Văn Khang đều có khoảng trống dứt điểm song đều bỏ lỡ.
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng ít nhất, các cầu thủ đã dám chơi bóng để tìm kiếm chiến thắng”, HLV Kim Sang-sik nhấn mạnh. Đội tuyển Việt Nam nhận tin bị loại từ trước trận gặp Iraq, nhưng vẫn vào trận với khí thế quyết tâm và chiến đấu đến phút cuối. Đó là bước đột phá cả về tinh thần, chứ không thuần túy là chiến thuật.
Bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định, nếu HLV tạo được lòng tin cho cầu thủ nhờ chiến thuật phù hợp, tinh thần đội tuyển Việt Nam sẽ trở lại. Tinh thần và đấu pháp là hai yếu tố gắn bó mật thiết, HLV Kim Sang-sik hiểu rõ điều này. Nhà cầm quân sinh năm 1976 đã dành phần lớn thời gian trò chuyện, lắng nghe cầu thủ và tạo được lòng tin với đấu pháp tốt trong 2 trận đã qua.
Dù chưa thể xây dựng triết lý chơi hoàn chỉnh, nhưng đó vẫn là khởi đầu đáng trông đợi. Khi HLV Kim Sang-sik có thêm thời gian chuẩn bị, đội tuyển Việt Nam còn có thể chơi tốt hơn.
HLV Kim Sang-sik là chưa đủ
Tuy nhiên, để tránh lặp lại thất bại ở vòng loại World Cup, việc có HLV giỏi là chưa đủ. Đội tuyển Thái Lan đã dừng bước dù có HLV Masatada Ishii, người rất hiểu bóng đá xứ chùa vàng. Đội tuyển Malaysia “cầu viện” cựu giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc Kim Pan-gon, nhưng rốt cuộc không thể qua vòng loại.
Để cạnh tranh ở cấp độ châu lục, một đội tuyển quốc gia cần hội tụ đủ 3 yếu tố: nội lực của nền bóng đá, HLV đẳng cấp (tất nhiên), và chiến lược phù hợp.
Có lẽ cả đội tuyển Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều thất bại bởi thiếu ít nhất 1 trong 3 yếu tố này.
Cú ngã ở vòng loại World Cup 2026 sẽ khiến bóng đá Việt Nam phải nhìn nhận lại vị thế cạnh tranh. Bên cạnh những đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Úc, Iran, nhóm bám đuổi phía sau như Iraq, Qatar, UAE, Uzbekistan, Jordan cũng rất ổn định.
Ngoài ra, hãy nhìn những đội tuyển không thuộc hai nhóm trên, nhưng vừa giật vé vào vòng tiếp theo như Indonesia, CHDCND Triều Tiên, Kuwait để thấy: bóng đá châu Á rất cạnh tranh, đồng nghĩa đứng yên là… thụt lùi.
Đội tuyển Việt Nam đã tìm được nhà cầm quân phù hợp, bước đầu có thể nói như vậy. Dấu ấn của ông Kim đã có, nhưng muốn thành công, ông thầy người Hàn Quốc cần “bột” để gột nên “hồ”.
Đó là sự đột phá ở chất lượng cầu thủ, năng lực của các đội V-League – vốn là đỉnh của “kim tự tháp” bóng đá Việt Nam, tầm vóc đào tạo trẻ, sân bãi, cùng chiến lược phù hợp hơn, thay vì đặt những mục tiêu quá tầm với.
AFF Cup 2024, đội tuyển Việt Nam muốn ít nhất lọt vào chung kết. Quá trình chuẩn bị cần bắt đầu ngay từ lúc này.