Hàn Quốc xóa ‘vết đen trên mạng’ của thiếu niên
Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc (vận hành bởi chính phủ) đưa ra chương trình xóa dấu vết kỹ thuật số của trẻ vị thành niên từ năm 2023 và tiếp tục tới nay sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Những nội dung được hỗ trợ xóa là bài đăng chứa tên, dữ liệu ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, ảnh của người gửi đơn xin hỗ trợ nếu các nội dung này được đăng tải lên mạng internet khi họ chưa đủ 18 tuổi.
Theo Ủy ban, khi có yêu cầu từ người dùng, nhân viên chịu trách nhiệm xác minh thông tin, sau đó gửi đề nghị tới quản trị viên của trang mạng có chứa bài đăng nhằm xóa hoặc hạn chế khả năng tìm kiếm nội dung này. Người nộp đơn sẽ nhận được thông báo kết quả khi quá trình trên hoàn tất. Quy trình đã nêu áp dụng cho bài đăng lên mạng trước khi người dùng đủ 18 tuổi; sau thời điểm này (tức bài tạo sau 18 tuổi) hoặc không chứa thông tin cá nhân quan trọng, người của Ủy ban sẽ hướng dẫn tự xóa.
Một trường hợp giấu tên được đưa ra làm ví dụ khi người này tải video bắt chước các trào lưu phổ biến từ thời còn học tiểu học rồi đưa lên mạng xã hội. Bước sang cấp 2, các nội dung trên trở thành nguồn cơn khiến anh bị bạn bè trêu chọc, chê cười. Nam sinh không còn lưu giữ thông tin tài khoản và cũng không nhận đầy đủ hỗ trợ từ các trung tâm dịch vụ nên không thể tự xử lý.
Khi biết tới dịch vụ của chính phủ và được nhân viên tại đây hướng dẫn, người này mới gỡ bỏ được hết các nội dung bất lợi. Nhiều trường hợp khác cũng đã tìm được sự trợ giúp từ Ủy ban với dịch vụ xóa dấu vết của một thời bồng bột.
Kể từ khi ra đời vào tháng 4 năm ngoái, đến nay Ủy ban đã nhận hơn 17.000 đề nghị, trong đó hoàn thành trên 16.100 yêu cầu. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2024, số đơn gửi đến để yêu cầu xóa nội dung trên mạng là hơn 6.000, bằng chứng cho thấy sự phổ biến cũng như nhu cầu lớn của người trẻ tại Hàn Quốc. Không chỉ giúp người dùng “tẩy xóa” những sai lầm của tuổi trẻ, dịch vụ này còn góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thông tin cá nhân đối với người dân Hàn Quốc nói riêng.
Từ đầu 2024, độ tuổi gửi yêu cầu xóa bài đăng đã tăng từ “dưới 18 tuổi” lên “dưới 19 tuổi”, đồng thời mở rộng lứa tuổi có khả năng đăng ký sử dụng dịch vụ này từ 24 lên 30. Cùng với đó, Ủy ban có kế hoạch mở rộng quy mô xóa từ những bài đăng chính chủ yêu cầu sang đối tượng nội dung quay lén (do người khác đăng lên mạng).
Tuy nhiên, không phải lúc nào những nội dung “đáng bị xóa” cũng do chính người dùng trẻ đăng. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vô tư và tự ý đăng tải hình ảnh, video cũng như nhiều thông tin cá nhân của con cái lên mạng để lưu giữ kỷ niệm cũng như chia sẻ với người khác mà không có sự đồng ý của con.
Đã có rất nhiều chuyên gia cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn của hành vi này, ví dụ bị đánh cắp thông tin, giả mạo, sử dụng để huấn luyện AI (trí tuệ nhân tạo) hay chèn Deepfake để tống tiền, bôi xấu… nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn bỏ qua. Tháng 7.2023, nhà mạng Deutsche Telekom (Đức) đã phát hành một clip quảng cáo giả định cho thấy hình ảnh của trẻ nhỏ sau khi bị đăng lên mạng có thể bị lạm dụng ra sao, dùng AI để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Với tựa đề A Message from Ella (Lời nhắn nhủ từ Ella), clip dùng AI và Deepfake để tạo ra phiên bản trưởng thành từ hình ảnh và video Ella nhỏ tuổi do cha mẹ em đăng lên mạng.