Frame rate là gì trong phim ảnh và sản xuất video? Frame rate đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm hình ảnh mượt mà và chân thực. Trong bài viết sau, Miko Tech sẽ giải thích cho bạn thuật ngữ này cũng như những kiến thức liên quan đến frame rate.
Frame Rate là gì?
Frame Rate, hay còn gọi là tốc độ khung hình, là số lượng khung hình được hiển thị trong một đơn vị thời gian, thường là một giây.
Đơn vị của Frame Rate là FPS (Frames Per Second). Ví dụ, video có 30 fps nghĩa là trong mỗi giây, video hiển thị 30 khung hình. Tốc độ khung hình quyết định mức độ mượt mà của hình ảnh trong video, game hoặc các phương tiện truyền thông khác. Fps càng cao, chuyển động trong video sẽ càng hiển thị mượt mà và tự nhiên.
Tầm quan trọng của Frame Rate
Tốc độ khung hình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng phát video. Các video trực tiếp hoặc video có nhiều chuyển động, ví dụ như video ghi hình các sự kiện thể thao, thường có tốc độ khung hình cao vì có nhiều sự kiện xảy ra cùng một lúc. Tốc độ khung hình cao có nghĩa là có nhiều khung hình hơn mỗi giây, dẫn đến chất lượng phát video mượt mà hơn.
Khi phát video trực tuyến, thiết bị của bạn cần giải mã và hiển thị mỗi khung hình theo thời gian thực. Do đó, độ mượt của video cũng phụ thuộc vào khả năng của thiết bị phát vì nó cần có khả năng hỗ trợ tốc độ khung hình đó. Ví dụ, nếu tốc độ khung hình là 30 fps và thiết bị của bạn chỉ hỗ trợ 24 fps, chất lượng video sẽ không mượt mà như mong đợi.
Cách điều chỉnh các thông số Frame Rate hiệu quả
Khi đã hiểu frame rate là gì rồi vậy thì cách điều chỉnh tốc độ khung hình thế nào cho phù hợp? Mỗi tốc độ khung hình có một công dụng cụ thể. Tốc độ khung hình tốt nhất sẽ tùy thuộc vào nội dung của bạn, cài đặt video và hiệu ứng tổng thể của nội dung mà bạn muốn.
Các giá trị fps phổ biến nhất trong sản xuất video là 24 fps, 30 fps và 60 fps. Sau đây là một số thông số frame rate quen thuộc trong lĩnh vực làm video.
16 FPS
So với các mức fps phổ biến hiện nay, 16 fps được xem là tương đối thấp và ít được sử dụng. Với tốc độ này, chuyển động của video sẽ không được mượt mà và có thể gây ra hiện tượng giật lag. Tuy nhiên nếu bạn muốn quay một đoạn video có phong cách retro, bạn có thể quay phim ở tốc độ này để tạo cảm giác hoài niệm, cổ điển.
24 FPS
24 fps là một tốc độ khung hình phổ biến trong công nghiệp điện ảnh và sản xuất video. 24 fps được xem là tiêu chuẩn cho các bộ phim điện ảnh, với mục tiêu tạo ra một trải nghiệm xem mượt mà và chân thực đối với khán giả. Tốc độ khung hình này thường được coi là tạo ra một “cảm giác điện ảnh” cho video, với các chuyển động và hình ảnh được hiển thị một cách mịn màng và tự nhiên.
30 FPS
Một số camera có thể quay nội dung video với tốc độ 30 khung hình trong một giây dành cho các chương trình TV, chương trình thể thao hoặc truyền hình trực tiếp. Một số content creator cũng lựa chọn 30fps vì nó giữ được chất lượng video và kích thước tệp vẫn ở mức phù hợp.
60 FPS
60 fps là một tùy chọn mà nhiều game thủ sử dụng khi chơi các trò chơi có tốc độ nhanh để theo kịp các chuyển động nhanh chóng. Khi cần ghi lại các sự kiện hoặc hoạt động có chuyển động nhanh, như thể thao hoặc hoạt động ngoài trời, tốc độ khung hình 60 fps giúp bắt được các chi tiết chính xác và mượt mà hơn.
Ngoài ra, 60 fps có thể được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt trong điện ảnh. Quay cảnh quay ở 60 FPS cho phép người dựng phim tạo hiệu ứng chuyển động chậm mượt mà hơn khi giảm tốc độ xuống 24 fps hoặc 30 fps. Đối với những cảnh hành động, 60 fps cũng có thể được sử dụng để tạo hiệu ứng chuyển động.
120 FPS và cao hơn
Tốc độ khung hình cao như 120 FPS thường được sử dụng để quay video chuyển động chậm (slo-mo). Với số lượng khung hình lớn, bạn có thể chỉnh sửa video và làm chậm các cảnh một cách linh hoạt hơn, cho phép bạn tạo ra các hiệu ứng chuyển động đặc biệt và tinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng tốc độ khung hình cao hơn cũng đòi hỏi sự hỗ trợ từ thiết bị và phần mềm phù hợp.
Cách chọn FPS phù hợp
Việc lựa chọn tốc độ khung hình bao nhiêu là phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những khía cạnh quan trọng nhất bạn cần xem xét:
Mục đích của nội dung
Trước tiên, hãy xem xét nội dung video và mục đích của nó. Tốc độ khung hình cho việc ghi lại trò chơi điện tử và video slow-motion sẽ khác nhau. Hay tốc độ khung hình trong phim điện ảnh sẽ khác với khi phát trực tiếp trên truyền hình. Vì vậy, xác định mục đích của nội dung trước khi ghi hình là rất quan trọng.
Khả năng của thiết bị
Giải mã khung hình theo thời gian thực và hiển thị (rendering) là yếu tố thứ hai và quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ khung hình. Đây là quá trình xử lý video liên quan đến việc giải mã các khung hình được nén trong tệp video (decoding) và sau đó hiển thị chúng lên màn hình (rendering).
Số khung hình trên mỗi giây càng cao thì video càng mượt mà. Ngược lại, nếu thiết bị của bạn không thể giải mã và hiển thị từng khung hình, video sẽ có hiện tượng giật hình. Do đó, quá trình giải mã khung hình cần diễn ra đủ nhanh để đảm bảo video phát mượt mà, không bị giật hình.
Chuyển động trong video
Chuyển động trong video là yếu tố quan trọng thứ ba ảnh hưởng đến việc lựa chọn tốc độ khung hình của video. Mỗi khung hình trong video là một ảnh tĩnh riêng lẻ. Để tạo hiệu ứng chuyển động mượt mà, các khung hình này cần được hiển thị liên tục với tốc độ nhất định. Càng nhiều chuyển động thì yêu cầu tốc độ khung hình càng cao.
Nếu video có nhiều chuyển động (tức là các đối tượng thay đổi vị trí nhiều giữa các khung hình), thì tốc độ hiển thị khung hình cần phải cao hơn để đảm bảo chuyển động trông mượt mà. Ví dụ, các cuộc đua xe tốc độ cao cần tốc độ khung hình cao hơn so với các video thông thường. Vì vậy, trước khi chọn tốc độ khung hình, hãy đảm bảo bạn xác định được loại chuyển động nào sẽ xuất hiện trong video của mình.
Tốc độ Internet
Tốc độ Internet là yếu tố quan trọng trong việc xác định tốc độ khung hình phù hợp. Phát trực tuyến đòi hỏi kết nối internet nhanh để mang lại trải nghiệm xem mượt mà. Ngược lại, kết nối internet chậm có thể dẫn đến tình trạng video bị giật hình, phải dừng chờ dữ liệu và mất khung hình, làm giảm đáng kể chất lượng video. Kết nối internet không ổn định cũng không thể hỗ trợ tốc độ khung hình cao.
Tổng kết
Qua bài viết trên, Miko Tech đã giải thích cho bạn frame rate là gì và giới thiệu một số giá trị fps phổ biến. Không có khái niệm nào gọi là frame rate tốt nhất mà nó phụ thuộc vào loại nội dung, mục đích sử dụng và yêu cầu đặc thù của từng trường hợp. Hy vọng bạn đã có được những thông tin hữu ích, đừng quên chia sẻ và hẹn gặp lại trong những bài viết sau!