EURO: Ai sẽ ghi bàn cho đội tuyển Đức?
TIỀN ĐẠO ĐỨC NGÀY CÀNG KHAN HIẾM
Klose là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội tuyển Đức (71 bàn trong 137 trận). Khi trung phong Klose rời sân ở phút 88 trong trận chung kết World Cup 2014, tiền vệ Mario Goetze vào thay, ghi bàn duy nhất giúp Đức đánh bại Argentina để lên ngôi vô địch, đoạt luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận. Kể từ đó, người ta hầu như không thấy bóng dáng của trung phong nào nơi hàng công Mannschaft.
Trong 4 giải lớn sau World Cup 2014, Đức ghi được 21 bàn. Họ dừng chân ngay sau vòng bảng 2 lần, vào vòng 16 đội một lần và bán kết một lần. Còn trong 4 giải lớn trước đó, Đức ghi 50 bàn, vô địch một lần, vào chung kết một lần khác, và vào bán kết ở hai lần còn lại. Quá khác biệt!
Tại EURO này, trung phong đích thực của Đức là Niclas Fullkrug, Maximilian Beier và Deniz Undav. Nếu không phải là “fan ruột” của giải Bundesliga, khả năng cao là bạn không biết nhiều về Undav và Beier. Fullkrug thì đã 31 tuổi nhưng kinh nghiệm khoác áo ĐTQG chỉ gồm 16 trận. Nếu được ra sân, đây sẽ là lần đầu tiên anh xuất hiện trên sân cỏ EURO. Undav thì mới khoác áo đội tuyển 2 lần dù đã ở tuổi 27. Beier mới khoác áo đội tuyển 1 lần! Nếu như cả Beier lẫn Undav đều không được ra sân tại EURO 2024 thì cũng chẳng có gì lạ. Vậy, ai sẽ ra sân?
LỐI ĐÁ ĐỨC RẤT CẦN TRUNG PHONG
Từ một tiền vệ công, được “cải biên” thành tiền đạo, Kai Havertz (CLB Arsenal) là niềm hy vọng lớn nhất của Mannschaft hiện nay trong lĩnh vực ghi bàn. Đức còn có một tiền vệ nữa là Thomas Mueller, 35 tuổi, ghi 45 bàn trong 129 trận cho đội tuyển. Nhân vật này thì quá quen thuộc rồi. Đặc điểm chuyên môn lớn nhất của anh là không chơi ở vị trí cố định nào. Chỉ có thể nói: anh đứng ở đâu cũng được, nhưng không bao giờ là một trung phong thực thụ.
Định danh một vị trí cụ thể trong đội hình chỉ là vấn đề lý thuyết. Nhưng tất nhiên: vị trí, vai trò và hiệu quả công việc sẽ liên quan chặt chẽ đến sự định danh ban đầu ấy. Trung phong thực thụ và “trung phong cải biên” luôn có khác biệt lớn, có thể quyết định kết quả chung cuộc.
Với lực lượng và cách chơi hầu như không đổi, Đức liên tục thua Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup 2010. HLV Đức khi ấy, Joachim Loew, đã hết lời khen ngợi cách chơi của Tây Ban Nha, gọi đấy là những “giáo sư chơi bóng”. Đấy cũng chính là đội Tây Ban Nha đang trên đường đi vào huyền thoại (vô địch liên tiếp 3 giải đấu lớn, từ 2008 đến 2012). Họ không cần có trung phong đích thực khi tiến đến ngôi vô địch World Cup 2010 và EURO 2012. Và đấy chính là ảnh hưởng lớn nhất khiến người Đức học theo, cũng không cần có trung phong trong khoảng chục năm gần đây. EURO này cũng chẳng khác biệt: nếu Havertz cứ ghi bàn, thì Đức cần gì trung phong thực thụ?
Vấn đề là bóng đá Đức xưa nay nổi tiếng về hiệu quả, chứ không phải sự hoa mỹ. Nói đến bóng đá Đức, trong những lúc thành công nhất, là cứ phải nói đến các trung phong cụ thể. Từ Gerd Mueller đến Karl-Heinz Rummenigge, từ Juergen Klinsmann đến Miroslav Klose. Cựu danh thủ Đức Steffen Freund bình luận: “Trước đây, luôn có một tiền đạo ở đẳng cấp hàng đầu thế giới ghi bàn cho Mannschaft”. Giờ thì quá khác, Đức có dễ thành công với đặc điểm “phản truyền thống” của họ?