EURO 2024: Mùa hè này, mọi ngả đường đều hướng về nước Đức
Khi Antonin Panenka bước lên chấm đá luân lưu ở loạt sút thứ năm, trận chung kết EURO 1976 giữa Tiệp Khắc và Tây Đức, có lẽ ông không nghĩ khoảnh khắc tiếp theo do chính mình thực hiện sẽ được ghi dấu mãi mãi vào sử sách bóng đá.
Tua ngược khoảnh khắc Panenka thực hiện cú sút, Tiệp Khắc và Tây Đức đã cống hiến một trong những trận chung kết EURO hay nhất lịch sử. Cuộc rượt đuổi tỷ số giữa một bên là Tiệp Khắc đang lên với Anton Ondrus, Jan Pivarnik, Ivo Viktor và tiền vệ tài hoa Antonin Panenka, một bên là Tây Đức với sự dẫn dắt của “Hoàng đế” Franz Beckenbauer, ngôi sao Sepp Maier trong khung gỗ, hay chân sút dội bom Dieter Muller đã xé lưới Nam Tư tới ba lần ở trận bán kết trước đó. Ở trận chung kết, Tiệp Khắc gây sốc khi dẫn trước 2-0 bằng lối chơi tấn công lôi cuốn, tốc độ. Song Tây Đức của Beckenbauer vẫn rất lì lợm để gỡ hòa 2-2. Sau 120 phút bất phân thắng bại, hai đội kéo nhau vào chấm đá luân lưu.
Tại đây, Tiệp Khắc thực hiện thành công cả 4 loạt sút đầu tiên khi Marian Masny, Zdenek Nehoda, Anton Ondrus, Ladislav Jurkemik đều dứt điểm thành bàn. Trong khi đó bên phía Đức, Uli Hoeness sút bóng thẳng lên khán đài. Pha dứt điểm hỏng của người sau này trở thành Chủ tịch Bayern Munich đẩy Tây Đức vào “cửa tử” trên chấm 11 m, điều hiếm khi người Đức phải trải qua. Để rồi, lịch sử trao cho Antonin Panenka trọng trách thực hiện cú sút định đoạt số phận Tây Đức. Trên đường đi từ vạch giữa sân đến khi cầm trên tay quả bóng, Panenka quyết định: ông phải làm điều gì đó thật đặc biệt.
Khoảnh khắc điên rồ ấy đã đến. Antonin Panenka hít một hơi thật sâu, không nhìn vào ánh mắt sâu hun hút của Sepp Maier, mà chỉ tập trung vào trái bóng. Ông lấy đà rất xa, chạy nước rút, để rồi khi Maier đã đặt chân trụ để đổ người sang trái, Panenka nhẹ nhàng sục quả bóng vào chính giữa khung thành.
Cú đá luân lưu của Panenka đi vào lịch sử bởi hai lý do. Thứ nhất, chưa từng có cầu thủ nào đá 11 m… điên rồ như ngôi sao Tiệp Khắc. Trước đây, các cầu thủ sút phạt đền thường nhằm đúng một góc rồi đá thật mạnh. Hoặc tinh quái hơn, thì dậm nhảy đợi thủ môn đặt trụ, đổ người rồi sút sang góc còn lại (theo kiểu “lườm rau gắp thịt”). Đá vào chính giữa, bằng một cú bấm bóng điệu nghệ như Panenka là lựa chọn quá điên rồ. Thứ hai, đó là cú sút quyết định trong một trận chung kết với áp lực nghẹt thở, mà Panenka cùng Tiệp Khắc phải đối đầu với đội tuyển bản lĩnh nhất châu Âu bấy giờ.
Nói vậy để thấy, Panenka quá… điên. Nhưng dù than thở “Chẳng ai nhớ tới sự nghiệp của tôi, mà chỉ nhớ tới cú sút ấy”, thì Panenka vẫn luôn là một trong những người hạnh phúc nhất. Người hâm mộ có thể lãng quên trận chung kết kinh điển, lãng quên luôn cái tên Tiệp Khắc dù sau này CH Czech và Slovakia, những hậu bối của Tiệp Khắc, cũng chơi chẳng đến nỗi nào ở EURO. Tuy nhiên, người ta sẽ không quên Panenka, như một trong những khoảnh khắc định nghĩa EURO. Đấy là bóng đá, mà bóng đá thì phải như thế!
Ngoài cú sút Panenka, EURO còn có những điều vừa hấp dẫn, vừa lạ lùng. EURO 1968, khi luật đá luân lưu còn chưa ra đời (để những người như Panenka có những suy nghĩ không tưởng), trọng tài quyết định đội đi tiếp bằng cách… tung đồng xu. Sau khi Ý và Liên Xô bất phân thắng bại ở trận bán kết, vận mệnh hay đội đã phụ thuộc vào đồng xu nhỏ bé trên tay trọng tài. Thủ quân Giacinto Facchetti của Ý chọn mặt sấp, và màn tung đồng xu được tiến hành trong phòng thay đồ. Người hâm mộ không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng nhìn màn ăn mừng điên cuồng của Facchetti khi rời khỏi phòng thay đồ, tất cả đều hiểu vấn đề. Ý đã đi tiếp theo cách không giống bất cứ ai. Sau này, khi luật tung đồng xu bị bãi bỏ vì quá… rủi ro và được thay bằng thứ bớt rủi ro hơn chút là đá luân lưu, người Liên Xô vẫn không quên đồng xu oan nghiệt đã tước đi cơ hội của một thế hệ vàng.
Hay người Ý từng được vận mệnh ưu ái với mặt sấp đồng xu của Facchetti, cũng phải rơi nước mắt trước Pháp ở trận chung kết EURO 2000 bởi bàn thắng vàng của David Trezeguet. Luật “bàn thắng vàng” sau đó cũng không được áp dụng, nhưng kịp mang về cho Pháp chức vô địch EURO thứ hai trong lịch sử và khiến Ý mất tới 21 năm sau mới chạm vào đỉnh cao châu Âu một lần nữa.
EURO không thiếu những câu chuyện cổ tích, như cách Đan Mạch vô địch năm 1992 dù vốn dĩ không vượt qua vòng loại. Hay như Hy Lạp đã vượt qua cả Pháp, CH Czech và Bồ Đào Nha để viết nên câu chuyện của các vị thần vào năm 2004. EURO cũng thừa thãi những ngôi sao vụt sáng, như Michel Platini – người gánh trên vai đội tuyển Pháp ở EURO 1984 với 9 bàn thắng, đưa “Gà trống Gaulois” lên ngôi vô địch. Hay như bộ ba Hà Lan bay khét tiếng của Marco van Basten, Frank Rijkaard và Ruud Gullit.
Sức hấp dẫn của EURO còn thể hiện ở chỗ, không thể đoán định bất cứ điều gì khi trái bóng còn chưa lăn. Trong 16 vòng chung kết EURO trước đó, đã có tới 10 đội vô địch, nhiều nhất là Đức và Tây Ban Nha với cùng 3 lần xưng vương, theo sau là Ý và Pháp với cùng 2 chức vô địch. Liên Xô, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Hà Lan mỗi đội có một chiếc cúp. Đội tuyển Anh từng vô địch World Cup, nhưng chưa từng xưng bá ở EURO. Trong suốt chiều dài lịch sử, chỉ có Tây Ban Nha là đội duy nhất bảo vệ thành công chức vô địch EURO.
Ở sân chơi này, bất cứ đội tuyển nào cũng có thể trở thành vua. Bởi vốn dĩ sự gần gũi về mặt địa lý, văn hóa và giao thoa rất mãnh liệt về bóng đá biến các trận đấu tại EURO luôn rất khó lường. Có hàng tá câu chuyện để chứng minh quy luật mạnh được, yếu thua không tồn tại ở EURO. Đơn cử là chức vô địch của Bồ Đào Nha năm 2016, với hành trình còn… khó tin hơn cả Hy Lạp. Đội bóng của ông Fernando Santos hòa cả 3 trận vòng bảng, chỉ giành vé đi tiếp nhờ EURO đổi thể thức, cho phép đội đứng thứ ba ở vòng bảng thuộc nhóm thành tích tốt vẫn có vé vào vòng sau. Một đội tuyển không thắng nổi cả Hungary, Áo và Iceland, sau đó cũng chỉ thắng thêm đúng một trận trong 90 phút (2-0 trước Xứ Wales) đã thắng nốt chủ nhà Pháp ở chung kết để lần đầu vô địch EURO.
4 năm sau, đội tuyển Ý của Roberto Mancini đang trải qua khủng hoảng khi không giành nổi vé dự World Cup 2018, đã quật ngã Bỉ, Tây Ban Nha và Anh để vẽ lên vương miện EURO ngôi sao thứ hai. Đáng nói là cũng giống Bồ Đào Nha năm 2016, Ý đã thắng đội chủ nhà ở trận chung kết để vô địch. Tính từ năm 2004 đến nay, những đội đăng quang ở EURO (trừ Tây Ban Nha năm 2012) có điểm chung, đó là đều thi đấu rất… bết bát ở World Cup trước đó và hiển nhiên không được đánh giá là ứng cử viên vô địch. Trước khi vô địch EURO 2004, Hy Lạp không được dự World Cup 2002. Trước khi đăng quang EURO 2008, Tây Ban Nha dừng bước ở vòng 16 đội World Cup 2006. Tương tự là Bồ Đào Nha (2016) và Ý (2020). Thậm chí sau khi đăng quang ở EURO 2020, Ý… không thể giành vé dự World Cup 2022.
Đấy là điểm kỳ lạ rất hay ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nơi thời gian huấn luyện, thi đấu cùng nhau chỉ là vài tuần mỗi năm, trong khi một giải đấu vận hành liên tục chỉ trong một tháng có thể phát sinh rất nhiều biến số. Nếu người hâm mộ đang “ngán” dần cấp CLB khi Real Madrid thống trị Champions League, Manchester City xưng bá ở Ngoại hạng Anh, Paris Saint-Germain làm vua nước Pháp hay Inter Milan vượt trội ở Serie A, sân chơi EURO sẽ mang tới vị lạ.
Bóng đá trải qua hàng thế kỷ phát triển, từ thuở hồng hoang khi số phận của những nền bóng đá vĩ đại phụ thuộc vào một… đồng xu, từ khi các chiến thuật mới tồn tại ở mức sơ khai, đến lúc trở nên hiện đại, rập khuôn đến mức máy móc như hôm nay. Hay từ khi EURO đầy rẫy những bàn thắng “ma”, những quyết định tranh cãi của trọng tài, đến lúc mọi khoảnh khắc trên sân đều được công nghệ hóa, số hóa bởi hàng chục máy quay, thậm chí đến quả bóng cũng… gắn chíp cảm biến.
Khi trả lời kênh truyền hình Chiringuito TV, Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid cho rằng bóng đá ngày càng mất đi sức hút trước sự cạnh tranh của mạng xã hội, trò chơi điện tử, hay có người cho rằng một trận bóng có tới 90 phút là quá dài, có lẽ đã không ít người hâm mộ gật gù. Việc các liên đoàn bóng đá ngày càng “đẻ” ra nhiều giải đấu, tăng số trận đấu để kiếm tiền triệt để từ các gói bản quyền truyền hình, đến mức cầu thủ phải than thở rằng đã quá mệt mỏi, bóng đá ngày càng bị pha loãng, trở thành ngành công nghiệp kiếm tiền và tối ưu lợi nhuận, thay vì là niềm vui thuần khiết.
Duy chỉ có một điều không thay đổi: bóng đá hấp dẫn bởi bản chất khó lường của nó, bởi tính chuyên môn đậm đặc xen lẫn những câu chuyện nhân văn, như cách đội tuyển Đan Mạch đã cùng nhau tạo thành hàng rào để bảo vệ Christian Eriksen, khi thủ quân của đại diện Bắc Âu ngã xuống sau cơn đột quỵ. Bóng đá vẫn đầy xúc cảm, như giọt nước mắt của Cristiano Ronaldo, người phải sớm rời sân ở trận chung kết EURO 2016 bởi chấn thương, để rồi sau tiếng còi mãn cuộc vẫn là nước mắt, nhưng hạnh phúc của chính Ronaldo với lần đầu ngồi lên ngai vàng châu Âu.
Bóng đá vẫn rất hay, minh chứng là EURO 2020 thu hút tới 5,23 tỉ lượt xem trên toàn cầu, trong đó các trận đấu giữa Anh – Đan Mạch hay Anh – Ý đều phá kỷ lục lượt xem của các nhà đài. Bóng đá có mất đi sức hấp dẫn hay không, hãy nhìn các sân cỏ châu Âu để biết. Không có một chỗ trống, bầu không khí luôn cuồng nhiệt và hội tụ đầy đủ cảm xúc.
EURO 2024 là cuộc cạnh tranh giữa những thế lực cả cũ và mới trong làng bóng đá. Đó là đội tuyển Anh với thế hệ đáng đợi của những Jude Bellingham, Phil Foden, Kobbie Mainoo, Cole Palmer, Declan Rice, kết hợp với lứa đàn anh đang đạt độ chín như Harry Kane, John Stones, Jordan Pickford, Kyle Walker. Người Anh đã từng thất bại đau đớn ở World Cup 2018 trước Croatia ở bán kết, khiến bóng đá chưa thể trở về “nhà”. Rồi sau đó nỗi đau nhân lên vạn lần với trận thua Ý ở chung kết trên sân Wembley, nơi mà Anh đã ghi bàn dẫn trước, rồi đến loạt đá luân lưu tiếp tục vượt lên. Để rồi, bản lĩnh lại là thứ “Tam Sư” còn thiếu với 3 quả luân lưu hỏng liên tục, để lỡ cơ hội đăng quang trên sân nhà. Ở hầu hết các giải tham dự, đội tuyển Anh luôn là ứng viên vô địch, rồi lại gây thất vọng phút chót. Lần này thì sao?
Đương kim vô địch Ý trải qua nhiều biến cố sau khi vô địch EURO 2020, như hụt vé dự World Cup 2022, HLV Roberto Mancini rời đi, thế hệ già cỗi chia tay đội tuyển. Đội tuyển Ý của HLV Luciano Spalletti vừa gây tranh cãi khi triệu tập Nicolò Fagioli – cầu thủ bị treo giò vì cá cược, mà lại bỏ quên Riccardo Orsolini – tiền vệ đang chơi lên chân cho Bologna. Chưa bao giờ Ý thiếu nhân tài như lúc này. Nếu Nicolo Barella vắng mặt tại EURO vì đau cơ, đó sẽ là “thảm họa” với thầy trò Spalletti. Song như câu ngạn ngữ “Đừng bao giờ coi thường người Ý”, biết đâu trong khó khăn, đội bóng có biệt danh Thiên thanh sẽ tìm được đường sống.
Một ứng viên vô địch khác là Pháp, sẽ bước vào EURO với mục tiêu đòi lại những gì đã mất. Pháp đã chơi 2 trận chung kết World Cup liên tục, nhưng EURO lại mang đến ký ức buồn khi 3 năm trước, thầy trò HLV Didier Deschamps thua Thụy Sĩ trên chấm luân lưu ở vòng 16 đội. Đội tuyển Pháp vẫn rất mạnh với ngọn cờ đầu Kylian Mbappe, đồng đều ở mọi tuyến và có “bố già” Deschamps đã huấn luyện hơn một thập kỷ. Việc lọt vào chung kết của 3 trong số 4 giải lớn gần nhất (EURO 2016, World Cup 2018 và 2022) cho thấy sức mạnh và sự bền bỉ của Pháp – đội bóng mà không đội nào muốn đương đầu lúc này.
Hay đội tuyển Đức đang loay hoay phục dựng sau cuộc khủng hoảng giai đoạn 2018 – 2022 (bị loại ở vòng bảng và vòng 16 đội 3 giải lớn liên tiếp) sẽ xoay xở ra sao ở EURO 2024. Dù sắm vai chủ nhà, nhưng không nhiều người đánh giá quá cao thầy trò HLV Julian Nagelsmann. Đức đang thiếu một chân sút giỏi, lực lượng bất cân xứng và bộ khung Bayern Munich năm nào đã bước qua bên kia sườn dốc. “Die Mannschaft” cần một cú hích, nhưng khi tinh thần và kỷ luật đậm chất Đức đã hao mòn, điều gì chờ đợi Manuel Neuer cùng đồng đội.
Và còn những Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đều sẽ tạo nên bàn tiệc thịnh soạn ở nước Đức mùa hè này. Ngày 14.6, khi trái bóng Fussballliebe bắt đầu lăn trên khắp các sân cỏ nước Đức, EURO vẫn sẽ nóng bỏng, khó đoán và mang đến những trải nghiệm khó quên.