Dùng búa gõ lên kính, chàng trai tạo ra những bức tranh đẹp sống động
Vì không qua trường lớp, tự học nên thời gian đầu theo đuổi hội họa Thăng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chất liệu, phong cách phù hợp với bản thân. Tháng 2.2023, Thăng bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về tranh gõ trên mặt kính. Thời gian đầu Thăng phải chật vật trong việc tìm được loại kính phù hợp và búa chuyên dụng để gõ. Sau nhiều tháng tìm kiếm thì Thăng mới phát hiện ra loại kính an toàn rất phù hợp để làm tranh.
Theo Thăng, kính an toàn phù hợp để làm tranh vì khi tác động lực lên bề mặt sẽ xuất hiện những mảng nứt gãy, tuy nhiên vẫn giữ được nguyên khối, không vỡ vụn, rời rạc. “Loại kính này thường được dùng để làm cửa trong các công trình nhà ở, chung cư”, Thăng chia sẻ.
Thăng nói thêm: “Mình mua những cây búa dùng để đóng đinh thông thường rồi mài để có được độ nhọn phù hợp. Mình có 3 chiếc búa với trọng lượng khác nhau. Độ nặng và lực gõ của búa sẽ cho ra những đường nét khác nhau, tất cả kết hợp lại thành một tổng thể hài hòa”.
Trước khi có được sản phẩm thành công, Thăng phải làm hư 7 tấm kính mới có thể học được cách kiểm soát lực khi gõ búa. Loại tranh này khó ở chỗ lực gõ phải chính xác để tạo ra độ nứt phù hợp trên mặt kính, nếu mạnh tay thì coi như bỏ toàn bộ công sức trước đó.
Theo Thăng, để làm được một bức tranh kính đòi hỏi người làm phải thật sự nhạy cảm và rèn luyện độ chính xác cao. Để hoàn thiện một bức tranh gõ búa trên mặt kính, Thăng thường dành thời gian từ 2 ngày đến 1 tuần.
“Vẽ chân dung giống như mẫu đã khó, tuy nhiên để truyền tải được thần thái càng thử thách hơn. Mắt mình nhìn kém, khó phân biệt ở một số cặp màu như đỏ và xanh lá cây, hay hồng với xám… Vì vậy, khi chuyển sang gõ tranh trên mặt kính mình cảm thấy thuận lợi hơn vì chỉ tập trung cảm nhận cho màu trắng và đen”, Thăng chia sẻ.
Theo Thăng, thể loại tranh gõ búa trên mặt kính sẽ phù hợp để thể hiện chân dung. Một tấm kính phải đủ độ lớn thì mới phù hợp để làm tranh. Kích thước lý tưởng của một tấm kính để làm tranh là ngang 80 cm và dài 100 cm. Trong thời gian tới, Thăng mong muốn được sáng tạo nhiều hơn những bức tranh gõ búa trên kính.
Từ năm 2016, khi còn là sinh viên hệ trung cấp tại Nhạc viện TP.HCM, Thăng đã vẽ những bức tranh đầu tiên bằng chì lên mặt sau của những tờ đề thi môn âm nhạc. Thăng tìm đến hội họa để giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Hiện tại, Thăng là sinh viên bậc đại học ngành guitar, nhạc nhẹ của Nhạc viện TP.HCM.
“Âm nhạc và hội họa luôn có mối liên kết chặt chẽ về tư duy, thẩm mỹ, sáng tạo. Vì xuất thân từ âm nhạc, nên việc sáng tạo ở lĩnh vực hội họa đối với mình khá dễ dàng”, Thăng chia sẻ.
Ngoài thể loại tranh gõ búa trên mặt kính, Thăng còn vẽ theo kiểu nguệch ngoạc. Thăng thường dùng bút lông kim vẽ những nét nguệch ngoạc tưởng chừng như vô nghĩa nhưng tổng thể sẽ tạo ra một bức tranh sinh động. Thăng cho biết được truyền cảm hứng từ Hom Nguyen, một nghệ sĩ người Pháp gốc Việt rất nổi tiếng với thể loại tranh này.
Thăng cho biết tranh theo kiểu nguệch ngoạc này có 2 loại nét chính là có nghĩa và vô nghĩa. Nét có nghĩa sẽ giúp bức tranh giống với mẫu, bố cục sống động. Còn nét vô nghĩa tạo ra phong cách, điểm nhấn khiến bức tranh trở nên bay bổng.
“Tác phẩm đầu tiên ở thể loại nguệch ngoạc được mình thực hiện vào tháng 1.2023. Mình vẽ chân dung của một người phụ nữ đặc biệt, đó là mẹ. Mẹ đã mất được 15 năm, nhưng những kỷ niệm, tình thương của mẹ vẫn ở trong tim mình. Những nét vẽ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại thể hiện cho nỗi nhớ, sự biết ơn của mình dành cho mẹ”, Thăng chia sẻ.
Thăng quan niệm nghệ thuật là phải có cảm xúc, tuy nhiên không thể quá phụ thuộc. “Khi đối mặt với áp lực, người nghệ sĩ sẽ phải sử dụng lý trí, kỹ thuật được rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ chứ không thể phó thác hoàn toàn cho cảm xúc, hứng thú”, Thăng nói.