Dữ liệu mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Dữ liệu mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?
admin 5 ngày trước

Dữ liệu mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực kể từ 1.7 tới, thay thế luật Căn cước công dân (CCCD); kể từ thời điểm này Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước (TCC) cho người dân trên toàn quốc. Cũng từ ngày 1.7, dữ liệu sinh trắc học mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan công an cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt khi công dân (từ đủ 6 tuổi trở lên) làm thủ tục đề nghị cấp TCC.

Bên cạnh đó, chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang TCC thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với CCCD đã được cấp trước ngày 1.7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.

Dữ liệu mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?- Ảnh 1.
Bộ phận trả thẻ căn cước tại Công an TP.HCM

Nhật Thịnh

Trả lời PV Thanh Niên về quy trình thu thập dữ liệu mống mắt, thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, cho biết để chuẩn bị triển khai thu nhận mống mắt từ ngày 1.7, C06 đã phối hợp cùng công an các địa phương cài đặt, nâng cấp phần mềm mới, đồng thời cấp phát các thiết bị thu nhận mống mắt. Hình thức thu nhận mống mắt sẽ tương tự như thu nhận vân tay, đó là thông qua thiết bị chuyên dụng. Quá trình thu nhận cũng rất đơn giản, công dân chỉ cần áp sát mắt vào thiết bị, hệ thống sẽ tự động chụp và lấy đặc điểm hệ thống sinh trắc của mống mắt đó. Người dân cần lưu ý không đeo kính trong quá trình thu nhận mống mắt.

ĐÃ CÓ CCCD, CÓ CẦN BỔ SUNG MỐNG MẮT ?

Đối với những người đã được cấp thẻ CCCD trước ngày 1.7, thiếu tá Trần Duy Hiển cho biết theo luật Căn cước thì những CCCD đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực sẽ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định, công dân nếu có nhu cầu đổi từ CCCD sang TCC thì được cấp thẻ mới.

Ngoài trường hợp cấp mới, việc bổ sung mống mắt sẽ được thực hiện khi công dân làm thủ tục cấp đổi, cấp lại TCC. Trường hợp công dân đã được cấp thẻ CCCD trước 1.7 mà muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan làm thủ tục cấp TCC để đăng ký. Quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.

PV Thanh Niên cũng đặt vấn đề trước tình trạng lộ lọt dữ liệu ngày càng phức tạp hiện nay, Bộ Công an đã có giải pháp gì để bảo đảm an toàn dữ liệu mống mắt của công dân? Thiếu tá Trần Duy Hiển lý giải về nguyên tắc bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, không chỉ riêng dữ liệu sinh trắc mống mắt mà cả khuôn mặt, vân tay đều phải được bảo vệ. Hiện Bộ Công an đã triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với dữ liệu về khuôn mặt và vân tay, việc bảo vệ dữ liệu mống mắt cũng sẽ tương tự như vậy. Bộ Công an hoàn toàn đảm bảo khả năng bảo vệ an ninh, an toàn đối với hệ thống quản lý của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về nhân lực để cấp TCC từ 1.7 nhằm không xảy ra tình trạng quá tải, xếp hàng giống như cao điểm cấp thẻ CCCD trước đây, thiếu tá Hiển cho hay theo quy định mới tại luật Căn cước, đối tượng được cấp TCC sẽ mở rộng với cả người dưới 14 tuổi (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc). Bộ Công an đã chủ động tính toán 2 vấn đề; một là, với hình thức thẻ mới, người dân có thể mong muốn được cấp lại, thay thế cho thẻ đã được cấp theo mẫu cũ. Hai là phạm vi đối tượng cấp TCC rộng hơn so với trước đây, bao gồm trẻ em từ 0 – 14 tuổi như đã nêu.

Để chuẩn bị cho công tác cấp TCC, C06 Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tập huấn cả trực tiếp và trên môi trường trực tuyến, sẵn sàng phục vụ người dân khi có nhu cầu. Hệ thống sản xuất TCC của Bộ Công an hoàn toàn đảm bảo nhu cầu của người dân. Như đợt cao điểm cấp thẻ CCCD trước đây, một ngày có thể sản xuất 450.000 thẻ. Vì thế, khi thực hiện cấp TCC theo luật mới, Bộ Công an hoàn toàn tự tin có thể đáp ứng yêu cầu.

Dữ liệu mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?- Ảnh 2.
Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, trả lời PV Thanh Niên

Tuấn Minh

KHI NÀO NGƯỜI DÂN PHẢI CUNG CẤP DỮ LIỆU ADN VÀ GIỌNG NÓI ?

Cũng theo quy định mới tại luật Căn cước, ngoài mống mắt thì cơ sở dữ liệu căn cước còn thu thập ADN và giọng nói. Về câu hỏi người dân phải cung cấp loại thông tin này khi nào và quy trình, thủ tục thực hiện ra sao thì C06 cho biết theo quy định tại luật Căn cước, hồ sơ căn cước của công dân có thể lưu trữ được 5 loại sinh trắc. Trong đó, khuôn mặt, mống mắt và vân tay bắt buộc phải thu nhận khi làm thủ tục cấp thẻ. Với 2 loại còn lại là ADN và giọng nói thì sẽ thu nhận theo yêu cầu của người dân chứ không bắt buộc.

“Để triển khai việc này, Bộ Công an sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế xác định, công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện trong việc xét nghiệm ADN. Trường hợp người dân có nhu cầu cập nhật dữ liệu mà chưa xét nghiệm, khi đến làm thủ tục sẽ được cơ quan công an hướng dẫn đến các cơ sở nêu trên để thực hiện xét nghiệm”, thiếu tá Hiển nói.

Cũng theo thiếu tá Hiển, trong trường hợp người dân đã xét nghiệm ADN từ trước và cung cấp khi đến làm thủ tục, trước tiên cơ quan công an sẽ kiểm tra cơ sở mà công dân đã thực hiện xét nghiệm có đủ điều kiện theo quy định hay không. Đồng thời, công dân phải cung cấp được mã số hồ sơ xét nghiệm để cơ quan công an đối sánh với dữ liệu đã lưu trên hệ thống thông qua các thông tin nhân thân, ảnh chân dung hoặc vân tay. Phải xác định chính xác ADN đó là của công dân chứ không phải người khác. Cũng giống các loại thông tin sinh trắc khác, thông tin về ADN của công dân sẽ được bảo mật rất cao, mã hóa ngay khi cập nhật vào hệ thống dữ liệu, đảm bảo an toàn, không lộ lọt… (còn tiếp)

Tạm ngưng cấp CCCD, định danh điện tử ở Hà Nội, TP.HCM

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, để chuẩn bị điều kiện tổ chức cấp TCC cho công dân theo luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7), Công an TP.HCM và Công an TP.Hà Nội ra thông báo tạm ngưng việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử kể từ ngày 25 – 30.6.2024. Kể từ ngày 1.7, Công an TP.Hà Nội và Công an TP.HCM tiếp tục việc cấp TCC, định danh điện tử cho công dân theo đúng quy định.

Dự tính trong năm đầu tiên, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp khoảng 15 triệu TCC bao gồm: 5 triệu thẻ cấp mới cho các trường hợp đủ 14 tuổi và các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu; 3 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân bắt buộc phải đổi từ thẻ CCCD sang TCC do hết hạn sử dụng; 7 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang TCC.

4 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi