Dạo chơi vườn Huế cùng những bức tranh kể chuyện
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Dạo chơi vườn Huế cùng những bức tranh kể chuyện
admin 2 tuần trước

Dạo chơi vườn Huế cùng những bức tranh kể chuyện

Không gian triển lãm tranh Dạo chơi vườn Huế là khu vườn phủ Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ, hiện là không gian quán cà phê Kodo do vợ chồng kiến trúc sư trẻ ở Huế khởi lập, kinh doanh.

Dạo chơi vườn Huế cùng những bức tranh kể chuyện- Ảnh 1.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ về những bức tranh dán giấy của mình ở không gian triển lãm

B.N.L

Khu vườn nằm trên trục đường Nguyễn Phúc Nguyên, thuộc vùng đất Kim Long nổi tiếng là trung tâm hành chính, quân sự đất Đàng Trong hơn 400 năm trước.

Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ quê quán tại làng Gia Miêu, H.Tống Sơn, Thanh Hóa, xuất thân từ tôn thất triều Nguyễn, là một vị quan nổi bật của nhà Nguyễn trong khoảng thời gian 1883 – 1888.

Trong triều, ông là người quảng giao, khéo léo nên được triều Nguyễn trọng dụng và cũng là người đứng ra thương thảo với chính quyền Pháp về nhiều vấn đề. Nguyễn Hữu Độ là một nhân vật đã phò trợ cho sự lên ngôi của vua Đồng Khánh. Chính vua Đồng Khánh đã cưới con gái của ông Nguyễn Hữu Độ, tức bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn, và phong bà làm Hoàng quý phi. Sau này, một người con gái khác của ông là bà Nguyễn Hữu Thị Nga cũng trở thành Huyền phi của vua Thành Thái.

Phủ Vĩnh quốc công Nguyễn Hữu Độ có mặt hướng ra sông Hương, với vườn cây trái sum suê, quanh năm xanh mát. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền (TP.Huế), bản thân khu vườn phủ Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ đã là một tác phẩm, nên việc chọn khu vườn để triển lãm tranh càng khiến không gian này thêm thơ mộng, lãng mạn.

“Không gian triển lãm Dạo chơi vườn Huế là một cuộc dạo chơi tranh trong vườn và vườn trong tranh đầy thi vị”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền nói.

Tham gia góp mặt trong triển lãm tranh đầy chất thơ này, có thể kể ngay đến sự góp mặt của 3 anh em ruột: Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ, trong tổng số 12 tác phẩm mà 3 anh em của ông góp mặt tại triển lãm, mỗi bức đều mang theo mỗi câu chuyện của Huế.

Họa sĩ Thượng Hiền mang đến 5 bức tranh giấy dán, ẩn hiện hình bóng của người phụ nữ cố đô kiêu sa giữa khu vườn đầy hương sắc đặc trưng của vườn Huế, như bức Trương Quỳnh Như, hay bức Quỳnh hương… Họa sĩ Thượng Hải lại chọn nổi bật sắc tím cố đô trong những bức họa mang tên Hương đồng, Hương lau, Huế mùa Phật đản. Họa sĩ Thượng Hỷ mang về xứ Huế bức chân dung Chị tôi, Vườn thiêngBên thềm hoa, mô tả chân dung những người phụ nữ yêu quý trong gia đình của ông.

Trong khi đó, họa sĩ Hoàng Thị Như Ý mang đến những bức tranh vui tươi, rực rỡ với những bông hoa khoe sắc thắm, như bức tranh hoa đồng tiền mà bà đặt tên là Hoa lì xì. Đặc biệt, họa sĩ Đặng Mậu Tựu có tác phẩm Nắng trong vườn rực rỡ sắc màu trên nền đỏ ối của thời tiết chói chang xứ Huế; tác phẩm trừu tượng Mình mãi có nhau với màu đỏ của hồi ức và khát vọng…

Tham gia triển lãm với một tình yêu lớn dành cho cố đô, họa sĩ Võ Như Diệu (Quảng Nam) và Phan Tiến Dũng (Đà Nẵng) cũng đem đến các tác phẩm mang đậm dấu ấn kỷ niệm những khu vườn cổ tích thời thơ dại. Dạo chơi vườn Huế vì thế đã trở thành điểm đến của người yêu nghệ thuật, và cũng là điểm nhấn góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật của cố đô Huế với du khách tham gia Festival Huế 2024.

5 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi