Hitman: Blood Money là game hành động lén lút vô cùng kinh điển từ thời đại PlayStation 2 và Xbox. Tính đến thời điểm bài viết, trò chơi cũng gần tròn 18 tuổi. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi được remaster không chỉ một, mà đến tận hai lần trên hai thế hệ console nối tiếp nhau của Sony và Microsoft. Đáng nói, trò chơi chưa từng được ra mắt trên các nền tảng di động và Nintendo cho đến gần đây, do nhà phát triển Feral Interactive thực hiện công tác chuyển nền.
Dành cho bạn nào không biết, Hitman Blood Money là phần chơi thứ tư trong series game Hitman về nhân vật Agent 47, tay sát thủ chuyên nhận các nhiệm vụ đoạt mạng bất khả thi. Phần chơi này là hậu bản của Hitman: Contracts và tiền bản của Hitman: Absolution. Cả ba phần chơi này đều được giới chuyên môn đánh giá khá tốt ở thời điểm phát hành ban đầu, đánh dấu thời đại mới của thể loại hành động lén lút kể từ sau series Metal Gear của thập niên 80 và Thief của thập niên 90.
So với game nguyên bản, Hitman: Blood Money – Reprisal được nhà phát triển Feral Interative bổ sung Instinct Mode tương tự Hitman: Absolution và các bản Hitman trong World of Assassination. Tính năng này giúp người chơi dễ tương tác và định hướng trong môi trường màn chơi hơn. Nói đơn giản là nó giúp trải nghiệm có tính “cầm tay chỉ việc” hơn vì những gì cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đều thể hiện trên màn hình. Dù vậy, cảm giác người chơi tiếp cận nhiệm vụ vẫn rất khác biệt những game Hitman gần đây.
Nguyên nhân là Instinct Mode trong Hitman: Blood Money – Reprisal chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin, không có yếu tố hỗ trợ và tương tác trong trải nghiệm như các bản Hitman mới. Chính vì vậy mà trong một số tình huống trải nghiệm, tính năng này có thể khá vô dụng. Ý đồ của nhà phát triển Feral Interactive có lẽ vì muốn duy trì trải nghiệm nguyên bản nhiều nhất có thể. Đây dường như là mục tiêu của họ trong các bản chuyển nền trước đó như Company of Heroes Collection hay The Lara Croft Collection.
Bên cạnh Instinct Mode, trải nghiệm Hitman: Blood Money – Reprisal còn được làm mới với hệ thống mini-map mới và bổ sung tính năng nhắm bằng con quay hồi chuyển. Mini-map thì không có gì để bàn cãi về mức độ hữu dụng của nó, khi giúp người chơi dễ dàng giám sát kẻ thù xung quanh theo thời gian thật ở nơi ẩn núp an toàn nào đó. Ngược lại, việc hỗ trợ nhắm bằng con quay hồi chuyển giúp người chơi dễ dàng “xuyên táo” kẻ thù hơn, thay vì phải đánh vật với cần analog “kém duyên” của tay cầm Joy-Con.
Khá đáng tiếc là bản chuyển nền Reprisal cho hệ máy của Nintendo không hỗ trợ trải nghiệm hoàn toàn bằng điều khiển cảm ứng như các nền tảng di động. Mặt khác, người chơi có thể tắt các tính năng hỗ trợ nói trên nếu muốn có trải nghiệm Hitman: Blood Money nguyên bản. Tuy kẻ thù trong game còn khá nhiều hạn chế khi xét đây là tựa game đã 18 năm tuổi, nhưng người viết không khuyến cáo việc vô hiệu hóa các tính năng hỗ trợ nói trên nếu đây là lần đầu tiên bạn trải nghiệm tựa game kinh điển này.
Chưa kể, trải nghiệm Hitman: Blood Money – Reprisal cũng có vài hạn chế do vấn đề “tuổi tác” của trò chơi. Đầu tiên là đồ họa nhìn khá cũ kỹ so với mặt bằng chung trên hệ máy của Nintendo. Cơ chế điều khiển cũng không trực quan như các phần chơi Hitman hiện đại trong vài năm gần đây. Mức độ thông minh của kẻ thù trong trải nghiệm cũng vậy, dù game sở hữu thiết kế màn chơi khá xuất sắc khi xét thời điểm ra mắt ban đầu. Bù đắp cho những hạn chế đó là giá trị chơi lại cao nhờ hệ thống đánh giá đặc trưng.
Mỗi màn chơi trong game đều có giải pháp biến cái chết của mục tiêu giống như một vụ tai nạn bất ngờ “ý trời”. Đó là chưa kể hệ thống tai tiếng được xây dựng dựa trên khả năng thành bại của người chơi trong thực hiện nhiệm vụ. Tai tiếng càng cao thì các NPC càng dễ phát hiện Agent 47 và chỉ số này còn gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ về sau. Thực hiện nhiệm vụ hoàn hảo để duy trì tai tiếng ở mức thấp cũng là một thử thách thú vị, đặc biệt với những ai chưa từng trải nghiệm game nguyên bản trước đây.
Tuy tôi không có cơ hội trải nghiệm Hitman: Blood Money – Reprisal trên nền tảng di động, nhưng hệ máy của Nintendo có hiệu năng rất tốt và tương đối ổn định ở con số 30fps trong phần lớn trải nghiệm, bất kể chế độ handheld hay gắn dock. Tuy nhiên trò chơi có một vấn đề hơi khó chịu tương tự The Lara Croft Collection. Đó là tình trạng đứng hình trong khoảnh khắc ngắn dường như để chờ tải dữ liệu khi chuyển cảnh, dù hiện tượng này không xảy ra thường xuyên đến mức phá hỏng trải nghiệm game.
Sau cuối, Hitman: Blood Money – Reprisal mang đến một trải nghiệm hành động lén lút kinh điển rất hấp dẫn với những ai thích hoài cổ. Tuy đồ họa không xuất sắc do “tuổi cao”, nhưng trò chơi sở hữu thiết kế màn chơi xuất sắc và giá trị chơi lại cao. Đó là chưa kể các tính năng bổ sung giúp game thân thiện với người chơi mới hơn, trong khi vẫn đem đến trải nghiệm nguyên bản cho người chơi lâu năm của series này nói chung và tựa game gốc nói riêng.
Hitman: Blood Money – Reprisal hiện có cho Switch, Android và iOS.
Hitman: Blood Money — Reprisal ($14.99, Google Play) →
Hitman: Blood Money — Reprisal ($14.99, App Store) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của HayCode.NetXem thêm bài đánh giá các game khácHayCode.Net viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!