Cuộc đua mới trên thị trường xe điện: ‘Có thể áp thuế chống bán phá giá’
Ưu đãi “kịch đường tàu”, cần đánh giá kỹ tác động
Theo ông Dương Bá Hải, Phó trưởng phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính), đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Đáng chú ý, chính sách ưu đãi với các dòng xe điện thân thiện với môi trường khá nổi bật. Theo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành, xe ô tô chạy bằng điện (trong đó có xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời…) có thuế suất thuế TTĐB từ 5 – 15%.
Ngày 11.1.2022, Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có luật Thuế TTĐB. Tại luật này đã giảm đáng kể mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu.
Cụ thể, từ 1.3.2022 – 28.2.2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện chạy pin tùy theo số chỗ ngồi là 1%, 2%, 3% và từ 1.3.2027 trở đi là 4%, 7%, 11% (trong khi đó, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe sử dụng xăng, dầu là từ 15 – 150%).
Đối với lệ phí trước bạ, ưu đãi thể hiện rõ ở khía cạnh, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1.3.2022, lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chạy pin là 0%. Trong 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), cho rằng so với nhiều nước khác, chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí cho ô tô thân thiện với môi trường của Việt Nam nói chung đã rất tốt.
“Xem biểu thuế TTĐB có thể thấy, với xe điện, xe chạy bằng pin, thuế đã giảm rất nhiều. So với xe xăng hay so với chính bản thân xe điện, xe chạy bằng pin trước khi có luật sửa đổi năm 2022, mức thuế hạ rất nhiều, có thể nói đã hạ kịch đường tàu. Đây là cơ hội tốt để phát triển xe điện.
Về thuế có thuế đánh vào người tiêu dùng và thuế đánh vào doanh nghiệp. Thuế TTĐB là loại thuế gián thu, cộng vào giá. Bởi vậy, khi người tiêu dùng mua xe điện thì được nộp thuế thấp nhất, hưởng nhiều lợi ích”, ông Phụng đánh giá.
Đề cập khía cạnh một số chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, phí hiện đang áp dụng cho dòng ô tô thân thiện với môi trường có thể sẽ giảm bớt hoặc hết hiệu lực trong khoảng vài năm tới, ông Phụng bày tỏ quan điểm, cơ quan quản lý nhà nước cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ các hiệu quả, tác động của chính sách trong thời gian vừa qua.
“Nếu các chính sách ưu đãi vẫn phát huy tốt hiệu quả thì nên tiếp tục hoặc nghiên cứu hướng điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế”, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn nói.
Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phân tích: các chính sách ưu đãi với ô tô điện hiện nay đều xuất phát từ việc loại phương tiện này có tác động đến môi trường ít hơn các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, các chính sách chỉ có thể hỗ trợ, chứ không thể quyết định người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nào. Ô tô điện, ô tô xăng hay ô tô hybrid có những ưu nhược điểm riêng và các hãng xe phải cố gắng cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng.
“Tôi tin rằng việc thiết kế chính sách đối với lĩnh vực này không nên đặt mục tiêu bao nhiêu xe điện, bao nhiêu xe xăng mà chỉ cần phản ánh chính xác hơn tác động tiêu cực của từng loại xe. Xe nào có tác động môi trường lớn, sử dụng nhiều tài nguyên, hạ tầng thì thuế, phí cao và ngược lại.
Còn việc bao nhiêu xe điện hay xe xăng sẽ là kết quả của quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ là người quyết định”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo dõi sát xe nhập khẩu để cóchính sách phù hợp
Trong “bức tranh” phát triển ô tô điện tại Việt Nam hiện nay, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng các dòng xe nhập khẩu giá rẻ, chất lượng không đảm bảo, không có sự đầu tư về trạm sạc cũng như trung tâm bảo dưỡng, bảo hành… tràn vào Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh với xe nội địa, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Dẫn ví dụ lo ngại cụ thể về các dòng xe của Trung Quốc đã và đang vào thị trường Việt Nam, ông Phụng phân tích: “Về thuế, phí, ta không thể làm gì được vì giữa Trung Quốc với Việt Nam có Hiệp định ASEAN – Trung Quốc. Dù xe sản xuất ở Trung Quốc hay xe sản xuất ở các nước ASEAN thì Việt Nam vẫn phải tuân thủ các quy định về thuế, phí theo hiệp định đã ký kết, không thể đưa ra hàng rào khác quy định.
Tuy nhiên, cần đặt ra câu hỏi liệu xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có bán phá giá hay không. Tôi hơi quan ngại về giá cả, sao xe nhập khẩu vào Việt Nam lại có giá bán rẻ thế, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xem xét”.
Ở góc độ này, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh, trong trường hợp làn sóng hàng nhập khẩu ồ ạt có thể đe dọa sản xuất trong nước, Việt Nam hoàn toàn có các công cụ quản lý ngoại thương để ứng phó, phù hợp với pháp luật quốc tế.
“Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các biện pháp đối kháng khác. Thậm chí, chúng ta có thể sử dụng những ngoại lệ khác phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế để đưa ra các biện pháp phòng vệ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để có thể áp dụng các biện pháp này, cần tuân thủ các điều kiện và trình tự nhất định. Một trong những điều kiện tiên quyết là phải có làn sóng hàng nhập khẩu và tác động tiêu cực thực tế đến sản xuất trong nước. Đây phải là tác động thực tế, chứ không thể suy đoán ở mức độ nguy cơ”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo quan sát cá nhân, vị chuyên gia này cho rằng: “Đối với mặt hàng xe máy điện, xe đạp diện, đã có dấu hiệu cho thấy hàng nhập khẩu cạnh tranh mạnh mẽ với hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện tượng này lại chưa diễn ra đối với mặt hàng ô tô điện. Nguyên nhân có lẽ một phần do vấn đề thị hiếu của người tiêu dùng.
Đây là thời điểm các cơ quan chức năng cần theo dõi thường xuyên và sát sao diễn biến thị trường để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời. Nếu diễn biến thị trường đáp ứng các điều kiện như trên, cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước”.