Cú ‘bắt tay’ giữa Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Phan Quốc Việt
Viện KSND tối cao vừa mới ban hành cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), Sở KH-ĐT TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (CNSH).
Trong số này, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Nhàn bị cáo buộc dùng tiền để tác động tới một số quan chức ngành y tế, sau đó cùng đồng phạm sử dụng hàng loạt chiêu trò nhằm “thâu tóm” 8 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm CNSH, gây thiệt hại hơn 94 tỉ đồng.
Đáng chú ý, vụ án này còn dính dáng đến Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á – cái tên gắn liền với những đại án liên quan đến kit test Covid-19.
“Quân xanh”, “quân đỏ” bủa vây các gói thầu
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, dự án mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm CNSH có tổng kinh phí hơn 468 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn với 10 gói thầu, thực hiện kéo dài từ năm 2015 – 2019.
Do đã trao đổi và thống nhất với nhau từ trước, Công ty AIC dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được ông Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm CNSH) “bật đèn xanh”, tạo điều kiện tham gia đấu thầu.
Để thực hiện thâu tóm các gói thầu, Công ty AIC phối hợp với nhiều doanh nghiệp khác, đóng vai trò “quân xanh”, “quân đỏ”. Điển hình là Công ty CP Công nghệ cao Gene Việt (gọi tắt là Công ty Gene Việt).
Tại giai đoạn 1 của dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho Công ty Gene Việt được liên danh với Công ty AIC thực hiện 3 gói thầu, kèm theo điều kiện AIC phụ trách việc ngoại giao và chi phí còn Gene Việt phụ trách chuyên môn (mua hàng, bàn giao, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo hành bảo trì).
Đồng thời, việc hợp tác phải đảm bảo mức lợi nhuận cho Công ty AIC tương đương 40% giá trị mỗi gói thầu. Công ty Gene Việt được hưởng mức chênh lệch giữa giá của nhà cung cấp thiết bị và thỏa thuận với Công ty AIC.
Do mới thành lập, chưa đủ năng lực để tham gia dự thầu, Công ty Gene Việt lại đang có 10% vốn góp tại Công ty Việt Á, các thành viên trong công ty này thống nhất sử dụng pháp nhân Công ty Việt Á đại diện đứng tên liên danh với Công ty AIC và thực hiện các hoạt động đấu thấu.
Theo đúng kế hoạch, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới tại Công ty AIC, Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới tại Công ty Việt Á, phối hợp với ông Dương Hoa Xô và cấp dưới tại Trung tâm CNSH “thông thầu”.
Phan Quốc Việt còn giao cấp phó nghiên cứu điều chỉnh lại danh mục thầu theo hướng đưa vào các thiết bị mà Công ty Gene Việt có thế mạnh; đồng thời liên hệ đơn vị để Trung tâm CNSH chỉ định làm đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Tiếp đó, nhân viên 2 công ty phối hợp cùng nhau lập và nộp hồ sơ dự thầu cho liên danh Việt Á – AIC, ngoài ra còn có hàng loạt pháp nhân được huy động cùng nộp hồ sơ với mục đích “lót đường”.
Với thủ đoạn trên, liên danh Việt Á – AIC đã trúng 2 gói thầu, với tổng giá trị hơn 106 tỉ đồng. 6 gói thầu còn lại đều do Công ty AIC hoặc các công ty được AIC chỉ định “ôm trọn”.
Đến nay, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn và chưa bắt được. Tuy vậy, Viện KSND tối cao khẳng định cựu Chủ tịch Công ty AIC đã chỉ đạo cấp dưới, thông đồng cùng Công ty Việt Á, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện chuỗi hành vi gian lận, nhằm thâu tóm 8 gói thầu, gây thiệt hại hơn 94 tỉ đồng.
Không bị xử lý vì không hưởng lợi gì
Quá trình giải quyết vụ án, ngoài trách nhiệm hình sự của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các đồng phạm, cơ quan tố tụng còn xem xét vai trò của các cá nhân, pháp nhân liên quan.
Trong số này có Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc) và 2 Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch Công ty Gene Việt)…
Kết quả điều tra xác định các cá nhân trên đều có sai phạm, khi trực tiếp giúp sức cho bị can Nhàn và đồng phạm thực hiện chuỗi hành vi gian lận trong thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị tại Trung tâm CNSH.
Tuy nhiên, việc nâng giá thiết bị đã được Nguyễn Thị Thanh Nhàn thỏa thuận, thông đồng với chủ đầu tư từ thời điểm trước khi Công ty Gene Việt và Công ty Việt Á tham gia.
Lợi nhuận của Công ty AIC cũng được xác định ngay từ khi chưa tổ chức đấu thầu. Trong khi đó, lợi nhuận Công ty Gene Việt được hưởng là do mua được giá thấp so với giá của Công ty AIC dự kiến mua. Công ty Việt Á thì không được hưởng lợi gì.
Về phía mình, Phan Quốc Việt đã chủ động cung cấp thông tin về các sai phạm của Công ty AIC và chủ đầu tư; các cá nhân khác cũng chủ động khai báo, cung cấp tài liệu, dữ liệu giúp cơ quan điều tra làm rõ toàn bộ vụ án.
Từ những căn cứ đã nêu, cơ quan điều tra quyết định không xử lý về hình sự với Phan Quốc Việt và một số cá nhân có liên quan. Viện KSND tối cao xác định việc này là phù hợp.
6 vụ án liên quan đến đấu thầu
Ngoài vụ án tại Trung tâm CNSH, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong 3 vụ án khác.
Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù.
Tháng 10.2023, bà Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 10 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện sản nhi tỉnh.
Tháng 12.2023, bà Nhàn tiếp tục bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT.
Còn Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt hiện cũng đã bị tuyên 2 bản án đều liên quan đến kit test Covid-19.
Tháng 5.2024, Việt bị TAND cấp cao tại Hà Nội y án 29 năm tù về 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương.
Trước đó, tháng 12.2023, Việt bị Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội tuyên phạt 25 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Học viện Quân y và một số đơn vị liên quan.