Công chức, viên chức thấp thỏm chờ lương mới
Từ nhiều ngày nay, chủ đề hằng ngày mà chị Nguyễn Hồng Mai (viên chức tại một đơn vị hành chính sự nghiệp ở Hà Nội) và đồng nghiệp trong cơ quan thảo luận và mong ngóng, đó là lương từ 1.7 sẽ tăng bao nhiêu.
Chị Mai cho hay: “Dù đi làm được 3 năm, song lương tôi chỉ gần 4,5 triệu đồng/tháng. Hỏi bộ phận nhân sự, kế toán thì được trả lời là đang chờ hướng dẫn. Tôi còn nghe nói người lao động tại các đơn vị tự chủ tài chính chưa chắc đã được tăng lương từ 1.7, nếu đúng như vậy thì thật buồn”.
23 năm làm chuyên viên văn phòng, chị L.T.Thùy Nga (công chức tại một cơ quan T.Ư ở Hà Nội) có lương đang hưởng kịch khung hệ số 4,98, tính ra là hơn 9 triệu đồng/tháng. Điều chị Nga quan tâm vì sao đến nay vẫn chưa có bảng lương mới.
Theo chị Nga, tăng lương là điều đáng mừng, nhưng với những công chức có thâm niên cao như chị lại lo nhiều hơn. “Tôi đọc báo thấy sẽ bỏ nhiều khoản phụ cấp, lương trả theo vị trí việc làm sẽ tính như thế nào? Hiện lương chưa tăng mà giá cả đã tăng, từ tiền điện, tiền nước, thực phẩm… đều tăng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, chi tiêu của những người làm công ăn lương, không có nguồn thu nào khác chỉ trông chờ vào lương. Giá cả tăng cao, lương tăng thấp thì coi như tăng lương không có ý nghĩa gì”, chị Nga chia sẻ.
Không chỉ viên chức, người lao động mong chờ tăng lương, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cũng lúng túng chưa biết phương án triển khai lương mới. Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh, bày tỏ: “Các đơn vị tự chủ tài chính như chúng tôi lo nhất, bởi theo thay đổi cơ chế tiền lương, ngân sách nhà nước sẽ không cấp bổ sung, vậy không rõ sẽ được tính như thế nào, phê duyệt ra sao? Bộ Nội vụ cần thông tin sớm cho các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác”.
CẦN SỚM CÓ HƯỚNG DẪN
Chia sẻ với băn khoăn của các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần tài chính, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc tăng lương sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với các đơn vị này. Lương tăng thì chi phí sẽ tăng lên, điều này có thể làm khó cho các đơn vị.
“Các đơn vị sự nghiệp cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng thu phục vụ cho việc tăng lương. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, không có nguồn thu, không thể cân đối tăng lương thì nhà nước cần can thiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Có thể cho vay trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công để doanh nghiệp ổn định hoạt động, tăng thu ngân sách, từ đó lấy tiền đó đầu tư cho tăng lương”, ông Lợi phân tích, đồng thời lưu ý nhà nước cũng cần phải có giải pháp tích cực trong việc kiểm soát giá, chống việc tăng lương 1 nhưng giá cả tăng 10 lần.
Bên cạnh các giải pháp trên, TS Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, để tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương. Đây cũng là cách để nâng cao năng suất lao động trong khu vực công, loại bỏ những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có năng lực yếu kém.
“Chắc chắn sẽ phải tăng lương cho công chức, viên chức, không thể lùi lại. Tuy nhiên, đối với các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần sẽ cần phải tính toán lại cho phù hợp. Với các đơn vị đang gặp khó khăn, trước mắt có thể tạm thời tính theo mức cũ, tức là lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, chờ khi có văn bản hướng dẫn sẽ điều chỉnh và truy lĩnh”, ông Lợi nêu ý kiến.
Liên quan vấn đề tiền lương, mới đây, tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ quan tâm việc điều chỉnh tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi các chế độ, chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính. Đại biểu Khánh đề nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ ngày 1.7.
SẼ TĂNG LƯƠNG TỪ 1.7
Chia sẻ với Thanh Niên ngày 10.6, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho hay Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị các nội dung cơ bản của cải cách tiền lương. Dự kiến trung tuần tháng 6, Bộ Nội vụ sẽ công bố thông tin cải cách tiền lương từ 1.7.
Theo ông Minh, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, T.Ư khóa XII, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng các hệ thống thang bảng lương mới, gồm: bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, có 9 nhóm phụ cấp theo chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng, gồm: phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.
Nghị quyết 27 quy định cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Cạnh đó, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo phương án cải cách tiền lương, từ 1.7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hằng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Dành 680.000 tỉ đồng để tăng lương
Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến tổng nguồn ngân sách T.Ư dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng.
Để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499.000 tỉ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỉ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỉ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỉ đồng.
Ngày 20.5, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. So với báo cáo của Chính phủ tháng 10.2023, con số này tăng 120.000 tỉ đồng. Phó thủ tướng cho hay các cơ quan đã hoàn thành 19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. 20 bộ, ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức nghiệp vụ chuyên ngành.