Có hay không cuộc gọi rác ‘trả thù’?
Cuộc gọi rác đeo bám, khủng bố
Chị N.K (Q.4, TP.HCM) cho biết gần như ngày nào chị cũng bị các đầu số 02038883115, 02488882241… gọi điện quấy rối. Trả lời lịch sự thì cũng vài phút sau họ lại tiếp tục gọi còn không bắt máy thì gọi liên tục 5 – 7 cuộc. “Tôi có cảm giác họ đeo bám, trả thù vì mình không nghe máy. Tôi chính là nạn nhân từng nêu ý kiến phản ánh trên Báo Thanh Niên khi bị “khủng bố” từ các đầu số tổng đài ảo. Từ sau thời điểm đó, cuộc gọi rác không những không giảm mà còn xuất hiện nhiều hơn, bất kể giờ giấc. Tôi có cảm giác đang bị các đối tượng “xả rác” tìm cách trả đũa vì đầu số đó gọi liên tục”, chị N.K bức xúc.
Nhiều người khác cũng trong tình trạng tương tự đến mức họ không hiểu nổi mục đích của các cuộc gọi rác kiểu này. “Có lúc tôi mở điện thoại ra nghe nhưng họ không nói gì rồi tự tắt. Có lúc tôi lịch sự từ chối thì một lúc sau họ tiếp tục gọi. Còn không nghe máy thì gọi liên tục. Giờ trong phòng tôi bảo nhau cứ số nào có đuôi hay khúc giữa 3 – 4 số 8 hay 9 thì khỏi nghe. Nhưng họ đeo bám, khủng bố nên vô cùng mệt mỏi”, chị B.Đ (Q.7, TP.HCM) chia sẻ.
Bị cuộc gọi rác đeo bám đến mức có cảm giác “trả thù” là suy nghĩ của nhiều người. Chị H.M, làm việc tại Q.3, kể lúc trước chị cũng lịch sự, mỗi lần mở máy gặp PR, quảng cáo thì từ chối nhẹ nhàng. Sau khi bị làm phiền nhiều quá, có lúc đang trong cuộc họp, thậm chí đang ngủ, chị bực tức cúp máy không trả lời. Đến lần gặp kẻ lừa đảo giả danh công an, chị cảnh cáo đối tượng rồi cúp máy. “Nhưng tôi vẫn nhận những cuộc gọi rác đủ kiểu hành hạ. Đặc biệt mấy số có đuôi 4 số 8; 4 số 9 thì quấy nhiễu liên tục. Tôi cảm giác họ trả thù thái độ của mình”, chị H.M than vãn bất lực.
Không chỉ ứng dụng tổng đài ảo để “rải bom” quảng cáo ngẫu nhiên, gần đây các cuộc gọi lừa đảo núp bóng dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán còn biến tướng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Từ đầu tháng 6 đến nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) ghi nhận hàng loạt trường hợp nạn nhân bị lừa vì những cuộc gọi mạo danh cơ quan điều tra, cơ quan thuế, công an phường, giả mạo luật sư, giả mạo cả các đơn vị của Bộ GD-ĐT…
Chẳng lẽ bó tay?
Giải thích về việc dù đã chuẩn hóa thông tin thuê bao nhưng vẫn chưa dẹp được nạn cuộc gọi rác, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia công nghệ từ dự án Chongluadao.vn, giải thích: Nhiều số điện thoại được xác thực bằng CMND, CCCD với thông tin thật, nhưng không phải của chính chủ sử dụng số điện thoại đó thì vẫn đang được xem là hợp lệ. Ngoài ra rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại SIM ảo mà các đối tượng vẫn dùng để spam, quảng cáo hoặc lừa đảo.
“Các cuộc gọi lừa đảo, giả mạo sẽ rất khó để kiểm soát nếu không có biện pháp xác minh danh tính người dùng, nhưng để làm được việc này phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc… Vì vậy để chống lừa đảo cần đến các biện pháp từ nhiều bên, trong đó có cả người dùng. Người dân cần tích cực báo cáo lên cơ quan chức năng ngay khi nhận tin nhắn hay cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Về phía các nhà mạng, khi phát hiện, ghi nhận các số thuê bao thực hiện lừa đảo, cần khóa chặn và cảnh báo kịp thời những hành vi lừa đảo đang diễn ra để tránh gây thêm thiệt hại cho nạn nhân”, ông Ngô Minh Hiếu đề xuất.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, phân tích: SIM rác thường được sử dụng trong cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu, mời chào sản phẩm dịch vụ chưa bị loại bỏ vì về bản chất loại hình này không phải là loại hình cần che giấu thông tin. Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ, điển hình trong đó là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ…
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Bộ TT-TT vừa phạt một số nhà mạng vi phạm về quản lý cuộc gọi rác và đây là việc cần phải làm thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiến hành thanh tra kiểm tra, giám sát, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo Nghị định 91/2020, đồng thời tiến hành phát hiện, xử phạt các vi phạm liên quan đến lộ lọt dữ liệu người dùng theo quy định của Nghị định 13/2023.
Về phía người dùng, cần hạn chế cung cấp thông tin cho các cơ sở, dịch vụ không uy tín; báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác. Hạn chế lộ lọt dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp gửi tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt cuộc gọi rác.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS