Chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống đặc biệt
Đến nay, gần như chắc chắn rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới sẽ là cuộc đua của hai ứng viên là đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Cuộc bầu cử đặc biệt
Thưa ông, so với lần bầu cử năm 2020 thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có những khác biệt gì?
So với cuộc bầu cử năm 2020 thì đó là thời điểm đại dịch nên có nhiều khác biệt giữa tình hình như vậy. Cuộc bầu cử năm nay là cuộc cạnh tranh giữa một tổng thống đương nhiệm và một cựu tổng thống, tức hai người đều đã từng nắm giữ vị trí tổng thống. Đây cũng là điều đặc biệt mà rất lâu rồi diễn ra lại ở nước Mỹ. Cả hai lại đều có độ tuổi rất cao, do đó càng gây nên sự quan tâm ngay trong chính nước Mỹ.
Người dân chắc chắn sẽ theo dõi rất kỹ 2 cuộc tranh luận giữa hai ứng viên trên truyền hình sẽ diễn ra trong thời gian tới. Có lẽ, trong 2 cuộc tranh luận sắp tới, nội dung then chốt sẽ là các vấn đề sau.
Một là vấn đề lạm phát. Dưới nhiệm kỳ của ông Biden, dù kinh tế có những chuyển biến tích cực nhưng lạm phát luôn là một thách thức, nên đây sẽ là vấn đề mà hai ứng viên tranh luận.
Hai là về an ninh biên giới. Hiện nay, đây là vấn đề đang có sự bất đồng sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là phần biên giới phía nam của Mỹ.
Ba là về quyền phá thai. Trong nhiệm kỳ của ông Biden, Tòa án Tối cao cho phép các bang Mỹ áp lệnh cấm phá thai. Đây là yếu tố mà các cử tri là phái nữ sẽ quan tâm mạnh mẽ.
Hiện nay, ông Trump đang vướng những rắc rối pháp lý và đã bị phán quyết phạm tội hình sự. Vậy nếu ông Trump bị tuyên án tù thì điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử?
Rõ ràng việc tuyên ông Trump phạm tội hình sự vừa qua gây rất nhiều ảnh hưởng. Nhưng theo những nhà phân tích pháp lý, có vẻ như không thể sớm tuyên án tù cho ông Trump hoặc nếu tuyên án thì sẽ có những kháng cáo, nên khả năng cao là phán quyết cuối cùng đối với ông Trump sẽ không sớm xảy ra.
Dù gây chú ý nhưng nhiều cử tri Mỹ có thể không quan tâm lắm đến việc ông Trump bị luận tội vừa qua, vì những hành vi bị luận tội diễn ra khi ông chưa trở thành Tổng thống Mỹ. Những yếu tố then chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà cử tri quan tâm thì vẫn chỉ tập trung vào lạm phát, vấn đề biên giới, an ninh cũng như quan hệ quốc tế vốn đang có nhiều nguy hiểm trong thời điểm hiện tại.
Chung và riêng về chính sách đối ngoại
Ông nhận xét thế nào về sự khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa hai ứng viên Biden và Trump đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)?
Cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất Indo-Pacific là một khu vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thịnh vượng và hòa bình của Mỹ. Ngay cả phía đảng Cộng hòa thì cũng ủng hộ chính sách của ông Biden hiện tại trong việc liên minh, củng cố hợp tác với các quốc gia ở khu vực, cũng như đối với các liên minh sẵn có như “bộ tứ an ninh” (QUAD, gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) hay thỏa thuận 3 bên Mỹ – Anh – Úc (AUKUS).
Ngoài ra, Tổng thống Biden thực tế cũng tiếp tục các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Trump đối với Trung Quốc.
Có một khác biệt lớn nhất giữa 2 đảng chính là vấn đề chi tiêu quốc phòng. Trong khi đảng Dân chủ muốn tập trung chi tiêu vào vấn đề an ninh nội địa, còn phía Cộng hòa thì ngược lại.
Liên quan khu vực, ông đánh giá thế nào về tương lai của Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific (IPEF) trong thời gian tới, nếu như Nhà Trắng đổi chủ sau cuộc bầu cử?
Tôi nghĩ rằng IPEF sẽ tiếp tục được Nhà Trắng thúc đẩy trong thời gian tới dù ai trở thành Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tiếp theo. Bởi IPEF có các yếu tố hữu ích xung quanh thương mại số, kết nối mạng lưới đối tác đáng tin cậy và quan hệ đầu tư được tăng cường. Cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều đồng ý về điều đó. Ngoài ra, IPEF không bao gồm Trung Quốc nên theo quan điểm của đảng Cộng hòa thì đây là điều hữu ích. Chúng ta cần nhớ rằng khi còn nắm quyền, ông Trump đã đàm phán nhiều thỏa thuận hơn cả thời của Tổng thống Biden hiện nay.
Vậy quan hệ Việt – Mỹ, nhất là các hợp tác kinh tế, trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Hợp tác kinh tế hai nước chắc chắn tiếp tục mạnh mẽ hơn nhiều. Tôi nghĩ VN sẽ phải đưa ra một số quyết định về chuỗi cung ứng, an ninh, hợp tác xây dựng mạng lưới đáng tin cậy. Chúng tôi muốn VN gắn kết hơn nữa cũng như hướng đến hoàn thiện quy chế kinh tế thị trường. Những điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ kinh tế hai nước và tôi nghĩ sẽ quan trọng đối với quan hệ đối tác của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Khả năng cựu Tổng thống Trump thụ án
Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thụ án tù giam đang gia tăng do bị cho là liên tục vi phạm lệnh cấm phát ngôn của thẩm phán Juan Merchan, theo trang Salon ngày 8.6 dẫn lời giáo sư Adam Shlahet, Giám đốc Trung tâm Brendan Moore thuộc Trường luật Đại học Fordham (New York, Mỹ). “Mỗi khi có dịp phát biểu, ông ấy lại xúc phạm, nói thẩm phán Juan Merchan không trung thực”, ông Shlalet nhận định về vụ ông Trump bị kết tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy các khoản chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Ông Shlahet cũng nhắc lại việc ông Trump bị phạt về 10 lần vi phạm lệnh cấm phát ngôn trong quá trình diễn ra phiên tòa hình sự. Theo vị giáo sư, cách hành xử của ông Trump đang đẩy cựu tổng thống vào thế khó. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định khác. Trong đó, ông Michael Moore, cựu luật sư và hiện là chuyên gia pháp lý, cho rằng ông Trump sẽ không bị tuyên án tù, còn giáo sư Cheryl Bader thuộc Đại học Fordham dự đoán ông Trump sẽ bị quản thúc tại gia.
Khánh An