Chiếc cầu treo phá thế cô lập mùa mưa lũ
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Chiếc cầu treo phá thế cô lập mùa mưa lũ
admin 1 tuần trước

Chiếc cầu treo phá thế cô lập mùa mưa lũ

Hành trình băng rừng, lội suối…

Sau gần 1 tháng đẩy nhanh tiến độ thi công dưới sự giúp sức của nhiều người dân, cầu treo dân sinh bắc qua suối ở thôn 3A (xã Trà Vinh, H.Nam Trà My, Quảng Nam), đã chính thức khánh thành, xóa đi nỗi sợ cô lập mùa mưa lũ của bà con. Công trình ý nghĩa này được hàng chục thanh niên “cõng” từ dưới xuôi lên.

Chiếc cầu treo phá thế cô lập mùa mưa lũ- Ảnh 1.
Cầu treo dân sinh hoàn thành trong niềm vui của nhiều người dân vùng cao

NAM THỊNH

Công trình thanh niên “cầu treo dân sinh” được Huyện đoàn Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với Đoàn thiện nguyện Phan Đức thực hiện từ ngày 11.5. Để đến được điểm xây cầu, hàng chục bạn trẻ phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ với với khẩu hiệu “vượt nắng thắng mưa, băng rừng vượt suối” để có thể hoàn thành tất cả các khâu từ cõng đồ đạc, vật liệu… cho đến việc triển khai làm cầu.

Thôn 3A của xã Trà Vinh với khoảng 120 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc thiểu số), nơi đây “sở hữu” rất nhiều cái không như: không đường giao thông, không trạm y tế, không nước sạch… Để hoàn thành cây cầu, phá thế cô lập, Huyện đoàn Thăng Bình đã huy động hàng chục đoàn viên, thanh niên xuyên suốt thời gian khá dài với hành trình băng rừng, lội suối để đảm bảo thời gian thi công và bàn giao công trình trước mùa mưa bão. Sau hơn 20 ngày thi công, cầu treo dân sinh đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 26.5.

Trực tiếp vận chuyển vật liệu, ăn ở cùng bà con để hoàn thành công trình ý nghĩa này, anh Trần Văn Quốc (đoàn viên xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình) cho biết trước khi vượt quãng đường dài đến với thôn 3A, ngoài vận chuyển vật liệu, còn gùi, cõng thêm lương thực, thực phẩm để nấu ăn. “Tham gia nhiều chương trình ý nghĩa đến với người dân vùng cao Quảng Nam nên hơn ai hết chúng tôi biết rõ tình cảnh dân làng còn khốn khó, không muốn phiền hà nên chỉ xin nghỉ nhờ để có chỗ sinh hoạt”, Quốc nói.

Theo Quốc, vì thời tiết không ủng hộ khi buổi sáng thì nắng nóng, chiều lại thường xuyên xảy ra mưa giông nên rất khó khăn trong quá trình thi công. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ tích cực từ người dân, hàng chục bạn trẻ đã động viên nhau chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, nhằm phá thế cô lập khi mùa mưa đến. “Dù vất vả nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi bản thân mình đã góp một phần công sức nhỏ giúp thay đổi diện mạo vùng cao. Cây cầu treo dân sinh của thanh niên lần này mang ý nghĩa rất lớn, tạo nên câu chuyện trong lòng người dân”, Quốc chia sẻ.

Ngày khánh thành cầu treo dân sinh, chị Hồ Thị Lan (34 tuổi) cứ đi đi lại lại trên cây cầu này. Bởi, từ ngày này trở đi, cho dù mưa bão có lớn đến đâu chị Lan cũng như bà con sẽ không còn lo cảnh bị chia cắt nữa. Cây cầu như một món quà từ… trên trời rơi xuống dành cho người dân. Không chỉ có cầu mới để yên tâm đi lại, hàng chục hộ dân còn được các bạn trẻ trao tặng heo để làm sinh kế. “Có cầu người dân mình rất vui, vui hơn nữa là còn được các bạn trẻ tặng heo để nuôi. Với dân mình, đây như là cần câu cơm nên sẽ cố gắng chăm lo cho heo lớn nhanh để phát triển kinh tế”, chị Lan bày tỏ.

TRAO THÊM CẦN CÂU SINH KẾ

Anh Phan Đức (Bí thư Chi đoàn thôn Châu Lâm, xã Bình Trị kiêm Chủ nhiệm Đoàn thiện nguyện Phan Đức) cho hay sau khi chia sẻ ý tưởng về việc xây cầu dân sinh giúp bà con xã Trà Vinh, một số mạnh thường quân đã hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng cây cầu dài 20 m. Thôn 3B gần như bị cô lập mỗi mùa mưa, vì vậy khi cây cầu dân sinh hoàn thành khiến người dân rất vui.

Chiếc cầu treo phá thế cô lập mùa mưa lũ- Ảnh 2.
Heo giống được vận chuyển lên để trao tặng bà con

Ngoài làm cầu dân sinh, các bạn trẻ cũng trao phương tiện sinh kế là 60 con heo giống; tặng công trình thanh niên “Ánh sáng vùng cao” với 20 bóng đèn năng lượng mặt trời và trụ. Tại buổi khánh thành cầu, chính tay đầu bếp mang màu áo xanh tình nguyện cũng đã vào bếp nấu tặng đãi bà con, các em nhỏ 500 suất bún chả cá. Ngoài ra, trao tặng 88 suất quà cho các hộ dân khó khăn và hơn 3.000 con gấu bông cho các em nhỏ.

“Sau khi thực hiện các dự án đến với vùng cao, tôi cảm thấy rất vui vì giúp bà con hiện thực hóa được ước mơ có cầu để đi lại và trao được cần câu để bà con lo làm kinh tế và ổn định cuộc sống. Hành trình đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam là một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn được viết nên bởi những trái tim yêu thương và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ”, anh Đức chia sẻ.

Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, cho hay hưởng ứng chủ đề của Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2024 do T.Ư Đoàn phát động “Thanh niên tình nguyện hướng về vùng sâu, vùng xa”, Huyện đoàn Thăng Bình đã tổ chức chương trình này nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Ngoài ra, huy động nguồn lực của xã hội, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên, đóng góp sức trẻ trong việc hỗ trợ phát triển cho những khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi khó khăn.

“Quá trình xây dựng cầu treo dân sinh dù không được thời tiết ủng hộ nhưng với tinh thần và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ chúng tôi đã vượt qua tất cả để mang lại những điều ý nghĩa, tốt đẹp nhất cho người dân. Niềm vui nhất của các bạn đoàn viên, thanh niên khi tham gia là được thấy nụ cười của người dân khi cây cầu hoàn thành, các em bé vui mừng khi lần đầu tiên được cầm trên tay những con gấu bông…”, anh Vũ nói. 

4 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi