Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?
admin 3 tuần trước

Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?

Không ai là ‘bất khả xâm phạm’

HLV Kim Sang-sik đã lựa chọn kế thừa nền tảng con người của những người tiền nhiệm như Philippe Troussier và Park Hang-seo trong lần đầu tiếp quản đội tuyển Việt Nam. Lựa chọn này của ông Kim rất dễ đoán, bởi chỉ trong vài ngày tập luyện cùng học trò, nhà cầm quân người Hàn Quốc chưa đủ “tư liệu” (cả về thời gian và trải nghiệm) để thanh lọc đội tuyển toàn diện.

Song nói vậy không có nghĩa, HLV Kim Sang-sik sao chép y nguyên đội hình của các HLV trước. Ông vẫn có điều chỉnh mang dấu ấn riêng. Thủ môn Đặng Văn Lâm bắt chính thay Nguyễn Filip, cầu thủ trẻ Khuất Văn Khang được bố trí đá hậu vệ trái, hay vai trò trung vệ giữa được giao cho Nguyễn Đức Chiến… là những ví dụ cho làn gió mới, dựa trên con người cũ của HLV Kim Sang-sik.

Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?- Ảnh 1.
HLV Kim Sang-sik thổi luồng gió mới cho đội tuyển Việt Nam

MINH TÚ

Dám thay đổi ngay trong trận ra quân vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro là quyết định dũng cảm của ông Kim. Đồng thời lựa chọn ấy mở ra thông điệp: mọi cầu thủ đều sáng cửa đá chính, nếu thể hiện tốt trên sân và đáp ứng yêu cầu chiến thuật.

Trước và sau trận gặp Philippines, cuộc cạnh tranh giữa Văn Lâm và Nguyễn Filip được nhắc đến nhiều. Bởi HLV Kim Sang-sik đang có trong tay hai thủ môn ở đẳng cấp cao, có thể hình rất “Tây” và từng ăn tập ở châu Âu, điều mà những người tiền nhiệm không có. Tuy nhiên ngoài Văn Lâm và Filip, những vị trí khác cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

Đơn cử ở hàng phòng ngự, khi trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh trở lại sau án treo giò, ông Kim sẽ có đồng thời cả Việt Anh, Đức Chiến, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Thanh Bình cho 3 suất ở hàng thủ.

Bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá: “Trên lý thuyết thì Duy Mạnh, Tiến Dũng là lựa chọn tối ưu cho trận gặp Iraq bởi kinh nghiệm cực dày, nhưng cả hai đều xuống phong độ ở V-League. HLV Kim Sang-sik có thể sẽ tin dùng Việt Anh, giữ lại Đức Chiến và thay thế một trong hai cầu thủ Duy Mạnh, Tiến Dũng bằng một cái tên khác”.

Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?- Ảnh 2.
Ông Kim sẽ thay đội hình ở trận gặp Iraq?

MINH TÚ

Bộ ba trung vệ chưa được định hình cố định như thời ông Park (vốn tin dùng Duy Mạnh, Tiến Dũng, Ngọc Hải), mà sẽ còn thay đổi tùy vào màn thể hiện của cầu thủ.

Ở biên trái, HLV Kim Sang-sik đang có hai chân chạy trẻ tuổi gồm Văn Khang và Phan Tuấn Tài. Cả hai được luân phiên đá mỗi người một hiệp trong cuộc so tài với Philippines, và Tuấn Tài đang “dẫn trước” với pha kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn. Dù vậy, Văn Khang vẫn có ưu thế riêng, như khả năng bứt tốc, xuyên phá và kỹ năng tấn công đa dạng.

Ở cánh phải, ngoài Phạm Xuân Mạnh chơi chắc chắn ở trận trước, ông Kim vẫn còn Hồ Tấn Tài và Vũ Văn Thanh đủ sức đá chính trước Iraq với nền tảng kinh nghiệm vững vàng. Hay trên hàng công, Phạm Tuấn Hải và Đinh Thanh Bình đều dự bị ở trận gặp Philippines và sẵn sàng ganh đua suất chính thức khi Nguyễn Văn Toàn vắng mặt do án treo giò.

Kết cấu lối chơi dựa trên điểm mạnh của từng cá nhân

Khi chưa có thời gian triệu tập nhân tố mới, ông Kim đang tìm sự mới mẻ từ những con người cũ. Đơn cử, trung phong Tiến Linh được ưu tiên áp sát vòng cấm hơn, chuyền ít và xử lý đơn giản hơn. Chân sút sinh năm 1997 không phải tham gia khâu phát triển bóng như trước đây, mà tập trung vào nhiệm vụ anh giỏi nhất: dứt điểm.

Khác với HLV Troussier vốn đề ra một triết lý và yêu cầu từng vị trí phải đáp ứng, HLV Kim Sang-sik xây dựng hệ thống dựa trên điểm mạnh của học trò. Nhà cầm quân sinh năm 1976 đề cao sự tự do, cho phép cầu thủ tự xây dựng ý tưởng đập nhả, phối hợp, chạy chỗ.

Cạnh tranh nóng ở đội tuyển Việt Nam, vị trí nào khó đoán nhất?- Ảnh 3.
Các cầu thủ nhận được sự tôn trọng

MINH TÚ

Ông Kim không can thiệp vào tiểu tiết lối chơi giống người tiền nhiệm, mà tập trung vào toàn cảnh: lối chơi sẽ thiên về phòng ngự hay tấn công, khi nào đẩy cao đội hình, hay giữ cự ly thế nào để không bị “vỡ” trước áp lực của đối thủ.

Chưa thể nói triết lý của HLV Kim Sang-sik có phù hợp, nhưng ít nhất lúc này, các cầu thủ thừa nhận cảm thấy thoải mái hơn khi nhận được sự tôn trọng đồng thời thoải mái phát triển kỹ năng.

Tất nhiên trước đối thủ dưới cơ như Philippines, không cần chiến thuật quá phức tạp cũng có thể thắng. Còn trước Iraq thì sao? HLV Kim Sang-sik và học trò phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về tinh thần, thể lực và đấu pháp. Sự tự do sẽ được tiết chế để nhường chỗ cho kỷ luật – yếu tố tiên quyết nếu đội tuyển Việt Nam muốn đứng vững ở sân Basra.

3 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi