Cẩn trọng với ‘hướng nghiệp tâm linh’ trên TikTok
Gõ từ khóa “hướng nghiệp chọn nghề” trên thanh tìm kiếm của TikTok, người dùng có thể tìm thấy hàng loạt video liên quan, với nhiều nhóm nội dung khác nhau như đánh giá (review) ngành và trường học, dự báo thị trường việc làm, và nhất là cách chọn nghề phù hợp bằng các phương pháp khác nhau, thậm chí có phần “tâm linh”.
Đủ loại hướng nghiệp “tâm linh” trên TikTok thu hút học sinh
CHỤP MÀN HÌNH
CHỌN NGÀNH THEO “BẢN NGÔ, “NGHIỆP QUẢ”
Trong video với chủ đề “Ngành nghề theo đúng trường năng lượng tâm linh”, tài khoản TikTok H.Q.N (có 2,5 triệu lượt thích) khuyên học sinh (HS) chọn ngành theo “bản ngã” và “trường năng lượng” của mình, “nếu không sẽ bị te tua”, song không giải thích rõ “bản ngã” hay “trường năng lượng” là gì.
Tài khoản tên D.D.T.T thì khuyên HS chọn ngành theo “ma trận định mệnh”. Cụ thể, HS vào một trang web, nhập ngày sinh để nhận một bản đồ gồm các con số khác nhau. Cách này được D.D.T.T gọi là “chọn nghề theo nghiệp quả”, mỗi số tương ứng một nhóm nghề nghiệp khác nhau như thẩm phán, luật sư, làm việc trong cơ quan nhà nước (số 11), hay chăm sóc trẻ em, cách làm sáng tạo (số 22).
Cũng liên quan đến các con số, thần số học là phương pháp được nhiều TikToker lưu ý với HS khi chọn ngành nghề. Những video về chủ đề này thường thu hút từ hàng trăm nghìn đến vài triệu lượt xem. Để ứng dụng phương pháp này, HS cần tìm được “số chủ đạo” của mình thông qua việc cộng các số trong ngày sinh cho đến khi ra kết quả 1 chữ số; mỗi con số sẽ tương ứng với một nhóm ngành phù hợp.
“Nếu bạn có kết quả cộng ngày sinh là 1, bạn hãy chọn nghề có tính thách thức, chiến đấu và đòi hỏi sự quyết tâm cao, ví dụ như nhân viên kinh doanh. Nếu kết quả của bạn là 2, hãy chọn các nghề có thể hỗ trợ người khác, ví dụ như nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên tư vấn hay chuyên viên nhân sự lo lắng đời sống cho anh em trong công ty…”, tài khoản T.H.T.D chia sẻ trong một video có 1,5 triệu lượt xem.
HƯỚNG NGHIỆP QUA BÓI BÀI TAROT
Một phương pháp hướng nghiệp khác được đông đảo TikToker quảng bá là xem bói bài Tarot, “dù cho các bạn đang ở độ tuổi nào”. “Ở đây chúng ta có lá 3 tiền và 1 tiền, mình thấy liên quan đến việc các bạn hãy làm những công việc mà môi trường đông người vì bạn chưa đủ sức để làm điều gì đấy cho bản thân hoặc đưa bản thân vào lề thói kỷ luật”, tài khoản F.W (có hơn 940.000 lượt thích) chia sẻ trong một video “trải bài hữu duyên”.
Trong khi đó, tài khoản T.T cho biết mỗi lá số tử vi sẽ có một ngành nghề phù hợp. “Quan lộc của mình là vũ khúc thiên tướng miếu vượng mà mệnh của mình lại là liêm phủ thì mình rất hợp theo những nghề về kinh tế, kinh doanh hoặc quản lý nhân sự”, tài khoản này tư vấn cho khách hàng trong một video thu hút hơn 200.000 lượt xem.
NHU CẦU NGÀY CÀNG TĂNG
Nguyễn Bảo Ngọc, HS lớp 10 một trường THPT ở Q.3, TP.HCM, cho biết em và các bạn đồng trang lứa rất quen thuộc với thần số học hay Tarot. “Chúng em không chỉ tìm hiểu cho mục đích định hướng nghề nghiệp mà còn về học tập, tình cảm… Ngoài xem trên TikTok, chúng em còn đặt dịch vụ tư vấn riêng với chi phí từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Trước khi nghe lời khuyên từ người đọc Tarot (Tarot reader), bản thân em cũng có tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp mình yêu thích”, Ngọc chia sẻ.
Tương tự, Lâm Vĩnh Hồng, sinh viên Trường ĐH RMIT (TP.HCM), cho biết anh cũng từng tham khảo thần số học trước khi chính thức “chốt” theo đuổi ngành truyền thông. “Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn khác cũng tìm đến những dịch vụ có phần “tâm linh” như Tarot để xem độ phù hợp và cơ hội nghề nghiệp trước khi chọn ngành vào ĐH. Đa phần các bạn nghe lời khuyên để kiên định hơn với lựa chọn của mình”, Hồng nói.
Làm Tarot reader từ giữa năm 2023 đến nay, anh Nguyễn Đức Cường, chuyên viên truyền thông tại Trường ĐH Tân Tạo (Long An), nhận định ngày càng nhiều người tìm đến lĩnh vực này để xin tư vấn, đặc biệt là HS lớp 11, 12. “HS lớp 12 thường xin “trải bài” về chủ đề hướng nghiệp sau kỳ nghỉ tết, còn các bạn lớp 11 quan tâm đến vấn đề này trong giai đoạn nghỉ hè trước khi lên lớp 12″, anh Cường chia sẻ.
“Hầu hết các bạn đến nghe lời khuyên khi đã định hình trong đầu một số lựa chọn, tuy nhiên vẫn còn có sự phân vân. Qua việc “trải bài”, tôi có thể gợi ý về các thách thức và cơ hội tiềm ẩn trong từng lựa chọn”, anh Cường kể.
Tuy nhiên, khi hướng nghiệp, anh Cường lưu ý Tarot không thể thay thế các phương pháp truyền thống như tham khảo ý kiến, kinh nghiệm từ chuyên gia, người đi trước hay phân tích năng lực của bản thân. “Các bạn không nên hoàn toàn dựa vào lời khuyên từ Tarot để chọn ngành vì đây không phải là công cụ tiên tri hay dự đoán tương lai, mà chỉ giúp khai thác sâu hơn về tâm lý, cảm xúc và suy nghĩ của chính các bạn”, anh Cường nhấn mạnh.
RẤT NGUY HIỂM NẾU MẶC ĐỊNH TIẾP NHẬN
Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy, ngành Định hướng và tư vấn hướng nghiệp ĐH Queensland (Úc), hiện là Giám đốc điều hành SiF Career, nhận định bản chất của các phương pháp như thần số học, sinh trắc vân tay… không xấu, bởi nó giúp HS có thông tin, chỉ dấu và những ý niệm sơ khai về ngành học tương lai thay vì phải bắt đầu từ con số 0. Song, rất nguy hiểm nếu HS mặc định tiếp nhận các nội dung “đổ” vào mà không có sự soi chiếu, phản tư ngược lại, theo bà Thủy.
“Đó là vì một số phương pháp đưa ra bộ từ khóa rất chung chung, như cho rằng các bạn thích giao tiếp, tuy nhiên, thực tế hoạt động giao tiếp lại có nhiều mức độ. Nếu bản thân HS không phân định được mình thuộc týp giao tiếp nào thì sẽ rất dễ lựa chọn ngành nghề không phù hợp”, thạc sĩ Thủy lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Hertfordshire (Anh), hiện là Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp và kỹ năng Q Education, lưu ý, để hạn chế những rủi ro từ việc nghe định hướng chọn ngành trên TikTok, nhất là sau vụ “Những bằng ĐH vô dụng nhất”, cần tạo thế “kiềng 3 chân” giữa HS, nhà trường và những người đồng hành cùng các bạn (như phụ huynh, chuyên gia hướng nghiệp). Trong đó, HS đóng vai trò tìm hiểu ngành nghề, sau đó nhận thêm lời khuyên, góc nhìn từ các bên để được phân tích, giải thích đúng đắn.
“HS nên tham khảo các chính sách của nhà nước để lường trước về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngắn, trung và dài hạn để có cân nhắc tốt hơn trong việc chọn ngành học”, thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy lưu ý thêm.
HS cần trang bị “màng lọc”
Với chuyên môn tiếp thị trên nền tảng số, thạc sĩ Dư Tiểu Dương, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị kinh doanh Trường ĐH FPT TP.HCM, khẳng định TikTok đang trở thành công cụ tìm kiếm thông tin của thế hệ trẻ. Song, để tránh nội dung xấu, độc khi tham khảo hướng nghiệp trên TikTok, thầy Dương khuyên HS trang bị “màng lọc” cho bản thân qua việc phân tích, xử lý thông tin tiếp nhận.
“Ta có thể dựa trên các từ khóa để tìm thêm nội dung tương tự trên cùng nền tảng hoặc đa nền tảng để so sánh. Bên cạnh đó, tìm ngược lại nguồn trích dẫn được các nhà sáng tạo nội dung đề cập trong video để tìm hiểu thêm. Một cách khác là mang thông tin vừa tiếp nhận đến xác nhận với những người có kinh nghiệm như bạn bè hoặc chuyên gia trong ngành”, thạc sĩ Dương hướng dẫn.
Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy thì cho hay trước đây khái niệm “con đường sự nghiệp” (career path) khá phổ biến, còn bây giờ, trong một tương lai bất định thì “quỹ đạo sự nghiệp” (career trajectory) sẽ thay thế cho “con đường” bằng phẳng. “Đó là lý do HS cần biết kỹ năng ra quyết định liên quan đến sự nghiệp và áp dụng nó trong các thời điểm khác nhau. Đầu tiên, HS phải hiểu rõ bản thân. Tiếp đó, các bạn cần có thông tin về thế giới nghề nghiệp trước sự thay đổi thường xuyên và nhanh chóng ở các lĩnh vực. Cuối cùng, nên nắm rõ các nhân tố ảnh hưởng chính đến cơ hội việc làm, như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, nền kinh tế tri thức”, bà Thủy khuyên.