Bước tiến mới có thể viết lại lịch sử sơ khai của loài người
Nhờ vào kỹ thuật mới trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử loài người, đội ngũ chuyên gia xác định được các bếp lửa trên hình thành cách nhau ít nhất 200 đến 240 năm, mỗi bếp lửa nhiều khả năng được tạo ra cách nhau vài thập niên.
Phát hiện trên đóng vai trò quan trọng vì việc xác định được mốc thời gian hoạt động của con người trong giai đoạn thời kỳ đồ đá cũ (chỉ giai đoạn từ hơn 3 triệu năm đến khoảng 12.000 năm trước), mà lâu nay vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của lĩnh vực khảo cổ học tiền sử.
Khó khăn trong việc tìm hiểu mốc thời gian của hoạt động này chủ yếu do giới hạn trong kỹ thuật xác định niên đại. Ví dụ, kỹ thuật phóng xạ carbon không thể sử dụng cho các mẫu có niên đại hơn 50.000 đến 60.000 năm. Còn những biện pháp khác gây sai số đến vài ngàn năm.
Trong báo cáo mới, đội ngũ các nhà nghiên cứu dẫn đầu là chuyên gia Ángela Herrejón-Lagunilla của Đại học Burgos (Tây Ban Nha) đã thử sử dụng kỹ thuật mới để giám định đáy bếp lò ở El Salt, có niên đại khoảng 52.000 năm trước.
Kỹ thuật mới nghiên cứu và diễn giải các nhận diện đặc trưng của trường địa từ trong quá khứ được lưu lại bên trong các di tích khảo cổ học từng bị lửa thiêu. Đây là cách tiếp cận hiệu quả vì những vật liệu bị cháy ghi lại hướng của từ trường hoặc cường độ trường địa từ vào thời điểm tiếp xúc cuối cùng với lửa.
Nhà khoa học giải mật gien người Neanderthal nhận Nobel Y học
Nhờ vào biện pháp trên, các nhà nghiên cứu phát hiện các đáy bếp lò ở khu khảo cổ El Salt của người Neanderthal được tạo ra cách nhau vài thập niên, hoặc thậm chí cả thế kỷ. Khám phá này cho phép làm sáng tỏ hành vi của người Neanderthal, vốn tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước.
Từ những thông tin thu được, đội ngũ chuyên gia hy vọng sẽ mở ra các hướng nghiên cứu mới, chẳng hạn như mô hình di cư của người Neanderthal, thay đổi trong kỹ thuật sử dụng công cụ thời xưa, hoặc sự khác nhau của việc sử dụng không gian của họ hàng loài người.