‘Bông hồng thép’ mang yêu thương đến học sinh vùng cao
Thiếu tá Đỗ Thị Thanh Tâm sinh năm 1982, trong một gia đình có bố làm công an, quê gốc xã Trung Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Không chỉ được biết là mộtcô gái xinh đẹp, Thanh Tâm còn khiến mọi người ngưỡng mộ bởi những gì chị và các bạnđang làm – dành dụm tiền để giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ, học sinh vùng cao, vùng khó khăn được tới trườngkhi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện với nhóm Cùng em đến trường.
Trò chuyện với thiếu tá Đỗ Thị Thanh Tâm vào một buổi chiều cuối tháng 1, giữa đợt rét thấu xương tại Bắc Giang, trong câu chuyện chị không lúc nào không nhắc tới những hoàn cảnh khó khăn của trẻ thơ miền núi, những cảnh đời thiếu thốn từ quần áo tới lương thực. Tôi cảm nhận dường như trong chị luôn thường trực suy nghĩ: “Không biết rét thế này các em vùng cao sẽ như thế nào?”.
Chị chia sẻ, từ khi tham gia nhóm Cùng em đến trường, chị mới có dịp gửi chữ “tâm”, mang yêu thương lan tỏa, với mong muốn xích lại gần hơn sự chênh lệch giữa điều kiện sinh hoạt, học tập của trẻ em miền xuôi và miền ngược.
Theo chị, trong xã hội bây giờ rất nhiều bạn trẻ, nhóm hoạt động thiện nguyện, nhưng nhiều khi chưa đến nơi, đến chốn hay chỉ làm được thời gian là nản. Làm từ thiện phải xuất phát từ tâm, từ trách nhiệm của mình với người khác. “Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe, thời gian để chia sẻ được một phần nào đó đến với những hoàn cảnh khó khăn, dù đó là chỉ miếng ăn hay một bộ quần áo…”, chị bày tỏ.
Cách đây 20 năm, sự việc đau đớn nhất trong cuộc đời mình đã xảy ra, khi người bạn thân nhất đang học lớp 11 lâm bạo bệnh và giờ cuộc sống của bạn gắn liền với xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Bạn cũng là người thực sự khiến chị cảm động vô cùng bởi lẽ chính bạn đã tham gia ủng hộ vào nhóm Cùng em đến trường.
Riêng với Tâm, đó là là một kỷ niệm buồn không thể khỏa lấp đối với chị và các bạn trong lớp. Cũng từ đó, trong ý nghĩ của mình, chị thấy cần giúp đỡ những phận đời kém may mắn, thấy được giá trị của những tình cảm giữa con người với con người. Và ý nghĩ góp nhặt tiền bạc để giúp đỡ người khác bắt đầu từ đó, bắt đầu với việc tự cân bằng trong cuộc sống.
Mỗi chuyến đi một bài học
Với quan niệm “cứ đi là sẽ tới, có tâm việc sẽ thành”, hiện tại, Tâm cùng các bạn trong nhóm Cùng em đến trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện lớn nhỏ, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thăm hỏi, tặng quà những đối tượng là học sinh khó khăn tại Bắc Giang và một số tỉnh lân cận.
Cứ có thời gian rảnh là thiếu tá Tâm lại cùng các đoàn từ thiện đi khắp nơi để tìm những hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ. Đã tặng bao nhiêu quà, đã giúp đỡ bao nhiêu trường hợp khó khăn thì chị không nhớ rõ, chỉ nhớ rằng mỗi lần đi như thế là một bài học về tình thương đồng loại được rút ra.
“Mỗi lần đi, mỗi lần tặng quà là những cảm giác khác nhau, với người trong ngành vì không có nhiều thời gian ra ngoài nên có những địa chỉ, những cá nhân ở xa mà mình không tới được thì gửi qua bạn bè”, chị cho biết.
Khi được hỏi về những kỷ niệm ấn tượng trong những lần làm thiện nguyện, chị cười vui vẻ rồi nói: “Đối với bản thân mình cũng như các thành viên trong nhóm, phải nói rằng có rất nhiều kỷ niệm, mỗi chuyến từ thiện đều được gặp nhiều hoàn cảnh trẻ em người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh nào cũng rất khó khăn. Mới đây nhất, mình và nhóm Cùng em đến trường đã tổ chức trao quà cho các em học sinh tại 3 điểm trường: Phi Én, Háng Lìa, Thành Chử, xã Tủa Sín Chải, huyện Sỉn Hồ, tỉnh Lai Châu. Trên đường đến trao quà cho các em học sinh, trong suy nghĩ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bởi lẽ, thời tiết thì lạnh, sương mù dày đặc, đêm trước mưa đường lầy, trơn khó đi, rồi núi sạt lở không thể đi qua mà mọi người phải để xe lại, vác đồ, leo theo đường mòn trên núi, vượt qua chỗ sạt lở để đi bộ tiếp 2 km. Tới Phi Én đã 11 giờ 30, quần áo lấm đất bùn, mệt mỏi nhưng nhìn thấy các em nhỏ giữa cái giá lạnh vùng Tây Bắc mà quần áo mỏng manh, chân không tất, thậm chí có bạn đi chân đất, vẫn tới sớm đợi nhận quà và háo hức khi lần đầu biết lì xì là gì, mọi người lại nhìn nhau cười”.
Theo chị Tâm, “đi nhiều mới thấy, mình quá hạnh phúc! Ở rất nhiều nơi trên đất nước này còn vô vàn những ánh mắt, những bàn tay của trẻ nhỏ cần giúp đỡ, dù chỉ là chiếc áo hay quyển vở cũng làm các em vui rồi”. Chị cho rằng, làm việc trong môi trường lực lượng vũ trang đòi hỏi tính kỷ luật rất cao, đó là điều học được lớn nhất và giúp ích cho bản thân trong quá trình công tác. Cho đến giờ, chị thổ lộ mình chưa bao giờ hối tiếc về con đường đã chọn.
Thiếu tá Đỗ Thị Thanh Tâm tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên ngành Trung văn. Năm 2009, chị được tuyển vào ngành công an và được phân công về Công an thành phố Bắc Giang. Gắn bó công tác tại Công an thành phố được gần 10 năm, chị có quyết định về Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang công tác; hiện thiếu tá Đỗ Thị Thanh Tâm giữ chức vụ Phó đội trưởng Đội Tổng hợp – Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang.