Bộ trưởng Tài chính: ‘Phải thu thuế vì giờ livestream, bán hàng qua mạng nhiều’
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỉ USD và sẽ đạt 30,5 tỉ USD vào 2025.
Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các nghị định rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Ngoài ra, hiện nay, việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân tính đến ngày 3.6 đã đạt 97,57%. Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (một doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.
Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng, tới nay 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng.
Với TMĐT, theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Trong đó, cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT là 35.131. Doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24 và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.
Về số thu ngân sách nhà nước, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất cho biết, năm 2022 thu từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT là 83.000 tỉ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp 97.000 tỉ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỉ đồng.
Lũy kế đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15.600 tỉ đồng.
Bộ trưởng Tài chính đề xuất kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.
Ngoài ra, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế. Áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, lý do thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.
“Cần quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn”, Bộ trưởng Phớc nêu.
Chống thất thu thuế nhưng phải bảo vệ dữ liệu cá nhân
Chia sẻ tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện xử lý bình quân hơn 830.000 tỉ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20 – 25 triệu giao dịch/ngày. Đây là con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021 – 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11.2023, NHNN đã làm việc với cơ quan thuế, đồng thời chỉ đạo ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
Về khó khăn, vướng mắc, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, thời gian tới, NHNN đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, quy định về phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp, đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.