Bí ẩn về món nợ 850 triệu đồng, 2 cấp tòa án ngược quan điểm hoàn toàn
  1. Home
  2. Tin tức
  3. Bí ẩn về món nợ 850 triệu đồng, 2 cấp tòa án ngược quan điểm hoàn toàn
admin 3 tháng trước

Bí ẩn về món nợ 850 triệu đồng, 2 cấp tòa án ngược quan điểm hoàn toàn

Ông Trần Mạnh Toàn (40 tuổi, trú tại TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho biết, mới đây đã làm đơn gửi tới các cơ quan tố tụng, đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản mà ông là bị đơn.

Vụ án này kéo dài trong nhiều năm, với nhiều tình tiết ly kỳ về sự khác biệt trong quan điểm giải quyết giữa các cấp tòa án xét xử.

Bí ẩn về món nợ 850 triệu đồng, 2 cấp tòa án ngược quan điểm hoàn toàn- Ảnh 1.
TAND tỉnh Điện Biên, nơi xét xử phúc thẩm vụ án

CỔNG TTĐT TAND TỈNH ĐIỆN BIÊN

Có hay không hợp đồng vay tiền 850 triệu đồng?

Nguyên đơn trong vụ án là bà N.T.X (trú tại địa phương). Bà X. trình bày: khoảng 14 – 15 giờ ngày 3.9.2019, tại nhà bà ở TP.Điện Biên Phủ, vợ chồng ông Toàn có ký hợp đồng vay bà X. 850 triệu đồng, hẹn ngày 30.12.2020 sẽ trả. Hai bên thỏa thuận miệng tiền lãi theo quy định pháp luật.

Đến hạn, bà X. nhiều lần đòi nhưng phía ông Toàn chưa trả. Vì thế, bà khởi kiện, yêu cầu ông Toàn trả lại số tiền gốc, không cần lãi.

Ngược lại, vợ chồng ông Toàn khẳng định chưa bao giờ đến nhà bà X., không vay mượn, không ký bất kỳ hợp đồng nào, cũng không nhận được số tiền 850 triệu đồng từ nguyên đơn.

Ông Toàn cho biết, có quen biết bà P. là con gái bà X., nhiều lần vay tiền bà P. Khi vay, hai bên viết giấy vay tiền, thường là mẫu in sẵn do bà P. soạn trước (để trống nội dung tên người vay, người cho vay, số tiền vay…), lúc nào vay mới điền vào.

Theo thỏa thuận, sau khi ông Toàn trả tiền thì bà P. sẽ tự hủy bỏ hợp đồng. Cũng vì vay mượn đã diễn ra nhiều lần và đều suôn sẻ, ông Toàn rất tin tưởng bà P.

Năm 2019, vợ chồng ông Toàn có ký khống vào bên vay tiền của một hợp đồng do bà P. đưa, để vay 700 triệu đồng. Sau đó, ông Toàn đã trả bà P. số tiền này.

Tuy nhiên, bà P. không hủy hợp đồng như mọi lần, mà lại đưa cho mẹ dùng làm chứng cứ khởi kiện. Về bản chất, hợp đồng vay tiền mà bà X. cung cấp cho tòa là không có thật, bà X. tự viết trang 1 rồi ghép vào trang 2 (có chữ ký của vợ chồng ông Toàn).

Ông Toàn còn cung cấp “chứng cứ ngoại phạm” cho thấy khoảng thời gian 14 – 15 giờ ngày 3.9.2019, ông Toàn đang ở Sơn La, vợ ông cũng đang dạy tại Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên, nên không thể có mặt tại nhà bà X. để vay tiền như lời bà này trình bày.

Ông Toàn đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa án sơ thẩm xử bị đơn thắng…

Tháng 9.2022, TAND TP.Điện Biên Phủ mở phiên tòa sơ thẩm. Bà X. nói do cao tuổi nên thay đổi nhiều lời khai, từ việc cho vay tiền lúc 14 – 15 giờ thành không nhớ rõ thời gian, từ việc ông T. chưa trả lãi đồng nào thành có trả lãi 6 – 7 tháng nhưng không nhớ mỗi tháng trả bao nhiêu…

Bí ẩn về món nợ 850 triệu đồng, 2 cấp tòa án ngược quan điểm hoàn toàn- Ảnh 2.
Hợp đồng vay tiền trị giá 850 triệu đồng gây tranh luận trong vụ án

PHÚC BÌNH

Sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ, tòa án sơ thẩm nhận thấy hợp đồng vay tiền mà bà X. cung cấp là bản đánh máy sẵn, có một số nội dung để trống, gồm 2 trang không đánh số thứ tự, thể hiện bà X. cho ông T. vay 850 triệu đồng.

Tuy nhiên, giữa 2 trang của hợp đồng có nhiều điểm không thống nhất. Trang 1 viết là “hợp đồng vay tiền” và “bên vay tiền”, trang 2 lại viết là “giấy vay tiền” và “người vay tiền”. Trang 2 có đầy đủ chữ ký của bà X. và vợ chồng ông Toàn, nhưng trang 1 thì không có chữ ký nháy nào ở chân trang.

“2 trang văn bản trên không có sự đồng nhất về hình thức và nội dung, không liên quan đến nhau và không phải là cùng một văn bản”, hội đồng xét xử đánh giá.

Chưa kể, nguyên đơn là bà X. cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã giao số tiền 850 triệu đồng cho bị đơn.

Từ những căn cứ đã nêu, tòa án sơ thẩm nhận định không có giao dịch vay tiền giữa vợ chồng ông Toàn và bà X., hợp đồng vay tiền mà bà X. cung cấp là vô hiệu, do đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà X. kháng cáo.

Tòa án phúc thẩm ngược quan điểm, xử nguyên đơn thắng

Tháng 3.2023, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa phúc thẩm, đưa ra nhận định trái ngược hoàn toàn với TAND TP.Điện Biên Phủ.

Theo tòa án phúc thẩm, hợp đồng vay tiền mà bà X. cung cấp tuy có sự không thống nhất về tên gọi giữa “hợp đồng vay tiền” và “giấy vay tiền”, về chủ thể giữa “bên vay tiền” và “người vay tiền”, nhưng đây chỉ là do cách dùng từ, về bản chất là giống nhau.

Cạnh đó, trang 1 tuy không có chữ ký nháy nhưng trang 2 có đầy đủ chữ ký của cả 3 người. Chữ ký của vợ chồng ông Toàn tại phần “người vay tiền” trong hợp đồng mà bà X. cung cấp là thật.

Nội dung trang 1 và trang 2 có tính logic cả hình thức lẫn nội dung hợp đồng.

Tòa án phúc thẩm cũng cho rằng không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc vợ chồng ông Toàn đã ký khống vào hợp đồng vay tiền với con gái bà X.; cũng không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc vợ chồng ông Toàn không ký bất kỳ hợp đồng vay tiền nào với bà X.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa án yêu cầu bà X. xuất trình giấy giao nhận tiền giữa các bên, nhưng bà này không xuất trình được và cho rằng việc xác lập giấy giao nhận tiền là không cần thiết. Bởi lẽ, hợp đồng có nêu rõ “… kể từ thời điểm Bên B ký vào Hợp đồng vay tiền, Bên B xác nhận đã nhận đủ số tiền do Bên A chuyển giao…”.

Với những lập luận đưa ra, tòa phúc thẩm nhận định hợp đồng vay tiền giữa bà X. và vợ chồng ông Toàn là có cơ sở, vì thế quyết định chấp nhận kháng cáo của bà X., sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc vợ chồng ông Toàn phải trả cho bà X. số tiền 850 triệu đồng.

Không đồng tình với bản án phúc thẩm, ông Toàn làm đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Điện Biên là có căn cứ, nên không kháng nghị.

Ông Toàn sau đó tiếp tục làm đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục tái thẩm như đã nêu.

Hợp đồng có dấu hiệu bị chỉnh sửa?

Tại đơn đề nghị tái thẩm, ông Toàn đưa ra một số tình tiết mới, được cho là có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Trong đó, ông Toàn xuất trình một bản ghi âm hội thoại giữa bà X. và mẹ vợ ông Toàn. Nội dung trao đổi thể hiện bà X. thừa nhận vợ chồng ông Toàn không ký vào hợp đồng vay 850 triệu đồng, cũng không có việc chuyển giao tiền giữa đôi bên. Con số 850 triệu đồng là do bà X. bịa đặt, không liên quan đến vợ chồng ông.

Ngoài ra, ông Toàn còn cho rằng hợp đồng vay tiền mà bà X. cung cấp cho tòa án có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Ở giai đoạn sơ thẩm (theo bút lục đã được sao chụp), mục địa chỉ thường trú và chỗ ở hiện nay của bên B (tức là vợ chồng ông Toàn) bỏ trống phần “tổ….”. Ở giai đoạn phúc thẩm, mục này lại ghi rõ là “tổ 30”. Như vậy, cùng một bản hợp đồng nhưng tại 2 thời điểm khác nhau lại có sự khác nhau về nội dung.

Ông Toàn cũng khẳng định có đầy đủ chứng cứ chứng minh hợp đồng vay tiền giữa vợ chồng ông và bà X. là do ngụy tạo mà có, không có việc giao dịch 850 triệu đồng, nhưng tòa phúc thẩm lại chỉ căn cứ vào lời khai của bà X. để đưa ra phán quyết là không phù hợp…

5 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar

Bình luận gần đây

Không có nội dung